15/11/2008 - 20:42

Đi tìm bản gốc của bài Dạ cổ hoài lang

TRẦN PHƯỚC THUẬN

Từ lúc bài Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu ra đời đến nay chưa đến trăm năm nhưng đã được lưu hành từ phạm vi đờn ca tài tử cho đến cải lương. Đa số trường hợp Dạ cổ hoài lang chỉ được khẩu truyền, những người ghi lại có khi theo cách hiểu của mình, hoặc đọc cho người khác chép thì đọc sai hoặc đọc không rõ. Những bản này lại tiếp tục được phổ biến, thành ra bài Dạ cổ hoài lang càng ngày càng xa nguồn gốc.

Bản gốc Dạ cổ hoài lang là bản đã được công bố từ đêm rằm tháng Tám (âm lịch) năm Mậu Ngọ (1918) tại Bạc Liêu là bản 20 câu nhịp đôi gồm cả nhạc lẫn lời, bản thảo do chính tác giả lưu giữ, vì thiếu điều kiện bảo quản nên chỉ hơn 10 năm sau đã bị mối mọt cắn nát. Trong khoảng thời gian cuối đời, tác giả đã chép lại bản này để biếu cho một số bạn thân hoặc đọc lại cho những người hâm mộ ghi chép. Năm 1972 chính tác giả cũng đã chép lại bài Dạ cổ hoài lang vào trong tập bản thảo các sáng tác mới của mình. Ông thường nói : “Dạ cổ hoài lang là bản Vọng cổ đầu tiên, nay bản gốc đã hư nếu tôi không ghi lại thì sau này sẽ không còn bản gốc nữa”. Tập bản thảo này được gia đình tác giả lưu giữ và sau khi tác giả qua đời, các con ông đã giao lại cho Bảo Tàng tỉnh Bạc Liêu.

Cao Văn Lầu và nhà thơ Kiên Giang năm 1973. 

Bản Dạ cổ hoài lang do chính tay tác giả chép lại trong tập bản thảo năm 1972 hoặc các bản tác giả đã tặng cho bạn bè đều có thể xem là bản gốc, nhưng tiếc thay các bản này đều không ghi dấu nhạc mà chỉ chép lời ca, kể cả bản Dạ cổ hoài lang được ghi trong tập chép nhạc của nhạc sĩ Trần Tấn Hưng cũng không có dấu nhạc. Các bản này đều giống nhau cũng là 20 câu nhịp đôi trong đó có 2 nhịp ngoại ở câu thứ 4 và thứ 12, lời ca đều có nội dung như sau :

1/- Từ, từ phu tướng

2/- Báu kiếm sắc phán lên đàng

3/- Vào ra luống trông thơ nhạn

4/- Năm canh mơ màng

5/- Trông tin chàng

6/- Gan vàng càng lại thêm đau

7/- Lòng dầu say ong bướm

8/- Xin cũng đừng phụ nghĩa tào khang

9/- Đêm luống trông tin bạn

10/- Ngày mỏi mòn như đá vọng phu

11/- Vọng phu vọng luống trông tin chàng

12/- Xin đó chớ phụ phàng

13/- Chàng chàng có hay

14/- Đêm thiếp nằm luống những sầu tây

15/- Bao thuở đó đây sum vầy

16/- Duyên sắc cầm tình thương với nhau

17/- Nguyện cho chàng

18/- Đặng chữ bình an

19/- Trở lại gia đàng

20/- Cho én nhạn hiệp đôi với đó đây (1)

Về việc biến đổi lời ca, có rất nhiều nguyên nhân. Người đầu tiên có ý biến đổi là ông Ký Tấn, người làm nghề tụng kinh đám ma cũng vừa là một nghệ nhân tài tử lúc bấy giờ. Từ những năm đầu tiên sau khi bài Dạ cổ hoài lang ra đời, ông Tấn đã đề nghị thay hai chữ “tin chàng” ở cuối câu 5 thành “tin bạn”, theo ông thì chữ nhạc của cuối câu thứ 5, 15 và 19 trùng lắp nên sửa lại hay hơn. Kể như ông là người đầu tiên khơi động ý niệm thay đổi nhạc và lời của bản Dạ cổ hoài lang.

Người thứ hai là cô Ba Chương thường gọi là cô BaVàm Lẻo (vợ của nhạc sĩ Ba Lất), một danh ca vào hàng tiền bối ở Bạc Liêu; có lẽ cô cho rằng lời ca trong bản gốc hơi khó ca nên cô đã tự ý sửa đổi cho dễ ca hơn. Bản của cô Ba Vàm Lẻo dùng để dạy ông Bảy Nhiêu đã thay đổi 27 chữ trong 11 câu của bản gốc. Cô Ba Vàm Lẻo là một danh ca, ông Bảy Nhiêu sau đó ít lâu cũng nổi tiếng ; bản Dạ cổ đổi mới này lại dễ ca, cho nên được nhiều người ca theo. Nghệ sĩ Đỗ Lộc Châu (1913 – 1978) ở Bạc Liêu cũng xem đây là sở đắc của mình, nhưng ông lại nghĩ trong câu thứ 2 nên dùng chữ “sắc phán” của bản gốc hay hơn “sắc phong” của cô Ba, nên trong tập chép bài ca của ông có ghi lại toàn bộ bản đổi mới của cô Ba Vàm Lẻo nhưng câu thứ 2 vẫn ghi là “sắc phán”. Bản Dạ cổ hoài lang này vẫn là 20 câu nhịp đôi, nhưng có 5 nhịp ngoại ở các câu: 4, 6, 12, 16 và 20 ; có nội dung như sau:

1/- Từ phu tướng

2/- Báu kiếm sắc phán lên đàng

3/- Vào ra luống trông tin chàng

4/- Năm canh mơ màng

5/- Đau xót xa gan vàng

6/- Đôi hàng lụy rơi

7/- Lòng dầu xa ong bướm

8/- Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang

9/- Đêm luống trông tin bạn

10/- Ngày mỏi mòn như đá vọng phu

11/- Vọng phu vọng luống trông tin chàng

12/- Sao nỡ phụ phàng

13/- Chàng có hay

14/- Đêm thiếp nằm luống những sầu tây

15/- Bao thuở đó đây sum vầy

16/- Duyên sắc cầm từ đây

17/- Nguyện cho chàng

18/- Hai chữ bình an

19/- Trở lại gia đàng

20/- Cho én nhạn hiệp đôi (2)


Bài ca canh tân này được ông Bảy Nhiêu mang về Sài Gòn phổ biến ở các tỉnh miền Đông, tại Bạc Liêu thì được ông Đỗ Lộc Châu cổ vũ, nên chẳng bao lâu đa số nghệ sĩ và những nhà nghiên cứu cổ nhạc Nam bộ đều biết đến. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 lại được các nghệ sĩ Trần Thanh Hòa, Đỗ Lâm Tòng, Trương Văn Đầy... áp dụng giảng dạy cho các lớp cổ nhạc ở Bạc Liêu và sử dụng trong sinh hoạt văn nghệ tại Câu lạc bộ Cao Văn Lầu, cho nên bản Dạ cổ do cô Ba Vàm Lẻo cải tiến càng ngày càng được phổ biến rộng hơn.

Ông Đỗ Lâm Tòng (con ông Đỗ Lộc Châu) đã xác nhận bản này được canh cải chỉ nhằm mục đích dễ ca. Năm 1990 khi câu lạc bộ Cao Văn Lầu được thành lập, ông Đỗ Lâm Tòng đã mạnh dạn đem bản Dạ cổ hoài lang này để làm tài liệu sinh hoạt nội bộ và giảng dạy cho học viên. Nhưng đến nay, bản Dạ cổ hoài lang không dừng lại ở đó mà vẫn tiếp tục biến đổi.

Bản Dạ cổ hoài lang có ghi dấu nhạc xưa nhất bằng “giấy trắng mực đen” chính là bản của soạn giả Trịnh Thiên Tư, bản này được biên soạn khoảng năm 1926 đến năm 1962 được in trong tác phẩm Ca nhạc cổ điển của ông. Nhưng Trịnh Thiên Tư đã biến bản Dạ cổ hoài lang 20 câu nhịp đôi thành 20 câu nhịp 4, nhưng chỉ có 4 nhịp ngoại ở các câu: 6, 12, 16 và 20; cả lời ca cũng đổi khác đến 11 câu; trong đó có nhiều chữ thay thế.

Khoảng giữa thập niên 50 có một dĩa hát mang tên Dạ cổ hoài lang của Nhà xuất bản dĩa hát Việt Nam - Hà Nội; bản này do cô Ái Liên ca, dàn đờn gồm có: Thanh Nha đờn kìm, Ba Bằng đờn cò và Năm Bá đờn độc huyền. Nội dung của bài Dạ cổ hoài lang được trình bày ở đây khác rất nhiều so với bản gốc.

Có điều rất đặc biệt là bản Dạ cổ hoài lang hiện nay đang được phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và cũng giống như ở Việt Nam, bản Dạ cổ hoài lang có nhiều dị bản. Có một dị bản hiện đang lưu hành ở Mỹ, bài này đã đăng trên đặc san Qúy Dậu 1993 (trang 28) của Hội Ái hữu Bạc Liêu Nam Cali có nội dung gần giống như bản của Trịnh Thiên Tư

Có một bản Dạ cổ hoài lang khác đã được nghệ sĩ Hương Lan (con của nghệ sĩ Hữu Phước) và một số nghệ sĩ trình diễn nhiều lần, khá thịnh hành ở Mỹ và một số nước trên thế giới, nội dung của bản này có một số từ đệm ở cuối các câu 6 và 20.

Tóm lại, các bản Dạ cổ hoài lang ngoài bản gốc do chính tác giả ghi lại hiện ghi nhận được ba bản canh tân ở Miền Nam của cô Ba Vàm Lẻo, Nguyễn Tử Quang, Trịnh Thiên Tư; một bản ở Miền Bắc; hai bản ở Mỹ được nhiều người sử dụng. Ngoài ra, còn hàng chục dị bản khác hiện đang lưu hành, nhưng các bản này đều có xuất xứ từ một trong bảy bản trên.

Hiện nay bản Dạ cổ hoài lang được phổ biến rất rộng không những ở trong nước và đã được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Trương Bỉnh Tòng, Lê Văn Cao, Út Trà Ôn, Kiên Giang, Anh Đệ, Đắc Nhẫn, Lê Thanh Nhàn, Sơn Nam, Lê Duy Hạnh, Năm Châu, Viễn Châu, Trọng Nguyễn, Lưu Hữu Đức, Vũ Thành, Thanh Châu, Trần Minh Tiên, Lê Minh Chánh, Thanh Tâm... hết lời ca tụng mà còn được Trần Văn Khê, Lâm Tường Vân, Hương Lan, Ghi-sa, G.Knops... cổ vũ ở nước ngoài. Bài Dạ cổ hoài lang được phổ biến càng rộng thì càng có nhiều dị bản. Một bài ca chỉ mới ra đời chưa đầy trăm năm mà đã có nhiều bản khác nhau, việc này tuy đủ chứng minh bài Dạ cổ được nhiều người lưu ý, nhưng vì có quá nhiều dị bản nên đã gây khó khăn cho những nhà nghiên cứu, những nhà giáo đang giảng dạy âm nhạc cổ truyền và cả những nghệ nhân đờn ca tài tử. Vì vậy cần có những công trình điều tra xác định bản gốc và các dị bản Dạ cổ hoài lang sẽ có ý nghĩa rất thiết thực.

TRẦN PHƯỚC THUẬN

(1)  Tập bản thảo của nhạc sĩ  Cao Văn Lầu.
(2)  Tập chép nhạc của nghệ sĩ Đỗ Lộc Châu.

Chia sẻ bài viết