26/05/2018 - 16:18

Diện mạo Cần Thơ đầu thế kỷ XX 

Tháng 2-1919, học giả Phạm Quỳnh từ Long Xuyên đến Cần Thơ, thấy sự sung túc của Cần Thơ đã không tiếc lời khen ngợi: “Cần Thơ có cái vẻ mỹ miều, xinh xắn, sạch sẽ phong quang, thật xứng danh làm tỉnh đầu ở miền Tây (La capitale de L’Ouest)”. Mỹ danh Tây Đô của Cần Thơ có từ đó.

Bến Ninh Kiều hôm nay.

Mới đây, hai dịch giả Nguyễn Nghị - Nguyễn Thanh Long đã dịch cuốn “Địa lý học: Tự nhiên, kinh tế và lịch sử Nam kỳ, chuyên khảo về tỉnh Cần Thơ” của Hội Nghiên cứu Đông Dương, ấn bản vào năm 1904 (NXB Trẻ ấn hành 2018). Những tài liệu rất quý này càng củng cố thêm nhận định của học giả Phạm Quỳnh về “thủ phủ miền Tây” là xứng đáng.

Theo tài liệu này, diện tích của tỉnh Cần Thơ năm 1904 vào khoảng 230.000 ha, được chia thành 9 tổng, 90 làng và nhiều ấp với số dân cư rất đông. 9 tổng gồm: An Trường, Bình Lễ, Định An, Định Bảo, Định Hòa, Định Thới, Thành Trị, Thới Bảo Thổ, Tuân Giáo. Các chợ sung túc ở Cần Thơ hồi ấy là Cần Thơ, Cái Răng, Phong Điền, Bình Thủy, Ô Môn, Cái Vồn…

Quang cảnh của Cần Thơ năm 1904 được Hội Nghiên cứu Đông Dương miêu tả, đó là một đồng lầy mênh mông với vô số kênh, rạch xẻ ngang, xẻ dọc được sử dụng làm đường giao thông và phục vụ thủy lợi. Đất ở Cần Thơ tương đối bằng phẳng. Cần biết thêm rằng, ở Cần Thơ, từ khi thành lập hạt thanh tra năm 1876 ở làng Tân An, các con đường nội ô dần được mở. Trước nhất, từ bến sông ban đầu mở dài ra thành đường mé sông: Route de Quai (đường Hai Bà Trưng ngày nay). Đường này về sau được làm nối dài từ bến-cầu tàu lục tỉnh đến cầu Cái Răng; lót gạch rất khang trang. Vậy nên ca dao mới có câu rằng:

Đường cầu tàu cây cao bóng mát
Đường Cần Thơ gạch lát dễ đi”

Mãi đến đầu thế kỷ XX, công cuộc khẩn hoang tại tỉnh Cần Thơ vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Tài liệu ghi nhận, diện tích đất chịu thuế là 123.400 ha, được phân loại: ruộng lúa, đất vườn và thổ cư. Ngoài ra, còn phải kể thêm khoảng 10.000 ha đất vừa được khẩn hoang và mới được chuyển nhượng. Do đất canh tác tại tỉnh thuộc loại đất mới, phì nhiêu cộng thêm khí hậu và chế độ nước nổi đều đặn, thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp. “Một khi lúa được gieo, người nông dân nhàn nhã chờ đợi đất đai, với sự trợ giúp của mưa và nước từ sông, sẽ ban lại cho anh ta gấp trăm những hạt giống anh ta đã giao cho đất” - sách ghi nhận.

Cần Thơ đầu thế kỷ XX, người Hoa ở đây vẫn khẳng định thế mạnh với việc buôn bán, cơ sở kỹ nghệ như xưởng chưng rượu, xưởng cưa, lò gạch… Đặc biệt, việc mở con kênh lớn Xà No đã giúp đời sống người nông dân Cần Thơ ăn nên làm ra, kinh tế sung túc hơn. Ngoài ra, 3 con kênh khác ở Cần Thơ là Ba Láng, Ô Môn và Đông Lợi cũng giúp “dẫn thủy nhập điền” và tạo nơi cư trú tốt đẹp cho cư dân bản xứ.

Về tổ chức trường học, tỉnh Cần Thơ thời điểm năm 1904 có 9 trường cấp tổng và 1 trường cấp tỉnh. Các trường cấp tổng được thiết lập trong 6 tổng. Đứng đầu mỗi trường là một thầy giáo người bản xứ và một thầy giáo dạy chữ Nho làm phụ tá. Nhiệm vụ của thầy đơn giản là dạy trò biết đọc, viết và làm các phép toán thông dụng. Riêng trường cấp tỉnh nằm tại Tân An, do giáo sư người Pháp điều hành với 3 thầy giáo người bản xứ trợ giúp. Chương trình dạy ở trường tỉnh gồm 2 cấp: cấp một và cấp hai. Với cấp một, học sinh tập đọc và viết tiếng Pháp, học những khái niệm sơ đẳng về văn phạm, toán và địa lý. Cấp hai (gần giống như chương trình cấp một của chúng ta bây giờ) của trường kéo dài 4 năm.

Bấy nhiêu cũng đủ khắc họa diện mạo tốt tươi của Cần Thơ những năm đầu thế kỷ XX. Năm 1909, tác giả Nguyễn Liên Phong sau chuyến thăm thú Tây Đô đã về thuật lại bằng thơ trong cuốn “Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca”, có đoạn:

Cần Thơ xứ lắm bạc tiền,
Bởi vì thổ sản điền viên cả ngàn.
Chín tổng trong chín mươi làng,
Ruộng thuộc ruộng khẩn muôn vàn biết nhiêu.
Vườn nhờ huê lợi cũng nhiều,
Bông hoa cây trái mỹ miều thường niên.
So cùng mấy hạt các miền,
Cần Thơ thứ nhất mối giềng giàu sang”

Rõ ra, Cần Thơ tự hào đã là Tây Đô từ hơn thế kỷ trước và hôm nay vẫn giữ vững vị thế trung tâm của khu vực ĐBSCL, thành phố động lực và phát triển.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết