14/12/2023 - 09:27

Điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ 

Cùng với Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ, thời gian qua, khoa Nhi - Sơ sinh BV Phụ sản TP Cần Thơ cũng tiếp nhận điều trị cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Ghi nhận của các bác sĩ tại đây, bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng. Do vậy, các gia đình có con nhỏ cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ; đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời khi có những dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.

BS CKII Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh BV Phụ sản TP Cần Thơ thăm khám cho bệnh nhi.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (27 tuổi, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đang nuôi con gái 15 tháng tuổi mắc tay chân miệng tại khoa Nhi - Sơ sinh BV Phụ sản TP Cần Thơ kể, ban đầu bé nóng, sốt cao, uống thuốc hạ sốt nhưng không hiệu quả, miệng bé còn có vài vết loét. Nhà có con gái lớn cũng từng mắc tay chân miệng, điều trị tại BV Phụ sản TP Cần Thơ. Vì vậy, lần này nghi ngờ con gái nhỏ mắc bệnh, chị lại đưa bé đến BV Phụ sản điều trị. Sau gần một tuần được các bác sĩ, điều dưỡng tận tình chăm sóc, mỗi ngày đều thăm khám 2 bận, con gái chị đã hồi phục hẳn.  

BS CKII Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh BV Phụ sản TP Cần Thơ cho biết, thời gian gần đây, khoảng đầu tháng 11 đến giữa tháng 12-2023, bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng, chiếm khoảng 20% tổng lượng bệnh nhi nằm viện tại khoa. Đa phần trẻ bệnh trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi. Trẻ vào viện thường ở mức độ vừa phải, chưa có trường hợp diễn tiến nặng cần chuyển lên tuyến trên. Thuận lợi ở khoa Nhi - Sơ sinh, lượng bệnh không quá đông nên cán bộ y tế có điều kiện theo dõi chặt chẽ tình trạng, diễn tiến của trẻ. Khoa cũng được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, các kỹ thuật xét nghiệm, thuốc, đáp ứng việc chẩn đoán và điều trị cho trẻ mắc tay chân miệng.

Theo BS Ngọc Hà, không phải tất cả các trường hợp trẻ mắc tay chân miệng đều cần thiết nhập viện. Các bậc phụ huynh lưu ý, khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh, trẻ sốt từ 2 ngày trở lên, sốt cao trên 390C uống thuốc hạ sốt nhưng không hiệu quả, trẻ ăn uống kém hoặc có các dấu hiệu như giật mình, chới với, ngủ li bì, ngồi không vững, đi đứng loạng choạng,… nên đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi thăm khám. Thời gian bệnh khởi phát cho đến khi khỏi hẳn thường kéo dài trong 10 ngày. Với những trẻ nằm viện, từ ngày thứ 5 trở lên, trẻ đã hết sốt khoảng 24 - 48 giờ cũng như không còn các dấu hiệu nguy cơ chuyển nặng thường được xuất viện.

Các bác sĩ cũng lưu ý các bậc phụ huynh quan tâm chăm sóc dinh dưỡng đúng cách để trẻ mau hồi phục. Đa phần trẻ bị tay chân miệng rất mệt mỏi, chán ăn. Trở ngại với việc ăn uống của trẻ do tình trạng loét miệng, khiến trẻ đau rát. Phụ huynh lưu ý lựa chọn thức ăn trẻ thích, thức ăn mềm, lỏng. Thức ăn nên để nguội, sữa có thể để lạnh để trẻ ăn uống đỡ đau hơn. Chế độ ăn cần đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, chia ra nhiều bữa trong ngày; bổ sung thêm nước trái cây giúp tăng sức đề kháng cho trẻ. Đối với trẻ bú mẹ cần tăng cường cho bé bú nhiều lần.

Bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm, theo dõi và điều trị kịp thời. Việc nhận biết sớm trẻ mắc bệnh tay chân miệng vô cùng quan trọng.

BS Ngọc Hà khuyến cáo, trong tình hình bệnh có chiều hướng gia tăng, cha mẹ cần chủ động phòng bệnh cho trẻ bằng các thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ và hạn chế tiếp xúc nguồn lây. Khi trẻ bị bệnh, cần cách ly đúng cách giữa trẻ bệnh - trẻ lành để hạn chế sự lây nhiễm. Trẻ mắc bệnh cần nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh, để ngăn chặn sự lây nhiễm cho trẻ khác trong môi trường học đường. Trẻ bị bệnh và người chăm sóc trẻ cần mang khẩu trang y tế; sau khi tiếp xúc với trẻ bệnh phải rửa tay sạch bằng xà phòng; tạo môi trường sống trong lành và an toàn giúp trẻ mau hồi phục. Sử dụng thuốc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết