10/07/2013 - 09:21

Định vị lại thị trường lúa gạo

Chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH Trung An,
TP Cần Thơ.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 6 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu gạo Việt Nam đối mặt với rất nhiều thách thức do nguồn cung từ các nước xuất khẩu gạo tăng, tồn kho của các nước nhập khẩu dồi dào. Sơ kết hoạt động xuất khẩu gạo 6 tháng tại TP Cần Thơ, VFA đưa ra nhận định những tháng cuối năm xuất khẩu sẽ khả quan hơn, song về lâu dài ngành gạo Việt Nam phải có những thay đổi căn cơ để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Giá xuất khẩu thấp

Theo VFA, 6 tháng đầu năm 2013, sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,485 triệu tấn với trị giá FOB 1,504 tỉ USD, trị giá CIF 1,575 tỉ USD; giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 431,45 USD/tấn. Thị trường châu Á vẫn chiếm thị phần lớn nhất với gần 62% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, giảm 6,6% so với cùng kỳ; châu Mỹ chiếm 9,58%, tăng hơn 91%; châu Âu tăng 172,8% và chiếm 3,3%. Gạo trắng 5% tấm hiện chiếm 33,72% trong cơ cấu gạo xuất khẩu, giảm đến 31,75% so với cùng kỳ 2012. Nguyên nhân chính là tiêu chuẩn và chất lượng gạo 5% tấm của Việt Nam hiện được xem là thấp hơn nguồn cung cấp từ Ấn Độ và Pakistan. Vì thế một số nước đã giảm lượng nhập khẩu từ Việt Nam mà chuyển sang lấy nguồn từ Ấn Độ, Pakistan. Theo các DN nhận định, giá gạo xuất khẩu đã giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm, từ mức 410 USD/tấn loại 5% tấm vào đầu tháng 1-2013 xuống còn 365 USD/tấn hiện nay, giá gạo Việt Nam đã tách khỏi mặt bằng thế giới và trở thành nguồn cung cấp rẻ nhất.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, các DN xuất khẩu gạo đã tăng cường xuất khẩu để tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa của nông dân và giữ được tiến độ xuất khẩu tương đương cùng kỳ 2012. Tuy nhiên, gạo Việt Nam đang phải bán ở mức giá rất thấp so với giá trên thị trường thế giới, đã làm sụt giảm hiệu quả sản xuất và kinh doanh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá gạo Việt Nam thấp hơn giá gạo thị trường thế giới như cơ sở hình thành giá xuất khẩu khác nhau giữa các nước, nhất là do chính sách trợ giá và thu mua của chính phủ ở Thái Lan và Ấn Độ làm giá trong nước cao, tạo cơ sở cho giá xuất khẩu cao. Gần đây, chất lượng gạo Việt Nam được xem là thấp hơn các nguồn cung cấp khác cùng loại, nhất là so với Ấn Độ và Pakistan, trong khi các nước này có thêm lợi thế về cước vận chuyển do gần các nước nhập khẩu. Một nguyên nhân khác là sức chịu đựng của DN Việt Nam còn yếu nên DN buộc phải bán giá thấp để kịp quay vòng vốn trả nợ ngân hàng.

Giá xuất khẩu thấp khiến mặt bằng giá lúa gạo nội địa giảm, nông dân trồng lúa thiệt kép. Các chuyên gia đầu ngành đều nhận định, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân trồng lúa gieo sạ theo lịch thời vụ, tập trung, đồng loạt để né rầy, nhưng chính sách tiêu thụ lại không kịp thời khi lúa vào vụ thu hoạch rộ. Mặt khác, chính sách tạm trữ hiện chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề, còn căn nguyên yếu kém lâu nay của ngành nông nghiệp vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng. Việc xem xét các nguyên nhân nội tại và chủ quan để khắc phục là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Cần định hướng thị trường chuẩn xác

Theo một DN xuất khẩu gạo ở tỉnh Tiền Giang, trong điều kiện toàn cầu hóa, giá xuất khẩu phải tuân theo quy luật của thị trường thế giới. Chất lượng gạo của Việt Nam đang suy giảm khi nông dân vẫn còn trồng nhiều giống ngắn ngày, tỷ lệ bạc bụng cao trong khi việc gieo trồng các loại giống mới, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu còn hạn chế. Ông Lê Việt Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mê  Kông (TP Cần Thơ) cho rằng: “Hiện nay, khi công bố giá thành sản xuất của nông dân để làm cơ sở tính giá sàn, chưa phân biệt lúa thường, lúa thơm. Đề nghị ngành nông nghiệp và các ngành liên quan cần tính toán giá thành tùy theo lúa thơm, lúa chất lượng cao, lúa hạt dài, lúa thường để có công bố chính xác… Nếu công bố giá thành sản xuất chung như hiện nay thì sẽ khó đánh giá được lợi nhuận trung bình của nông dân cũng như quyết định giá xuất khẩu”. Ông Hải cho rằng, chất lượng gạo quyết định giá cả, vì vậy cần thay đổi cơ cấu giống, chuyển sang trồng tập trung một vài giống để đảm bảo chất lượng xuất khẩu. Ngoài ra, cũng cần điều chỉnh lại lịch thời vụ, giảm vụ xuân hè, chỉ tập trung cho đông xuân, hè thu để đảm bảo chất lượng lúa gạo.

Tại hội nghị sơ kết hoạt động xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2013, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết: “Thị trường xuất khẩu gạo dự báo sẽ khả quan hơn trong những tháng còn lại của năm 2013. Hiện số lượng hợp đồng đã ký kết nhưng chưa giao hàng còn hơn 1,7 triệu tấn, tập trung ở các thị trường Trung Quốc, Châu Phi, Philippines, Malaysia và Cuba. Từ nay đến cuối năm, kế hoạch xuất khẩu gạo của Việt Nam là 4 triệu tấn, nâng sản lượng gạo xuất khẩu năm 2013 dự kiến đạt mức 7,5 triệu tấn. Do vậy, các DN cần thận trọng khi đàm phán hợp đồng, kiên quyết không hạ giá xuất khẩu mà chỉ điều chỉnh tăng theo biến động thị trường. Về lâu dài, phải tiếp tục thay đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, điều chỉnh phương thức kinh doanh và năng lực của các DN xuất khẩu nhằm gia tăng sức cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới”.

Theo VFA, tính đến ngày 4-7-2013 đã có 97/114 đơn vị được VFA phân bổ chỉ tiêu tạm trữ lúa gạo vụ hè thu 2013 đã mua 350.689 tấn quy gạo, chiếm hơn 35% chỉ tiêu được giao (1 triệu tấn quy gạo). Tuy nhiên, một số DN được giao thu mua tạm trữ lúa gạo cho biết DN đang thu mua tạm trữ để đảm bảo tiêu thụ lúa hàng hóa vụ hè thu cho nông dân, nhưng chất lượng gạo xuất khẩu đang giảm sút trong khi thị trường tiêu thụ gặp phải tình trạng cung cao hơn cầu vì thế DN đang trông chờ những hợp đồng tập trung của Chính phủ để dẫn dắt thị trường. Chính sách tạm trữ hiện nay không phải nông dân trồng lúa nào cũng được thụ hưởng, hơn nữa tiêu thụ lúa gạo đang phụ thuộc rất lớn vào lực lượng hàng xáo, còn DN chưa có nhiều điểm thu đến tận ruộng, vùng sâu vùng xa, cũng khiến nông dân thiệt thòi về giá bán. Các chuyên gia cho rằng cần chính sách căn cơ để giải quyết yếu kém trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hiện nay. Quy hoạch, đầu tư cho vùng trồng lúa phải đảm bảo ăn chắc, đồng thời phải có định hướng thị trường chuẩn xác, không thể để nông dân tự bơi mãi.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

 

Chia sẻ bài viết