11/09/2022 - 09:57

Đi lại trên sông nước xưa 

Ngày trước, việc đi lại và vận chuyển ở khu vực Nam Bộ nói chung, ĐBSCL nói riêng, chủ yếu dùng ghe xuồng trên đường thủy. Vì vậy bên cạnh các loại ghe xuồng phong phú và đa dạng, các quy tắc đi lại trên sông nước cũng được hình thành từ rất sớm.

Với người miền Tây, ghe, xuồng, vỏ... là “đôi chân” trên sông nước, kinh rạch. Ảnh: DUY KHÔI

Với người miền Tây, ghe, xuồng, vỏ... là “đôi chân” trên sông nước, kinh rạch. Ảnh: DUY KHÔI

Phương tiện di chuyển trên sông nước xưa có nhiều kiểu dáng đặc trưng. Ví dụ, để phù hợp với vùng sông sâu nước chảy thì có bè được xâu kết từ hàng trăm lóng cây, thường theo sông Tiền từ thượng nguồn về, kết tập tại vùng Chợ Thủ, Cù lao Giêng. Nhiều ghe xuồng có kiểu dáng khác nhau, khi được xác định “căn nguyên hà xứ”, dân gian gắn thêm địa danh vào, như ghe Cần Đước (Long An), xuồng Cần Thơ, vỏ Tắc Ráng (Rạch Giá)… Cũng có những loại mà tuy tên gọi không nêu kèm địa danh, người ta vẫn biết được xuất xứ. Đó là ghe bầu (loại ghe từ miền ngoài vào), ghe bầu nóc (nhỏ mà to hông, bầu bụng, của Phú Quốc, Hà Tiên), xuồng ba lá (miệt Long An, Tiền Giang - Đồng Tháp Mười), ghe lườn (miệt Biển Hồ), ghe chài (miệt Chợ Lớn), xuồng be (miệt U Minh)...

Về chuyện đi lại, sách “Gia Định thành thông chí” có đoạn: Ở Gia Định (hiểu là toàn miền Nam) chỗ nào cũng có ghe thuyền, hoặc dùng thuyền làm nhà ở hoặc để đi chợ, hay để đi thăm người thân thích, hoặc chở gạo củi đi buôn bán rất tiện lợi, mà ghe thuyền chật sông ngày đêm qua lại, sỏng xuồng liên tiếp, cho nên nhiều khi đụng chạm nhau bị hư hại, rồi sinh ra kiện cáo, hai bên đều đổ lỗi cho nhau, ai được ai mất, vẫn khó xử đoán cho đắc tình. Khi ấy viên Điều khiển Tham mưu Đồn Dinh là Nghi Biểu Hầu (tức cụ Nguyễn Cư Trinh) ra lệnh: Phàm ghe thuyền đi bất luận gặp gió nước thuận hay nghịch, khi đi gần gặp nhau thì đều phải hô là “bát” (tục thường ghe đi phía tả gọi là “cạy”, đi phía hữu gọi là “bát”) thì ghe mình đi qua phía hữu, để cho thuận lái thuận sào dễ điều khiển mà tránh nhau. Nếu ghe này đã hô “bát” mà ghe kia còn đi tới phía tả, không tránh để cho đụng nhau hư hỏng, thì lỗi ấy về ghe không tránh kia. Lại trong trường hợp ấy còn có kẻ biện chiết chưa chịu khuất phục, thì phải xét ghe nào chở nhẹ hơn và đi thuận dòng nước, thừa thế ấy chạy mau phải đụng ghe kia, thì ghe ấy bị lỗi. Có lệnh như thế, nên ngày nay người đi ghe muốn bảo nhau đi tránh, thì chỉ hô tiếp “bát” làm thông lệ; còn hoặc như có hô “cạy”, nhưng cũng ít khi hô như vậy, ấy là luật đi ghe phải nhất định như thế.

Sách trên cũng cho biết, để giải quyết nạn bọn cướp bôi mặt cải trang ẩn nấp trên ghe thuyền để cướp bóc, Nghi Biểu Hầu ra lệnh cho tất cả ghe thuyền lớn nhỏ trong hạt, quan nha sở tại phải buộc khai báo tên họ, làm sổ sách tra cứu rõ ràng, rồi khắc chữ đóng nơi đầu thuyền, người nào trái lệnh bị tội, và làm bộ tịch ghe thuyền để lưu chiếu. Từ đó, người chủ bị cướp nhận thấy kẻ cướp, chỉ tên ra tố cáo, truy nã. Đến tháng 5 năm Bính Thân (1836), Nam Kỳ kinh lược sứ Trương Minh Giảng tâu và được vua chấp thuận: “Kỳ trước tỉnh Vĩnh Long và Định Tường có tâu trong 6 tỉnh nhiều đàng sông, người ta ai cũng có thuyền (...). Tỉnh thần hai tỉnh ấy có xin sức thuyền dân phải trình với sở tại cấp bài thẻ ghi dấu ở đầu thuyền, hoặc khắc danh hiệu xã thôn; lại đặt người tuần phòng các sông và lập sở xích hậu (trạm canh dưới sông) (...). Nay tôi xin các đầu thuyền phải bôi sắc khác nhau, cho dễ ghi nhận; thuyền Gia Định, Biên Hòa sắc đỏ, thuyền Vĩnh Long, Định Tường sắc đen; thuyền Trấn Tây, An Giang, Hà Tiên sắc lục, kẻ nào bôi sắc gian mạo thời phải tội nặng”.

Những ghi chép trên cho thấy luật đi đường dựa vào quy tắc “bát - cạy”, tức đi về phía bên phải, được người Việt ta nhận thức từ rất sớm. “Bát - cạy” nguyên nghĩa là nói điều mở ra hay cột vào; sau đem dùng vào ghe thuyền khi bát có nghĩa là chiếc ghe, cạy là bơi chèo; rồi lại biến hóa thành một thuật ngữ quy định sự tránh né nhau trên sông khi gặp phải tình huống khó khăn. Người điều khiển ghe thuyền cũng dặn nhau mỗi khi đến một khúc sông cụ thể nào đó: “Bát lấy đáy, cạy lấy nò” (tránh phía hữu, tránh phía tả, vì một bên có đáy một bên có nò, tức phải đi ngay chính giữa, hoặc phải lưu ý, cẩn thận). Dần về sau sự đi lại trên sông từng bước được điều chỉnh và từng thời kỳ được định ra thành lệ, rồi luật.

Về việc kiểm tra, kiểm soát giao thông thủy nội địa và lập đồn để thu thuế ghe buôn, ngăn chặn gian thương và hàng quốc cấm, nhờ sách sử có ghi chép, mà người đời sau biết triều đình nhà Nguyễn đã quan tâm vấn đề này từ sớm. Sử chép, năm Tân Hợi (1851) Nguyễn Tri Phương với tư cách Nam Kỳ kinh lược sứ đã bàn dâng điều lệ xét hỏi ở nơi cửa tuần, đồn canh trong việc đi lại trên sông: Thuyền dân người Kinh, người Thanh, người Nam, người Thổ, muốn đi buôn ở Cao Mên thì phải kể rõ họ tên, quán chỉ người chủ thuyền, số người ở trong thuyền là bao nhiêu, đi bao nhiêu ngày thì về, cần có lý trưởng, bang trưởng bảo đảm kết nhận, quan tỉnh xét thực phê vào làm bằng. Thuyền ấy đi những đồn ải ở những nơi địa đầu kiểm xét đúng thực tế thì cho đi. Nếu mang theo vật hạng đã cấm, hoặc dị dạng, thì bắt giải tỉnh để xét. Như có quá hạn trong một tháng trở lại thì tạm ghi lỗi, quá đến ngoài hạn một tháng thì cứ chủ thuyền trừng phạt nghiêm ngặt, ngoài ba tháng không thấy trở về thì đem cả bọn người bảo đảm kết luận, xét rõ trị tội nặng.

Ghe không chỉ là phương tiện đi lại, vận chuyển mà còn là nhà, là nơi buôn bán của người Nam Bộ. Ảnh: DUY KHÔI

Ghe không chỉ là phương tiện đi lại, vận chuyển mà còn là nhà, là nơi buôn bán của người Nam Bộ. Ảnh: DUY KHÔI

***

Trong dân gian còn nhiều câu chuyện thú vị về đi lại trên sông nước xưa. Chuyện kể rằng thương hồ sợ nhất là “bối”, nhất là “bối Ba Cụm” ở Chợ Đệm. “Bối” ngữ nguyên là tên một loài ốc biển, vỏ có hoa văn rất đẹp. Còn ‘bối” ở đây chỉ những kẻ ăn trộm trên ghe thuyền, nhưng lại luôn thể hiện như người hiền lành tốt bụng. Thí dụ có ghe thương hồ vừa cắm sào đậu nghỉ thì bọn này chèo xuồng nhẹ đến, cặp vào và nói “ra ơn”: “Đồ đạc trên ghe phải coi chừng, cẩn thận. Ở đây bối nhiều lắm đó”. Chủ ghe nghe lạ mới hỏi “Bối là sao?”. Thế là kẻ đó lẹ làng bước lên ghe, vừa nói: “Bối là vầy nè”, vừa lấy bất cứ thứ gì dễ lấy, đem qua xuồng rồi nhanh tay chèo đi một nước! Chủ ghe chỉ biết nhìn mà “ơi ới” theo, chớ biết làm sao!

Có trộm thì cũng có cướp. Tướng cướp nổi tiếng vùng sông nước An Giang thời Pháp chiếm là Ba Tín, tên Lê Văn Tín (cũng có tài liệu viết là Tính, tên thật là Nguyễn Văn Hảo, gốc ở rạch Cái Sao, làng Nhị Mỹ, Cao Lãnh). Có sách cho rằng tên này chuyên cướp của nhà giàu đem cho người nghèo, người trong vùng đặt biệt danh “Đơn Hùng Tín”! Dù câu chuyện thế nào, thì cướp vẫn là cướp và bị chính quyền lúc bấy giờ tiêu diệt.

Bọn cướp kiêng sợ các lực lượng tuần tra, nhưng lại tung hoành ở vùng đầu nguồn sông Hậu lúc bấy giờ còn hoang vắng. Tuy nhiên bọn chúng rất sợ hai người: ông Dầu Quăng (tên Dầu, có biệt tài quăng, chọi) và ông Đạo Lập (đệ tử đức Phật Thầy Tây An). Dân gian kể rằng hai ông đều có biệt tài dùng đá cục quăng, chọi làm gãy cột chèo ghe xuồng của bọn cướp (cả vào ban đêm, tối đen như mực!). Có câu chuyện rằng, chủ một chiếc ghe buôn nọ không an lòng khi phải đi ngang một khúc sông vắng vào ban đêm nên đã cậy ông Dầu Quăng ngồi ghe dùm. Đêm ấy, vừa thấy bọn cướp từ lùm bụi trong bờ chèo xuồng ra, chủ ghe hô lớn: “Mấy người trên xuồng coi chừng, có ông Dầu Quăng trên ghe đó!”. Bọn cướp bán tín bán nghi, trả lời vọng lại: “Không tin!”. Liền sau đó ông Dầu Quăng vừa hét: “Tránh xa cột chèo mũi!” vừa quăng cho một viên đá trúng ngay cột chèo kêu cái “bốp” gãy làm đôi. Từ ấy về sau tùy địa bàn, các ghe buôn thường mượn danh ông Dầu Quăng hoặc ông Đạo Lập để “hù” bọn cướp.

***

Gom góp chuyện xưa để thấy việc đi lại trên sông rạch ở Nam Bộ phong phú về phương tiện, thú vị với những câu chuyện dân gian và có luật lệ từ rất sớm - ít nhất cũng từ thời cụ Nguyễn Cư Trinh (1716-1767), trước quy định thành văn của người Pháp trên 100 năm.

Nguyễn Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết