30/08/2011 - 21:14

Doanh nghiệp chờ "sóng" lặn

Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố. Trong ảnh: Chế biến gạo ở Công ty Lương thực Sông Hậu.

Tác động của lạm phát trong nước, lãi suất cho vay ở mức cao, trong khi thị trường của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sụt giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm cho nhiều DN gặp khó. Hiện nhiều DN ở thành phố Cần Thơ phải chịu sức ép rất lớn từ những cản ngại trên và không ít DN phải ngưng đầu tư nhiều dự án mở rộng sản xuất. Những thách thức khó khăn có kết thúc sớm, tương lai của thị trường 2012 như thế nào, DN vẫn khó dự báo chắc chắn. Do vậy, DN đang cần sự hỗ trợ từ ngành chức năng.

* Vượt khó

Theo thống kê của Sở Công thương TP Cần Thơ, trong 8 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của các DN trên địa bàn thực hiện hơn 13.986 tỉ đồng, đạt 60,9% kế hoạch và tăng gần 12,6% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, công nghiệp ngoài quốc doanh đạt hơn 11.660 tỉ đồng, đạt 61,1% và tăng 12,9% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 8 tháng đạt trên 666,6 triệu USD (đạt 65,5% kế hoạch năm), tăng 18,1% so cùng kỳ; trong đó, gạo 205,6 triệu USD, thủy sản 267,3 triệu USD, may mặc 37,9 triệu USD, da thuộc 7,4 triệu USD... Về kim ngạch nhập khẩu, từ đầu năm đến nay thực hiện gần 290 triệu USD, đạt 43,3% kế hoạch năm và tăng 3,7% so cùng kỳ, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho sản xuất. Nếu so về cán cân xuất nhập khẩu thì thành phố đang xuất siêu. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều DN xuất khẩu dù sản lượng xuất khẩu tăng, nhưng giá trị không tăng nhiều, do giá nguyên phụ liệu đầu vào đã tăng đáng kể, nên DN khó mà đạt lợi nhuận cao thời điểm này, dù thị trường xuất khẩu có thuận lợi.

Theo ông Trần Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam (Khu công nghiệp Trà Nóc II), là DN chuyên chế biến thủy sản xuất khẩu dù thị trường xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến nay có nhiều biến động, nhưng đơn vị không khó khăn về thị trường, mà còn mở rộng được nhiều thị trường. Thị trường chủ lực hiện nay của công ty gồm các nước như Brazil, châu Âu, Nam Mỹ, Trung Đông, Ai Cập, một số quốc gia khu vực châu Á. Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn ở mức cao, chi phí vốn cao, nên lợi nhuận của DN giảm và đơn vị phải ngưng một số dự án (dự án làm kho lạnh). Dù lợi nhuận giảm, nhưng công ty vẫn đảm bảo sản xuất để đảm bảo việc làm cho công nhân.

Còn theo một số DN ngành may mặc xuất khẩu, đơn đặt hàng gia công của DN tăng so với trước, do lợi thế về nhân công giá rẻ, sản phẩm gia công chất lượng, nhưng DN phải gánh thêm nhiều chi phí như: giá điện tăng, nguyên vật liệu đầu vào đã tăng 5-20% so cùng kỳ, thêm lương công nhân cũng tăng... Trong khi đó, giá gia công đàm phán hợp đồng ngay từ đầu năm 2011 với đối tác chỉ tăng 10-15%, nên không thể bù đắp chênh lệch, DN phải tiết giảm tối đa các chi phí không cần thiết và phát động thi đua trong lực lượng công nhân về các giải pháp tiết kiệm. Trong 8 tháng đầu năm, các DN may mặc trên địa bàn thành phố đã xuất khẩu trên 3,15 triệu sản phẩm may mặc các loại, với giá trị 37,9 triệu USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Hiện nay, một số DN may mặc đã có hợp đồng gia công đến đầu năm 2012, nhưng những lo ngại về giá đầu vào, lương công nhân tăng, chi phí vốn cao vẫn thường trực đối với DN. Thời điểm này, dù vẫn trụ vững trong sản xuất, kinh doanh, nhưng DN vẫn đang chờ những động thái tích cực từ thị trường và các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô để gỡ khó cho DN.

* Chờ động thái tích cực từ thị trường

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại (NHTM) lãi suất cho vay đang giảm để kích cầu sản xuất. Mức lãi suất cho vay được dự đoán trong tháng 9 khoảng 17-19%/năm, động thái giảm lãi suất là tất yếu của các ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng vẫn chưa cán đích. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất thời điểm này cũng không nhiều DN dám vay vốn. Bởi mức lãi suất dù giảm, nhưng vẫn ở mức cao và DN đã trải qua 8 tháng chịu đựng sự sụt giảm của thị trường, chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Theo nhận định của một DN sản xuất ở Khu công nghiệp Trà Nóc I (TP Cần Thơ), lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại ở mức 12-13%/năm thì DN mới có cơ may có lợi nhuận để vay vốn đầu tư. Còn mức lãi suất 17-19%/năm dù đã giảm, nhưng DN còn phải chi nhiều chi phí khác, nên tạm thời ngưng các dự án đầu tư mới, hoặc tăng sản lượng sản xuất, bởi đầu ra của thị trường vẫn là “ẩn số”.

Thành phố Cần Thơ hiện có trên 10.000 DN các loại hình đang hoạt động, nhưng có đến 90% là DN nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh của DN còn nhiều hạn chế, nhưng đây là lực lượng chủ lực tạo ra việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương và các tỉnh khác. Theo ông Phạm Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, DN nhỏ và vừa cần chính sách hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh và đứng vững trên thị trường. Ông Vinh cho rằng, để gỡ khó cho DN hiện nay cần phải tăng cường đối thoại trực tiếp với DN theo từng chuyên đề để biết được những điểm yếu và cái DN cần. Như vậy mới có được phương án hỗ trợ tốt nhất cho DN.

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, Sở đang hoàn tất các hồ sơ của DN kinh doanh ngành gạo và trình Bộ Công thương xem xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu cho DN, tạo điều kiện cho DN tham gia thị trường xuất khẩu ổn định. Hiện nay, gạo và thủy sản là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố với kim ngạch chiếm hơn 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu của thành phố. DN gạo và thủy sản đang gặp khó khăn về thiếu nguyên liệu, giá lúa gạo trong nước ở mức cao, giá tôm cũng ở mức cao, nhưng nguồn cung đang hạn chế. Theo ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, DN hoạt động trong khu công nghiệp vẫn giữ mức tăng trưởng, doanh thu tăng so với cùng kỳ và chỉ với 157 dự án đang hoạt động đã giải quyết việc làm cho 34.861 lao động (trong đó 30.430 lao động chính thức, còn lại là thời vụ)... Do vậy, để đảm bảo sản xuất, xuất khẩu không chỉ nỗ lực từ phía DN mà rất cần sự hỗ trợ từ chính sách của các ngành chức năng.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố. Trong ảnh: Chế biến gạo ở Công ty Lương thực Sông Hậ

Chia sẻ bài viết