26/05/2019 - 08:47

Điện ảnh Trung Quốc hơn 70 năm phát triển 

Năm 2018, Trung Quốc có thêm 10.000 rạp chiếu bóng với hơn 1,7 tỉ khán giả. Thị trường điện ảnh thứ nhì toàn cầu này có doanh thu đến 8,87 tỉ USD, chiếm hơn 1/5 tổng doanh thu phòng vé toàn cầu. Hơn 70 năm hình thành và phát triển, điện ảnh Trung Quốc đã đánh dấu sự thay đổi đáng kể.

“Red Sorghum”, tác phẩm điện ảnh đầu tiên của Trung Quốc đạt giải thưởng điện ảnh quốc tế.

Theo dấu chân lịch sử điện ảnh quốc tế thì Trung Quốc không phải là quốc gia có ngành công nghiệp này lâu đời, nhưng lại có tốc độ phát triển khá nhanh. Thời điểm đánh dấu sự thay đổi đó chính là sự ra đời của hãng phim đầu tiên Changchun Film Studio (thành lập năm 1945). Từ đó, điện ảnh Trung Quốc mới có sự thay đổi trên nhiều phương diện. “Bridge” (1949) là tác phẩm cho thấy bước chuyển mạnh mẽ khi trở thành phim truyện đầu tiên được sản xuất và công chiếu rộng rãi, khởi đầu cho dòng phim tiểu sử. Bắt đầu từ năm 1949 đến 1960, điện ảnh Trung Quốc thay đổi mạnh mẽ với số lượng các đơn vị có khả năng tổ chức các buổi chiếu phim tăng từ khoảng 400 lên hơn 20.300 đơn vị. Cơ quan công chiếu và phân phối phim Trung Quốc (thành lập năm 1951) cũng đã cấp phép và phát hành cho 1.213 tác phẩm phim truyện và phim ngắn. Chỉ trong vòng 17 năm, ngành điện ảnh quốc gia này đã sản xuất hơn 603 phim truyện và hơn 8.342 cuộn phim tài liệu và tin tức. Giai đoạn này cũng xuất hiện không ít những đạo diễn tài năng: Tạ Tấn, Thủy Hoa, Thôi Ngôi, Ngô Di Cung, Tạ Phi…

Thành công của  giai đoạn này đã tạo tiền đề cho điện ảnh Trung Quốc vươn rộng ra quốc tế. Đó là sự xác lập tên tuổi của hàng loạt đạo diễn tài năng, giàu nghệ thuật như: Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Điền Tráng Tráng… Họ được xem là thế hệ vàng của ngành điện ảnh Trung Hoa khi mang nhiều tác phẩm ra quốc tế và được công nhận với những giải thưởng danh tiếng. “Red Sorghum” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu trở thành tác phẩm đầu tiên của Trung Quốc chiến thắng giải quốc tế, đó là giải Gấu vàng ở Liên hoan phim quốc tế Berlin 1988. Tiếp nối sau đó là hàng loạt những tác phẩm ghi dấu ấn, như: “Yellow Earth” (1984), “The Horse Thief” (1986), “Raise The Red Lantern” (1991), “Farewell My Concubine” (1993)…

Thời kỳ này phim điện ảnh Trung Quốc có bản sắc nghệ thuật rất riêng, dần tạo được chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Kể từ năm 2004, Trung Quốc ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển ngành điện ảnh và nước này nhanh chóng trở thành thị trường lớn thứ hai thế giới. Giai đoạn từ năm 2014 đến 2018, doanh thu phòng vé thị trường điện ảnh Trung Quốc bứt phá mạnh mẽ với chỉ số tăng gấp đôi, từ 4,4 tỉ USD đã lên đến 8,87 tỉ USD. Trong quý đầu năm 2019, thị trường điện ảnh Trung Quốc đã thu về khoảng 2,77 tỉ USD.

Năm nay, Trung Quốc có kế hoạch đẩy nhanh việc phát triển và xây dựng thêm hệ thống rạp chiếu, cùng nhiều chính sách mở rộng thị trường và sản xuất phim ảnh. Từ năm 2005, số rạp chiếu bóng ở Trung Quốc chưa đến 2.000, nhưng con số này đã lên đến 70.000 rạp năm 2018. Trong định hướng của Trung Quốc thì đến năm 2020, mức độ tăng trưởng đề ra phải 80.000 rạp. Mặt khác, các công ty Trung Quốc liên tục đẩy mạnh thu mua xưởng phim, rạp chiếu và các công ty sản xuất phim của Hollywood. Tập đoàn bất động sản và giải trí Dalian Wanda Group đã sở hữu hệ thống rạp phim khổng lồ ở Mỹ AMC Entertainment và Odeon & UCI lớn nhất ở châu Âu.

Theo Variety, Trung Quốc muốn trở thành cường quốc điện ảnh vào năm 2035. Mục tiêu cụ thể mà Chính phủ nước này đặt ra chính là phải cải thiện chất lượng phim, có 100 tác phẩm thu trên 100 triệu NDT (khoảng 15 triệu USD). Để làm được điều này, Trung Quốc vẫn đang áp dụng chính sách khắt khe với các hạn ngạch phim ngoại, trong khi tạo mọi điều kiện để phim nội tăng trưởng và mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, vấn đề trên vẫn khá nan giải và đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết, khi phim nội địa Trung Quốc có chất lượng không đồng đều. Năm 2018, phim Trung Quốc chiếm 62,2 % doanh thu nội địa, nhưng phần lớn tiền đến từ các tác phẩm thuộc top 10 và phim nội địa trong danh sách 10 tác phẩm doanh thu cao nhất lại không nhiều, phải chia sẻ với các đối thủ đến từ Hollywood và Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi đó lại có đến 300-400 phim không thu nổi một triệu NDT, còn hàng trăm tác phẩm không thể ra rạp, gây lãng phí tài nguyên lớn. Do đó, các nhà làm phim Trung Quốc đang tập trung cải thiện, nâng chất lượng tác phẩm, cũng như liên kết, hợp tác với nhiều quốc gia như Mỹ, Bỉ, Pháp… đào tạo các nhà làm phim mới. 

BẢO LAM (Variety, China.org, Chinafilminside)

Chia sẻ bài viết