10/10/2024 - 07:54

Doanh nghiệp Cần Thơ nỗ lực duy trì sản xuất, hoàn thành mục tiêu năm 2024 

Trong 9 tháng năm 2024, cộng đồng doanh nghiệp (DN) TP Cần Thơ tiếp tục gồng mình trước ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, giá nguyên liệu đầu vào và chi phí logistics tăng cao, cạnh tranh ngày càng khốc liệt… Tuy vậy, DN vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo việc làm cũng như các chính sách cho người lao động. Nhiều DN đã và đang tiết giảm các chi phí không cần thiết, tối ưu hóa trong sử dụng máy móc, thiết bị để giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH May Xuất khẩu Việt Thành.

Duy trì sản xuất, giữ chân lao động

Ông Lê Văn Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kwong Lung - Meko, cho biết: Công ty chuyên sản xuất chế biến lông vũ và may mặc xuất khẩu (áo jacket, chăn ga, gối nệm...) nhồi lông vũ tự nhiên hoặc lông vũ nhân tạo. Thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Bắc Mỹ và châu Âu. Công ty đang gặp một số khó khăn như thị trường vẫn còn bị ảnh hưởng sau đại dịch, nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi; xung đột giữa một số quốc gia trên thế giới kéo dài, giá cả nguyên phụ liệu tăng cao và thiếu công nhân. Trong bối cảnh khó khăn, DN nhận được sự hỗ trợ của chính quyền thành phố. Ðặc biệt, UBND thành phố tổ chức hội nghị "Ðối thoại giữa DN và chính quyền thành phố" để lắng nghe và giải quyết những vướng mắc của DN. Nhờ đó, công ty vẫn duy trì ổn định hoạt động sản xuất, với gần 1.900 lao động với mức lương bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Thành lập năm 1999, nhờ linh hoạt ứng phó với biến động thị trường, củng cố và phát huy nội lực, Công ty TNHH May Xuất khẩu Việt Thành giải quyết việc làm ổn định cho gần 700 lao động trên địa bàn thành phố. "Công ty sản xuất và kinh doanh sản phẩm may mặc các loại xuất đi các thị trường Mỹ và EU. Với lợi thế đội ngũ lao động lâu năm và lành nghề, công ty hợp tác với các nhãn hiệu lớn trên toàn cầu như Express, J.Crew, Alo Yaga… Trong 9 tháng năm 2024, công ty đạt doanh thu trên 15 triệu USD, tương ứng gần 3 triệu sản phẩm. Thu nhập người lao động đạt trên 9 triệu đồng/ tháng, các chế độ phúc lợi cho người lao động đơn vị thực hiện đầy đủ" - ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc công ty
cho hay.

Không nằm ngoài khó khăn chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh của  Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam (SOUTH VINA) đối mặt với tình trạng lạm phát tăng nên tồn kho ở các thị trường tiêu thụ còn nhiều làm cho nhu cầu nhập khẩu thủy sản giảm mạnh, số lượng đơn hàng sụt giảm. Bên cạnh đó, cước vận chuyển tăng, nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm, giá xuất khẩu sụt giảm trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất: tiền lương, tiền điện, thức ăn cá, con giống tăng cao. Tuy vậy, SOUTH VINA vẫn cố gắng duy trì sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động, tiết giảm các chi phí không cần thiết, sử dụng máy móc, thiết bị một cách khoa học, khai thác hết công suất tối ưu để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành. 9 tháng năm 2024,  doanh thu của công ty đạt 405 tỉ đồng, trong đó xuất khẩu 225 tỉ đồng (tương đương 9,1 triệu USD), giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận đạt 1,9 tỉ đồng.

Cần thêm trợ lực

Với những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô từ Chính phủ, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như xuất khẩu của DN TP Cần Thơ có dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên, các đơn hàng xuất khẩu còn nhỏ lẻ. Do đó, thành phố sẽ phối hợp với các bên liên quan tổ chức gặp gỡ giữa DN xuất khẩu (gạo, thủy sản, may mặc) với Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước, nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin, chính sách mới và cơ hội phát triển thị trường. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2-3-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Ðồng thời, thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo, kết nối cung cầu trực tiếp và trực tuyến với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tạo cơ hội tiếp cận, kết nối duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Ông Nguyễn Văn Bắc cho biết: Năm 2024, doanh thu dự kiến của công ty đạt 20 triệu USD, tương ứng 4 triệu sản phẩm các loại. Ðể đảm bảo mục tiêu đề ra, công ty đặc biệt quan tâm chăm lo các chế độ và quyền lợi của người lao động để giữ vững lực lượng lao động ổn định, lành nghề. Về lâu dài, chúng tôi luôn đặt mục tiêu chất lượng và đảm bảo các yêu cầu sản xuất ngày càng cao của các nhãn hàng, giữ vững thế mạnh xuất khẩu chủ lực thị trường Mỹ. Cùng với đó, trong chiến lược kinh doanh của DN sẽ phát triển đa dạng các nhãn hàng nhằm đáp ứng yêu cầu từ thị trường cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu thời gian tới.

Nhằm giảm bớt áp lực về trả nợ ngân hàng và có đủ nguồn vốn để kinh doanh những tháng cuối năm, ông Trần Văn Quang đề xuất thành phố kiến nghị Chính phủ có chính sách kịp thời về các gói hỗ trợ lãi suất cho DN xuất khẩu, giảm lãi suất vay của các ngân hàng thương mại, kéo dài thời gian cơ cấu nợ cho các DN xuất khẩu; giảm các khoản phí, lệ phí mở tờ khai hải quan, phí cấp CO, phí bến bãi; giảm tiền phí xử lý nước thải cho các DN nằm trong khu công nghiệp...

Trong chuyến thăm một số DN trên địa bàn thành phố mới đây, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết, thành phố sẽ tổng hợp và ghi nhận tất cả ý kiến của DN để chỉ đạo các sở ngành hữu quan có giải pháp hỗ trợ DN kịp thời. Dự báo, tình hình kinh tế TP Cần Thơ tiếp tục đối mặt khó khăn do ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế thế giới, vì vậy cộng đồng DN cần phát huy nội lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất, kinh doanh để nâng chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm làm ra, thu về lợi nhuận tương xứng. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho người lao động cũng như đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết