14/04/2013 - 21:44

Trung Quốc

Dịch cúm H7N9 diễn biến phức tạp

Nỗi lo dịch cúm H7N9 đang lan tới Thủ đô Bắc Kinh.
Ảnh: AP

* Nền công nghiệp gia cầm điêu đứng vì dịch cúm A

Tân Hoa Xã hôm qua cho biết tổng số ca nhiễm cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc đã tăng lên 51, trong đó có 11 ca đã tử vong, sau khi 2 trường hợp nhiễm bệnh mới được ghi nhận tại tỉnh Hà Nam, miền Trung nước này vào hôm qua 14-4.

Các trường hợp nhiễm bệnh mới nhất được xác nhận sau các cuộc thử nghiệm do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc thực hiện. Theo đó, một đầu bếp 34 tuổi đang làm việc tại một nhà hàng trong thành phố Khai Phong đã phát bệnh từ hôm 6-4. Hiện ông đang trong tình trạng nguy kịch và đang được săn sóc đặc biệt tại một bệnh viện địa phương. Trường hợp nhiễm bệnh còn lại là một người nông dân 65 tuổi đang sống tại Chu Khẩu. Ông đang trong tình trạng ổn định sau khi được điều trị. Các mẫu xét nghiệm của cả hai trường hợp này đều cho kết quả dương tính với chủng H7N9. Được biết, 19 người từng tiếp xúc với hai bệnh nhân nói trên vẫn chưa thể hiện các triệu chứng của cúm.

Liên quan đến ca bị nhiễm cúm H7N9 đầu tiên là bé gái 7 tuổi tại Thủ đô Bắc Kinh hôm 13-4, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc Michael O’Leary cho biết đây không phải là điều bất ngờ, dù chưa thể đón trước nguồn gốc lây lan của dịch và những đối tượng đang trong diện điều tra tích cực vẫn là các loài chim và gia cầm. Sức khỏe của bé gái này đã ổn định nhờ được điều trị kịp thời. Ông nhấn mạnh điều trị sớm vi-rút gây cúm luôn là biện pháp quan trọng, bên cạnh phải có chế độ chăm sóc y tế tốt. Ông một lần nữa khẳng định “tin tốt lành” then chốt hiện nay là không có bằng chứng cho thấy dịch H7N9 có thể truyền từ người sang người.

Trong khi đó, các chuyên gia y tế và thú y Trung Quốc ngày 13-4 cho biết chủng vi-rút H7N9 có liên hệ gần gũi với các loài chim di trú Á-Âu, song khả năng truyền vi-rút từ các loài chim sang người là khó có thể xảy ra. Vì vậy, vi-rút H7N9 có thể được phát tán thông qua vật chủ trung gian, mà nhiều khả năng là các gia cầm và chim nuôi ở miền Đông Trung Quốc. Theo các chuyên gia, vi-rút H7N9 đã ủ bệnh trong cơ thể vật chủ trung gian, vì vậy rất khó phát hiện vi-rút ở giai đoạn đầu.

* Các trang trại chăn nuôi gia cầm Trung Quốc hiện đang lâm vào tình trạng thua lỗ lớn do nhu cầu thị trường giảm mạnh, kể từ sau sự bùng phát vi-rút cúm H7N9 hồi đầu tháng, nhiều nhà buôn trong ngành cho biết.

Zhao Bing, nhân viên một công ty tư nhân chuyên chế biến các sản phẩm gia cầm tại thành phố Xích Phong, thuộc khu vực tự trị Nội Mông, cho biết: “Hiện tại, kho lạnh của công ty, có sức chứa 5.000 tấn, đã trữ đầy sản phẩm gia cầm”. Công ty này thua lỗ tới gần 1 triệu Nhân dân tệ (NDT)/ngày. Trong khi đó, Hou Shuisheng- chủ một nhà máy chăn nuôi tại Bắc Kinh hiện có khoảng 8.000 con vịt- đã phải tạm ngừng hoạt động chăn nuôi. Trước đó, vịt nuôi của Shuisheng đang được bán với giá khoảng 9 NDT/kg. “Thậm chí, nếu tôi giảm một nửa thì vẫn khó lòng bán ra”- Shuisheng nói.

Mới đây, một số trường học quốc tế tại Thượng Hải đã loại bỏ món trứng và thịt gia cầm ra khỏi thực đơn của các nhà ăn và tiến hành kiểm tra thân nhiệt đối với những người bước vào khuôn viên nhà trường. Hãng gà rán KFC - một trong những chuỗi nhà hàng nước ngoài thành công nhất tại Trung Quốc - cũng có doanh số bán hàng sụt giảm trong những ngày qua. Chính quyền thành phố Thượng Hải đã cho đóng 23 sạp bán gia cầm cùng 119 điểm bán gia cầm ven đường không được cấp phép, trong khi 34 chợ bán chim chóc khác cũng được yêu cầu ngừng mua bán.

HOÀNG NAM -  THÁI THANH  (Tổng hợp)

 

Nỗi lo dịch cúm H7N9 đang lan tới Thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết