22/02/2020 - 18:43

Điện ảnh châu Á và góc nhìn mới 

Chiến thắng lịch sử của “Parasite” (Hàn Quốc) tại Oscar 2020 đã khẳng định sự lên ngôi của điện ảnh châu Á trong những năm gần đây không còn là nhất thời, may rủi; mà còn là sự thừa nhận tài năng và sự sáng tạo nghệ thuật không ngừng.

Mùa giải điện ảnh 2020 đã khép lại với những cái tên thuộc về châu Á: “Parasite” và “The Farewell” (Trung Quốc). Nếu “Parasite” liên tiếp chiến thắng ở Oscar, với những giải thưởng quan trọng: Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản xuất sắc nhất, Phim quốc tế xuất sắc nhất; thì “The Farewell” cũng mang về chiến thắng “nặng ký” ở Independent Spirit Awards (giải uy tín nhất thế giới dành cho các nhà làm phim độc lập) là: Phim xuất sắc nhất, đồng thời Quả cầu vàng cho Awkwafina ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.

“Parasite”.

Không chỉ được giới phê bình khen ngợi mà những phim này đều có doanh thu cao ở các phòng vé quốc tế. “Parasite” từng lập kỷ lục là phim Hàn có doanh thu cao nhất tại Hollywood, hiện đã mang về 180 triệu USD; trong khi “The Farewell” có lợi nhuận gấp 7 lần. Cả “Parasite” và “The Farewell” là những câu chuyện đậm chất Á Đông được thực hiện bởi những nhà làm phim gốc Á. Thế nhưng, đó không phải là nguyên nhân chính của việc các phim này có sức hút với khán giả phương Tây và toàn cầu; mà bởi phim có nội dung tốt, phong cách độc đáo. Điện ảnh châu Á từng có không ít tác phẩm xuất sắc, ấn tượng với giới phê bình quốc tế: “Tokyo Story”, “Farewell my Concubine”, “Rashomon”, “In The Mood for Love”… nhưng chưa thành công ở phòng vé toàn cầu.

“Parasite”, “The Farewell” chọn lối đi khác hẳn các phim châu Á trước đó. Những vấn đề xã hội luôn được các nhà làm phim khai thác, với những góc nhìn khác nhau. Chính vì thế, phim điện ảnh châu Á đậm bản sắc văn hóa bản địa, có màu sắc riêng, nhưng rất khó để khán giả phương Tây và toàn cầu tiếp nhận. “Parasite”, “The Farewell” thì không dừng lại ở câu chuyện địa phương, của xã hội ở một đất nước, mà được nâng lên thành vấn đề toàn cầu. Chẳng hạn, “Parasite” nhấn mạnh sự phân hóa giai cấp, cách biệt giàu nghèo, các vấn nạn lừa đảo, bạo lực. Khán giả phương Tây dễ bị gợi lên sự đồng cảm, liên hệ những vấn đề trong “Parasite” với đời sống chính trị, xã hội của nước mình, như tranh cãi về trợ cấp xã hội. Trong khi “The Farewell” mô tả một hiện tượng tâm lý toàn cầu: sự đứt kết nối với cội rễ của những di dân và thế hệ sau của họ, cũng như nỗ lực kết nối cội nguồn sau những xa cách và bất đồng văn hóa. 

“The Farewell”.

Những vấn đề của “Parasite” hay “The Farewell” có vẻ rất riêng, nhưng lại là chuyện không chỉ đang tồn tại ở riêng Hàn Quốc, Nhật Bản mà còn là ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là chuyện di dân. Ở một góc nhìn khác, sức hấp dẫn của “Parasite”, “The Farewell” còn là sự hứng thú về văn hóa. Cả nhà làm phim Bong Joon Ho hay Lulu Wang đều giữ bản sắc Á Đông trong câu chuyện của họ và gợi nên sự thích thú mới lạ với khán giả ở các quốc gia khác. Những cấu trúc xã hội được xây dựng trong từng phim cho thấy những sắc thái văn hóa bản địa ở mỗi quốc gia, làm nên nét độc đáo.

Một tác phẩm đang được chú ý khác là “The Long Walk” (2019) - sản phẩm hợp tác giữa Lào, Singapore, Tây Ban Nha, do nhà làm phim người Mỹ gốc Lào Mattie Do đạo diễn. “The Long Walk” ra mắt ấn tượng tại Liên hoan phim quốc tế Venice, sau đó là ở Macau. “The Long Walk” gây ấn tượng bởi có sự pha lẫn hiện thực Đông Nam Á với du hành thời gian, qua chỉ đạo của Mattie Do - nữ đạo diễn giúp Lào lần đầu tiên có tác phẩm dự tranh giải Oscar với “Dearest Sister”. Cô cũng là người đầu tiên làm phim kinh dị ở Lào với “Chanthaly”. Nhà làm phim này cũng đã mở ra nhiều sự thay đổi cho điện ảnh Lào, cũng góp phần làm thay đổi cái nhìn về giới làm phim châu Á. Đó là những nhà làm phim táo bạo, sẵn sàng khai thác những đề tài mới, phá cách với sáng tạo không ngừng.

BẢO LAM  (Theo Variety, South China Morning Post)

Chia sẻ bài viết