22/03/2014 - 21:28

Địa văn hóa và bảo tồn, phát huy đờn ca tài tử

* Địa văn hóa của đờn ca tài tử

Học giả Đào Duy Anh, trong sách “Việt Nam văn hóa sử cương” ở thiên đầu tiên, đã xác định: “Chính vì những điều kiện tự nhiên về địa lí khiến mỗi dân tộc sinh hoạt ở trên cơ sở kinh tế khác nhau, cho nên cách sinh hoạt cũng thành khác nhau vậy. Bởi thế muốn nghiên cứu văn hóa của một dân tộc, trước hết phải xem xét dân tộc ấy sinh trưởng ở trong những điều kiện địa lí như thế nào” (Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, NXB. Văn hóa thông tin, 2002, Tr.11).

Gốc gác người Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – Nam bộ là những lưu dân từ miền Bắc, miền Trung, trốn thuế má, phu phen, binh dịch hoặc theo chính sách “khẩn hoang lập ấp” của nhà Nguyễn vào vùng đất mới khai phá, lập nghiệp trong suốt từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Khi họ đến, vùng ĐBSCL sông rạch chằng chịt, nhiều rừng rậm hoang vu khiến nếp sống của họ thay đổi.

“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, yếu tố thiên nhiên, điều kiện địa lý ĐBSCL ảnh hưởng, chi phối cách sống, lối sống, sinh hoạt văn hóa của con người. Từ văn hóa truyền thống của người Việt ở miền Bắc, miền Trung, người ĐBSCL cũng dần hình thành lối sống mới thích nghi với hoàn cảnh mới. Đó là lối sống phóng khoáng, nghĩa khí, rộng rãi và hiếu khách (như sông nước mênh mông). “Xa xứ gặp nhau ai cũng là người thân”, người ĐBSCL sẵn lòng cưu mang, giúp đỡ những người sa cơ lỡ bước hay chẳng may gặp cảnh hoạn nạn. Giữa thiên nhiên hoang sơ, người xa xứ thường giãi bày tâm trạng tha hương, nhớ về quê cha đất tổ qua chén trà, ly rượu, qua lời ca, tiếng hát, đặc biệt là chơi đờn ca tài tử. Tổng đốc An Hà (Nam bộ) dưới triều Minh Mạng (1820-1840) - Doãn Uẩn có viết trong sách Trấn Tây kỷ lược: “...duy tính nhân dân thích ca vũ, không ngày nào không”. Ông còn gọi vùng đất này là “đất múa hát”. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã rất thấm thía gọi đó là Điệu buồn phương Nam.

Âm nhạc của người ly hương có nguồn gốc lễ nhạc hay nhã nhạc cung đình Huế, được truyền bá vào Nam bộ từ một số quan lại của triều đình đi trấn nhậm các trấn, phủ, một số nhạc quan từ bỏ quan trường về sống ẩn dật hoặc hưởng ứng phong trào “Tỵ địa” sau khi thực dân Pháp xâm chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam bộ. Tuy nhiên, lễ nhạc có tính bài bản, bác học, giới “bình dân” rất khó chơi. Nhiều nhạc quan, “nghệ nhân” khi truyền bá lễ nhạc vào Nam bộ đã có công cải biến, “mềm hóa” để dễ chơi, phố biến. Trong số đó có thể nêu ra: Phan Hiển Đạo (1822 - 1864) ở Bến Tre, Nguyễn Quang Đại (?) ở Long An, Phan Thanh Giản (1796 - 1867) ở Vĩnh Long...

Một số người cho rằng đờn ca tài tử là một hình thức âm nhạc dân gian mang tính chất thính phòng. Tài tử được hiểu theo nghĩa là người tài hoa, lịch lãm, “tài tử, giai nhân” chứ không phải là người chơi nghiệp dư, “amateur”. Người chơi nhạc tài tử lúc đầu là các điền chủ, trí thức, tiểu tư sản và các công chức ở các tỉnh Nam bộ. Họ có điều kiện, tiền bạc để huy động lực lượng, nhạc cụ lập ra các ban, nhóm theo từng địa phương làng, xã để đờn ca, thưởng thức theo kiểu “tri âm, tri kỷ” chứ không phải biểu diễn để xem. Các loại nhạc cụ ban đầu vẫn giữ theo phong cách tứ tuyệt: kìm, tranh, cò và độc huyền, về sau (khoảng năm 1950-1960) mới có thêm guitar phím lõm và đờn violon.

 CLB Đờn ca tài tử Tri Âm (trực thuộc Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ). Ảnh: DUY KHÔI

Ở Nam bộ, đờn ca tài tử phát triển mạnh vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ở đây có rất nhiều nhóm, ban đàn ca tài tử, nhưng nổi lên 4 nhóm có vai trò, ảnh hưởng lớn đến các địa phương khác:

* Ban tài tử Ba Đại do ông Nguyễn Quang Đại sáng lập ở Cần Đước, Long An. Ông Nguyễn Quang Đại là người có công chấn chỉnh lại bốn bản Bắc: Lưu thủy, Phú lục, Bình bán và Cổ bản của nhạc Huế cho phù hợp với phong cách Nam bộ. Ông còn sáng tác thêm bộ Ngũ châu bao gồm các bản: Kim tiền, Ngự giá, Hồ Lan, Vạn liên, Song phi hồ điệp và tám bản ngự: Đường Thái Tông, Vọng phu, Chiêu Quân, Ái tử kê, Bát man tấn cống, Tương tư, Quả phụ hàm oan.

* Ban tài tử Nhạc Khị do ông Lê Tài Khị (1870 - 1948) sáng lập năm 1906 ở làng Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu.

Nhạc Khị đã có công chấn chỉnh, hiệu đính và hệ thống hóa 20 bài bản nhạc sau này trở thành “nhạc tổ” của đờn ca tài tử và sân khấu cải lương. Đó là 6 bản Bắc (Lưu thủy, Phú lục, Xuân tình, Bình bán, Tây Thi, Cổ bản); 7 bản Bắc lễ (Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, Vạn giá, Xàng xê); 3 bản Nam (Nam Xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung) và 4 bản oán (Phụng hoàng, Phụng cầu, Giang nam, Tứ đại).

Nhạc sĩ Lê Tài Khị có một học trò xuất sắc là Cao Văn Lầu (1892 - 1976), đã sáng tác ra bản Dạ cổ hoài lang (vào năm 1919) và sau này đổi tên thành bản Vọng cổ là bản nhạc chủ đạo trên sân khấu cải lương thay cho bản Tứ đại oán trước đó.

* Ban tài tử Tư Triều do ông Nguyễn Tống Triều thành lập năm 1912 ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Ban tài tử Tư Triều được mời sang Pháp biểu diễn và tiếp thu được cách biểu diễn đờn ca tài tử trên sân khấu.

* Nhóm tài tử của ông Tống Hữu Định (1869 - 1932) thành lập vào năm 1915 ở Vĩnh Long. Nhóm này có ông Phạm Đăng Đàn là một nghệ nhân nổi tiếng với cây đàn độc huyền và tài sáng tác các bản nhạc. Ông đã sáng tác bản Tứ đại Tặng thầy Phó tổng Tống Hữu Định - Vĩnh Long - sùng tu văn miếu được in trong tập Thập tài tử năm 1915.

Ông Trần Quang Quờn (1875-1946) còn gọi là Kinh lịch Quờn, Ký Quờn làm thư ký cho tòa án tỉnh Vĩnh Long. Khoảng năm 1917, 1918, ông đã soạn lời ca Bá lý hề theo điệu Văn thiên tường và Tứ đại oán. Sau này sân khấu cải lương rất thông dụng hai giai điệu này. Ông Ký Quờn còn có công cải tiến cây đàn nguyệt cổ điển thành cây đờn kìm với tiếng kêu to hơn, nhanh hơn và phù hợp với nhiều bài bản trong ca nhạc tài tử.

Đờn ca tài tử trải qua quá trình phát triển: từ ca ra bộ - hát chặp - sân khấu cải lương. Sau đó lan ra các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Trung, miền Bắc và sang cả Campuchia.

Với đặc điểm, lịch sử phát triển như trên, có thể nói vùng đất Nam kỳ Lục tỉnh xưa, nay là ĐBSCL, là “địa văn hóa” của đờn ca tài tử.

* Bảo tồn, phát huy đờn ca tài tử

Ngày 5-12-2013, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và tối 11-2-2014 tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) đã diễn ra lễ đón nhận bằng của UNESCO. Đây là niềm tự hào của người Cần Thơ, ĐBSCL và cả nước. Tuy nhiên, hiện nay đờn ca tài tử đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Rất ít thanh thiếu niên biết đờn ca tài tử; dàn nhạc lễ ngày càng hiếm hoi; nhiều cuộc chơi đờn ca tài tử ngày nay bị “vọng cổ hóa” hoặc “cải lương hóa”. Cần phải sớm có những giải pháp, biện pháp bảo tồn và phát huy đờn ca tài tử. Có bảo tồn và phát huy thì mới có nguồn bổ sung cho sân khấu cải lương; giữ gìn được bản sắc, truyền thống văn hóa vùng miền Nam bộ.

Nên chăng TP Cần Thơ sớm có đề án thành lập trung tâm bảo tồn nghệ thuật dân tộc. Ở đó không chỉ đờn ca tài tử, mà còn có hát bội, hát rô - băm của người Khmer ở ĐBSCL... cũng đang đứng trước nguy cơ mai một.

Kế đó, cần có công trình nghiên cứu sâu, rộng hơn về nguồn gốc của nhạc tài tử. Ngoài lễ nhạc cung đình Huế, ca dao, hò vè, các điệu lý... nhạc tài tử còn tiếp thu thêm những loại hình nào?

Nghiên cứu, đề xuất đưa nhạc tài tử vào nội dung giảng dạy trong các trường, trước nhất là các trường văn hóa - nghệ thuật và hệ thống các trung tâm, nhà văn hóa; sau đó có thể mở rộng ra các trường phổ thông.

Bên cạnh việc đề ra chương trình hành động, Bộ VH,TT&DL và các cơ quan chức năng cần sớm có chính sách, cơ chế đầu tư về mọi mặt để sinh hoạt đờn ca tài tử phát triển, phổ biến trong sinh hoạt văn hóa của các tầng lớp nhân dân, trong giao lưu văn hóa giữa các tỉnh ĐBSCL với các vùng miền, với khách quốc tế...

Phú Thọ có hoát xoan, hát ghẹo; Huế có ca Huế trên sông Hương; Bắc Ninh có hát quan họ bên bờ sông Kinh Bắc để đón bạn, giã bạn... Các tỉnh ĐBSCL cần gia công thêm để đờn ca tài tử trở thành “đặc sản” của vùng miền trước khi quá muộn.

Thái Ngọc Anh

 

Tài liệu tham khảo:

1.Đào Duy Anh, 2002, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa thông tin;

2. GS TSKH.Tô Ngọc Thanh, Đôi điều cần biết thêm về Nhã nhạc, tham luận tại Tọa đàm dành cho báo chí truyền thông, Đại Nội Huế, 07/8/2012;

3.Sở Văn hóa thông tin tỉnh Cần Thơ, 2001, Soạn giả Mộc Quán- Nguyễn Trọng Quyền (1876-1953) cuộc đời và sự nghiệp;

4.Sở Văn hóa thông tin TP Cần Thơ, 2006, Cuộc đời và sự nghiệp văn nghệ sĩ: Tám Danh, Bảy Nhiêu, Điêu Huyền, Quốc Thanh, Chí Sinh.

Chia sẻ bài viết