18/08/2016 - 14:12

DIỄN ĐÀN KINH TẾ

 

* ÔNG LÊ QUỐC DOANH, THỨ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN:

Cần ứng dụng khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất

Tái cơ cấu nông nghiệp phải thực hiện cho được 2 trụ cột là ứng dụng khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất. Trong bối cảnh hiện nay, thách thức biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt cần phải tích cực thực hiện 2 trụ cột trên hơn, nhất là lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cần chọn tạo ra các loại giống nâng tầm quốc tế, phù hợp với từng địa phương, vùng thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất; tăng cường canh tác trong sản xuất…

Thời gian qua có những ngành tuy nhận được rất ít sự quan tâm đầu tư, nhưng kết quả xuất khẩu lại hết sức ấn tượng và liên tục tăng trưởng chẳng hạn như ngành rau quả. Do vậy, cần chú trọng nguồn lực nghiên cứu, phát triển nhiều hơn cho lĩnh vực này vì dư địa để phát triển vẫn còn lớn.

 

* ÔNG TRỊNH KHẮC QUANG, QUYỀN GIÁM ĐỐC VIỆN KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM:

Ưu tiên các sản phẩm chủ lực để tập trung nghiên cứu

Để đảm bảo sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập của người dân, khoa học cây trồng cần cung cấp kịp thời các giải pháp về quản lý, tổ chức sản xuất cũng như công nghệ để nâng cao chuỗi giá trị cho sản phẩm. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, khoa học cây trồng cần điều chỉnh lại chiến lược nghiên cứu theo định hướng thị trường, lấy thu nhập của người sản xuất làm trung tâm, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, có sự tham gia của doanh nghiệp.

Theo định hướng trên, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã xác định các nội dung ưu tiên, các sản phẩm chủ lực để tập trung nghiên cứu, gắn chặt nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng và thương mại sản phẩm, gắn nghiên cứu chuyên đề với nghiên cứu theo vùng lãnh thổ để phát huy tối đa mọi nguồn lực và lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên và thị trường.

 

* ÔNG ĐÀO ANH DŨNG, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TP CẦN THƠ:

Triển khai các giải pháp khoa học công nghệ trong trồng trọt

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thích ứng biến đổi khí hậu là hướng đi bền vững. Bên cạnh giảm tính tổn thương do biến đổi khí hậu còn tăng tính cạnh tranh và hội nhập, khai thác tối đa lợi thế tiềm năng của vùng, miền.

Cùng với các tỉnh vùng ĐBSCL, thời gian qua, TP Cần Thơ tích cực triển khai nhiều giải pháp công nghệ, nhiều mô hình canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển kinh tế, quy hoạch chung của vùng. Chẳng hạn, thay đổi cơ cấu chất lượng cao chịu hạn, mặn phù hợp các vùng sinh thái; sử dụng chế phẩm sinh học; tưới tiết kiệm nước, tưới tự động, kết hợp bón phân; sử dụng màng phủ nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất thiếu nước, phát triển trồng cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với tiêu thụ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường đất và nước… góp phần nâng cao chất lượng nông sản và gia tăng thu nhập cho nông hộ.

 

* ÔNG PHẠM ANH CƯỜNG, CÔNG TY CỔ PHẦN PHÂN BÓN BÌNH ĐIỀN:

Ứng dụng công nghệ mới để nâng chất lượng sản phẩm

Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền chuyên nghiên cứu sản xuất dòng phân bón chuyên dùng, đi sâu vào chất lượng sản phẩm để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón.

Hằng năm, công ty đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cho công tác nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển sản phẩm mới. Qua đó đã có những sản phẩm được ứng dụng trong sản xuất rất hiện đại, hiệu quả cao. Trong đó, nổi bật ứng dụng công nghệ mới giảm thất thoát phân đạm, lân theo công nghệ hiện đại do công ty độc quyền sản xuất. Từ đó giúp nông dân tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường. Các sản phẩm được nông dân trên cả nước đón nhận và xuất sang một số thị trường ngoài nước.

N. Bảo

Chia sẻ bài viết