26/11/2022 - 19:13

Dinh dưỡng, tập luyện đúng cách cho người bệnh đái tháo đường 

Bài, ảnh: H.HOA

PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền, Trưởng Khoa Nội tiết cơ xương khớp, Bệnh viện (BV) Lão khoa Trung ương cho biết thuốc, dinh dưỡng và tập thể dục là 3 trụ cột chính trong kiểm soát bệnh đái tháo đường (ÐTÐ), ngăn ngừa biến chứng của bệnh.

Dinh dưỡng hợp lý

Cô Trần Thanh Kiều, 62 tuổi, ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ bị ÐTÐ hơn 22 năm. Nhờ chế độ dinh dưỡng, tập luyện và dùng thuốc đều đặn, nên đến nay cô vẫn khỏe mạnh, đường huyết được kiểm soát tốt, không có biến chứng. Cô Thanh Kiều chia sẻ: “Khi mang thai, tôi bị tiểu đường thai kỳ, sinh cháu nặng 4kg. Cứ tưởng sau sinh sẽ hết nên cũng không để ý. Năm 2000, tự nhiên sụt cân dữ dội, tôi đi khám mới phát hiện bị bệnh ÐTÐ. Sau đó, hằng ngày, tôi dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Mỗi ngày đều tập thể dục 1 giờ, hạn chế ăn thức ăn có đường, nhiều tinh bột”.

Nhân viên BV Tim mạch TP Cần Thơ thử đường huyết cho người bệnh đái tháo đường.

BS Trương Bảo Duy, BV Tim mạch TP Cần Thơ, cho biết một số loại thực phẩm được chứng minh có thể giảm nguy cơ tiền ÐTÐ, ÐTÐ như: các loại hạt, dâu, sữa chua, cà phê, trà… Còn các thực phẩm cần hạn chế gồm: thịt đỏ, đồ ngọt, các thức ăn chứa mỡ bão hòa (động vật).

Theo Cử nhân Lê Li Ly, Phòng Ðiều dưỡng, BV Tim mạch TP Cần Thơ, những thực phẩm mà người tiền ÐTÐ và ÐTÐ cần hạn chế, bao gồm: thực phẩm được chế biến ở nhiệt độ cao như xào, đặc biệt là chiên giòn; thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp; đồ ngọt như đường, mía, các loại sữa chế biến sẵn không chuyên biệt. Người bệnh không nên ăn mặn và cần hạn chế uống rượu, hút thuốc. Những thực phẩm được khuyên dùng gồm: các loại trái cây tươi ít đường (táo, bưởi, cam, quýt…), nước ép khóm, cà rốt, củ dền, cần tây... cung cấp nhiều vitamin; thực phẩm giàu chất xơ như cám ngũ cốc, rau xanh, các loại họ đậu…; các loại thịt nạc, các loại cá biển.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người bệnh cần tính toán các nhóm thực phẩm trong bữa ăn một cách hợp lý. Theo Cử nhân Lê Li Ly, áp dụng Bàn tay Zimbabwe (cho 1 bữa ăn chính) để ước lượng: Rau chọn nhiều tới mức bạn có thể giữ bằng 2 tay. Các rau này nên là rau màu xanh có carbohydrate thấp. Chất béo: Hạn chế chất béo ở lượng bằng đầu ngón tay cái. Nhóm tinh bột chọn 1 lượng bằng với kích thước của 1 nắm tay. Trái cây thì nhỏ hơn 1 nắm tay. Chất đạm: Chọn 1 lượng bằng với kích thước của lòng bàn tay và độ dày bằng ngón tay út của bạn hoặc có thể chia nhóm tinh bột chiếm ¼ khẩu phần, nhóm đạm chiếm ¼, còn 2/4 là rau, củ, quả.

Tập luyện thể dục đúng cách

Theo BS Trương Bảo Duy, tập thể dục cải thiện lipid máu, giảm huyết áp, cải thiện kiểm soát glucose máu, giảm nguy cơ tim mạch, giảm và duy trì cân nặng, giúp cho xương chắc khỏe, khớp linh hoạt, cơ dẻo dai... Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu tập, không tập luyện khi trời quá nóng hay quá lạnh, cần uống đủ nước trước, trong và sau khi tập luyện, lập tức ngừng tập khi thấy kiệt sức, choáng váng. Ðo đường máu để điều chỉnh bài tập cho phù hợp, chọn giày thích hợp khi luyện tập và duy trì tập luyện lâu dài để mang lại hiệu quả. Tập luyện cần phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe và sở thích cá nhân.

Bệnh nhân béo phì trẻ tuổi không có biến chứng, không có tổn thương cơ xương khớp cũng cần có chế độ luyện tập giảm năng lượng như: đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội, đạp xe đạp, tennis, cầu lông, bóng bàn, thể dục nhịp điệu, yoga. Với bệnh nhân có vấn đề cơ xương khớp có thể lựa chọn bơi lội, đạp xe đạp, yoga, khí công, thái cực dưỡng sinh. Bệnh nhân trung niên hoặc cao tuổi có bệnh lý tim mạch: có chế độ luyện tập để dưỡng sinh như yoga, thái cực dưỡng sinh, khí công.

Còn bệnh nhân có tổn thương thần kinh ngoại biên có thể luyện tập bơi lội, yoga, khí công, thái cực trường sinh đạo, thể dục nhịp điệu. Bệnh nhân biến chứng thần kinh tự động tim mạch, hạ huyết áp tư thế thường xuyên thì không nên tập những động tác liên quan đến tư thế như thể dục nhịp điệu, chạy bộ, bơi lội, mà nên luyện tập các môn như yoga, khí công, thái cực dưỡng sinh… Nếu bệnh nhân có nhiều biến chứng phức tạp, việc tập thể dục mang ý nghĩa dưỡng sinh và vật lý trị liệu, không nên đặt nặng vấn đề thể dục nhằm mục đích giảm cân ở đối tượng này.

Tập luyện đều đặn 5 ngày/tuần, tốt nhất là hết các ngày trong tuần và không nên ngưng tập 2 ngày liên tiếp. Với đi bộ thì cần đi tổng cộng 150 phút/tuần (hoặc 30 phút/ngày).

Cử nhân Lê Li Ly cũng khuyến cáo, người bệnh ÐTÐ cần chăm sóc da, bàn chân. Người bệnh thường xuyên kiểm tra để phát hiện các tổn thương ở da. Kiểm tra chân hằng ngày để phát hiện các tổn thương như chỗ phồng, cục chai, bị đỏ... Khi cắt ngắn móng tay, móng chân thì chú ý không cắt quá sát, không cắt khóe. Chọn giày dép đúng cỡ. Khi có vết thương phải điều trị tại cơ sở y tế. Dùng thuốc đều đặn, đúng giờ, đúng liều, không tự ý ngừng thuốc khi chưa có ý kiến của nhân viên y tế. Có sổ theo dõi ghi lại mức đường huyết tại nhà. Luôn mang sổ khám bệnh mỗi lần tái khám.

Chia sẻ bài viết