29/12/2019 - 07:38

Điểm sáng công nghiệp chế biến, chế tạo

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2019 ước tính đạt 516,96 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 263,45 tỉ USD, tăng 8,1% so với năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 ước tính xuất siêu 9,9 tỉ USD.

Góp phần quan trọng vào kết quả xuất khẩu năm 2019 là nhóm hàng công nghiệp chế biến, ước đạt 222,172 tỉ USD, chiếm khoảng 84,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Trong 34 nhóm hàng công nghiệp chế biến chủ yếu, có tới 26 nhóm đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD trở lên, có 8 nhóm hàng đạt hơn 5 tỉ USD và 3 nhóm hàng đạt trên 30 tỉ USD. Cụ thể: Điện thoại các loại và linh kiện 51,827 tỉ USD; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 35,591 tỉ USD; Hàng dệt, may 32,571 tỉ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác 18,304 tỉ USD; Giày, dép các loại 18,299 tỉ USD; Gỗ và sản phẩm gỗ 10,526 tỉ USD; Phương tiện vận tải và phụ tùng 8,500 tỉ USD; Sản phẩm gỗ 7,46 tỉ USD…

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, nhận định: Năm 2019, Bộ Công thương đã chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời thông tin tới các doanh nghiệp và có biện pháp thích hợp đấu tranh tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, thương mại bất hợp lý tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu; đồng thời chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường bền vững, tham gia sâu rộng vào hội nhập kinh tế quốc tế. Các doanh nghiệp đã tận dụng tốt hơn các cơ hội do các FTA đem lại, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi trong các FTA tính đết hết tháng 11 năm 2019 đạt khoảng 39% (khoảng 37% nếu tính cả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương- CPTPP) so với tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các FTA (ví dụ: Nga: tăng 9,1%; Mexico: tăng 27,6%; Canada: tăng 29,9%; Chile: tăng 19,8%).

Nhận định về kết quả đạt được và giải pháp trong năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Năm 2019, đã chứng kiến sự tăng trưởng rất nhanh chóng thương mại quốc tế của Việt Nam, đồng thời chưa bao giờ, số lượng điều tra về chống bán phá giá, cuộc tranh chấp thương mại khác với hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế tăng nhanh như vậy. Do đó, giải pháp trọng tâm cho năm 2020 là triển khai thực hiện tốt các cam kết hội nhập, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, gắn vào đó là Chương trình phổ biến kiến thức, tăng cường năng lực thể chế, cũng như tiếp tục hỗ trợ và tạo ra tương tác giữa khu vực công và tư một cách hiệu quả trong các lĩnh vực về hội nhập. Đặc biệt, hướng vào bảo vệ những lợi ích chính đáng và phù hợp với khuôn pháp quốc tế và cam kết hội nhập của Việt Nam cho các doanh nghiệp Việt ở thị trường trong nước và ngoài nước, kể cả liên quan đến tranh chấp thương mại quốc tế có trực tiếp và gián tiếp đối với Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam.

LINH CHI

Chia sẻ bài viết