12/06/2015 - 09:21

BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long

Điều trị bệnh tim bẩm sinh không cần phẫu thuật

Hiện nay, với sự tiến bộ của y học, người mắc bệnh tim bẩm sinh sẽ được điều trị khỏi bằng kỹ thuật thông tim can thiệp, đóng các lỗ bất thường qua da bằng dụng cụ y khoa (còn gọi là kỹ thuật bít dù) không cần phẫu thuật. Với sự hỗ trợ chuyên môn của chuyên gia nội tim mạch hàng đầu Việt Nam là PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Phó phòng Can thiệp tim mạch, Viện Tim mạch Quốc gia; kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, tuần đầu tháng 6-2015 BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long thông tim can thiệp cho 3 bệnh nhân ở ĐBSCL bị bệnh tim bẩm sinh. Từ nay, người bị bệnh tim bẩm sinh ở vùng ĐBSCL có thể điều trị khỏi bệnh tại TP Cần Thơ.

* Bệnh nhân được hưởng bảo hiểm y tế

 Ngay sau khi rời phòng (DSA) can thiệp thông tim, bệnh nhân Lê Văn Hòa vui vẻ trò chuyện với con trai.

Nhịp đập trái tim là biểu hiện sự sống của con người khi còn nằm trong bào thai. Đứa trẻ sinh ra bình thường sẽ có trái tim khỏe mạnh, nhưng tần suất 8/1.000 trẻ ra đời còn sống sẽ mắc bệnh tim bẩm sinh. Bệnh tim bẩm sinh là dị tật của buồng tim, van tim, vách tim, các mạch máu lớn, xảy ra khi còn trong bào thai. Bệnh tim bẩm sinh rất dễ phát hiện và điều trị sớm bằng kỹ thuật thông tim can thiệp (không cần phẫu thuật), bệnh nhân sẽ có sức khỏe bình thường. Nếu phát hiện muộn, bệnh nhân sẽ mắc các bệnh lý đi kèm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và phải điều trị bảo tồn. Điển hình như 3 bệnh nhân vừa được BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long can thiệp thông tim ngày 5-6-2015. Đó là bé Lê Nhựt Đăng, 6 tuổi, ở huyện Giồng Trôm, Bến Tre nhờ phát hiện sớm nên chỉ bị thông liên thất. Cô Huỳnh Thị Ánh Loan (28 tuổi, ở Châu Thành, Bến Tre), do mang trong mình dị tật thông liên thất đến 28 năm, nên cô Loan có thêm bệnh tăng áp lực động mạch phổi. Riêng ông Lê Văn Hòa (59 tuổi, ở Đầm Dơi, Cà Mau) bị thông liên nhĩ, suy tim độ 3 và tăng áp lực động mạch phổi. Ông Hòa cho biết: “Khoảng 3, 4 năm nay, tôi thường xuyên bị mệt, xỉu hoài, uống thuốc bác sĩ tư không hết. Mới đây, khi đi thăm vuông tôm, tôi té xỉu xuống nước, may mắn có người cứu. Gia đình đưa tôi đến BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long khám, chụp DSA phát hiện đoạn động mạch tim bị hẹp kéo dài đến 32mm. Khi bác sĩ tư vấn tôi có thể điều trị bằng phương pháp can thiệp, không phải mổ, nhưng phải uống thuốc thường xuyên, tôi mừng lắm”.

Mỗi ca can thiệp bằng kỹ thuật bít dù thực hiện khoảng 40 phút. Dụng cụ y khoa được đưa qua ngã động mạch quay (cổ tay) hoặc động mạch đùi, như hình thức bơm tiêm. Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo (không gây mê) và được xuất viện sau vài ngày. Bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế nếu đi đúng tuyến sẽ được thanh toán 100% chi phí trong danh mục quy định. Nhờ sự chia sẻ của bảo hiểm y tế nên gia đình bệnh nhân Loan, Đăng khi ra viện chỉ phải thanh toán 25 triệu đồng. Còn ông Lê Văn Hòa, thuộc diện đối tượng người có công nên số tiền chi trả chưa tới 16 triệu đồng. Ông Hòa bộc bạch: “Nếu biết đến bệnh viện tư nhân Hoàn Mỹ Cửu Long mà vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì tôi đã sớm đến đây, không để mang trong người căn bệnh nguy hiểm như vậy”.

* Hiểu đúng về can thiệp bệnh tim bẩm sinh

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Phó phòng Can thiệp tim mạch, Viện Tim mạch Quốc gia; kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội thì trong tần suất 8/1.000 trẻ ra đời còn sống mắc dị tật tim bẩm sinh, có khoảng 1/3 bị dị tật nhẹ, không cần điều trị như: thông liên nhĩ, thông liên thất kích thước nhỏ thường đóng lại trong hai năm đầu đời của trẻ. Với những trường hợp trên, cha mẹ cần cho trẻ tái khám theo đúng lịch hẹn để được cơ sở y tế chuyên khoa theo dõi.

Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng khác lạ sau đây: trẻ hay ho, khò khè tái đi tái lại, thở khác thường (thở nhanh, lồng ngực rút lõm khi hít vào), thường bị viêm phổi; trẻ có làn da xanh xao, lạnh, vã mồ hôi. Trẻ bị tím môi, tím đầu ngón tay, ngón chân, tăng lên khi khóc, chậm lên cân, thậm chí không tăng cân hay sụt cân. Bệnh tim bẩm sinh nặng thường được chẩn đoán ngay khi trẻ sinh ra. Trẻ dị tật tim nhẹ, không điều trị sớm sẽ diễn tiến nặng qua các triệu chứng như hay mệt, ngất, suy dinh dưỡng, viêm phổi tái đi tái lại. Bệnh nhân trong tình trạng này, cần phải điều trị bằng kỹ thuật can thiệp, điều trị thuốc không sửa chữa được dị tật.

Bệnh tim ngoài yếu tố di truyền, còn có nguyên nhân do môi trường sống của người mẹ khi mang thai. Phụ nữ cần quan tâm đến sức khỏe trước và trong khi mang thai: tránh khói thuốc lá, không dùng các loại thuốc an thần, nội tiết tố, tránh tiếp xúc với các nguồn bệnh do siêu vi gây ra như Rubella, quai bị, Herpes, Cytomegalovirus, Coxsaskie B…; nếu người mẹ có các bệnh lý chuyển hóa như tiểu đường, lupus đỏ lan tỏa… thì cần điều trị sớm.

Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh sau khi được điều trị can thiệp có thể sinh hoạt, học tập như trẻ bình thường, nhưng cần được chăm sóc kỹ và đúng cách gồm: luôn phải giữ ấm, ăn uống điều độ, đủ chất, giữ vệ sinh răng miệng tốt để tránh nhiễm trùng, không vận động mạnh, quá sức. Điều đặc biệt quan trọng là phải tuân thủ chế độ tái khám và phải uống thuốc kháng đông máu theo chỉ định của bác sĩ.

Bài, ảnh: Đình Khôi

Chia sẻ bài viết