09/04/2010 - 08:18

Đoạn cuối của Cách mạng hoa Tulíp?

Ban lãnh đạo chính quyền lâm thời ở Kyrgyzstan. Đầu tiên từ trái sang là bà Roza Otunbayeva. Ảnh: Reuters

Sau 2 ngày bạo lực và hỗn loạn ở Kyrgyzstan đã có ít nhất 68 người chết và 527 người bị thương. Nếu các nguồn tin đối lập thật sự đáng tin cậy, Tổng thống Kurmanbek Bakiyev đã bị phế truất theo đúng cách mà ông lên nắm quyền hồi năm 2005, đó là biểu tình trên đường phố. Hiện có tin cho rằng ông Bakiyev đã trốn tới thành phố Osh ở miền Nam và sau đó chuyển tới tỉnh Dzhalal-Abad, trong khi phe đối lập thành lập “chính quyền nhân dân” lâm thời do cựu Ngoại trưởng Roza Otunbayeva lãnh đạo.

Trưa 8-4, chính phủ lâm thời đã quyết định giải tán Quốc hội, đồng thời nhận trách nhiệm thực hiện chức năng của Tổng thống và Hội đồng Bộ trưởng Kyrgyzstan. Theo đài truyền thanh độc lập Azattyk, Thủ tướng Daniyar Usenov đã đồng ý từ chức để tránh đổ máu hơn nữa, còn Tổng thống Bakiyev vẫn chưa chính thức tuyên bố gì. Thông báo trên đài truyền hình sau đó, bà Otunbayeva cho biết hoạt động của chính phủ lâm thời sẽ kéo dài trong 6 tháng và hiến pháp mới sẽ được soạn thảo. Bà Otunbayeva khẳng định phe đối lập hiện đã kiểm soát 4/7 tỉnh của Kyrgyzstan, trong khi những người biểu tình đã chiếm trụ sở chính quyền thành phố Osh, vốn được coi là “thành lũy cuối cùng” của Tổng thống Bakiyev. Dường như lực lượng an ninh Kyrgyzstan cũng đã ngã sang phe đối lập.

Bất ổn diễn ra trong tại Kyrgyzstan vài tuần qua, khởi đầu bằng những cuộc biểu tình phản đối tình trạng giá nhu yếu phẩm tại quốc gia Trung Á này tăng tới 20% và các cáo buộc chính quyền tham nhũng. Chính quyền Bakiyev đã chọn cách mạnh tay với người biểu tình, khi đàn áp, bắt giữ các thủ lĩnh đối lập, cắt đường dây liên lạc và hạn chế truyền thông. Điều đó khiến đám đông người biểu tình nhanh chóng lan rộng và bao vây phủ tổng thống, dẫn tới xung đột bùng phát nghiêm trọng hơn.

Theo các nhà phân tích, ông Bakiyev rơi vào tình cảnh hiện nay là do đã đánh mất sự ủng hộ của dân chúng, cũng như của các nhân vật quan trọng từ trung ương tới địa phương. Đa phần các thủ lĩnh đối lập nổi dậy lần này từng có thời gian là quan chức cấp cao dưới quyền của ông. Khi lên nắm quyền sau Cách mạng hoa Tulíp năm 2005, ông Bakiyev được kỳ vọng sẽ làm sạch nạn tham nhũng và vực dậy nền kinh tế của đất nước 5 triệu dân. Tuy nhiên, thời gian ông nắm quyền được coi là thời kỳ bế tắc chính trị và gây hấn với các đảng đối lập. Ông Bakiyev đã giành thắng lợi trong 2 cuộc bầu cử từ khi lên nắm quyền, nhưng các nhà quan sát cho rằng cả 2 lần bỏ phiếu đều không tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Bakiyev còn bị chỉ trích là đã đưa người thân vào các vị trí trọng yếu trong chính phủ. Hiện con trai ông là Maksim Bakiyev giữ chức Giám đốc Cơ quan trung ương về phát triển, đầu tư và sáng chế. Sáng 8-4, ông Maksim Bakiyev đã cùng Ngoại trưởng Kadyrbek Sarbayev tới Washington để gặp các đại diện Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ. Việc Tổng thống Bakiyev cho phép Mỹ duy trì căn cứ không quân Manas cũng vấp phải sự phản đối của phe đối lập.

N. KIỆT (Theo AP, WSJ, BBC)

Chia sẻ bài viết