24/05/2010 - 09:04

Đi đường cao tốc, nhà xe kêu trời!

Vạch phân cách chỉ trầy xước nhưng Ban quản lý đường cao tốc bắt bồi thường lên đến cả bạc triệu đồng.Ảnh: THANH BÌNH

Đầu tháng 2-2010, đường cao tốc TPHCM-Trung Lương được đưa vào hoạt động thử nghiệm vừa giúp cho người dân rút ngắn thời gian, vừa giảm bớt lượng xe lưu thông trên quốc lộ 1A. Thế nhưng, nhà xe chưa hết mừng thì lại phải lo do Ban quản lý đường cao tốc đưa ra mức bồi thường tài sản do gây thiệt hại đường cao tốc với giá trên trời khi chẳng may xe bị sự cố ngoài ý muốn.

* Tài sản bồi thường trên “mây”

Anh Huỳnh Ngọc Hải, chủ xe toyata Camry 2.4 mang biển kiểm soát 63L- 8261 cho biết: Vào đầu tháng 3-2010 trên đường từ hướng xã Lương Phú (Tiền Giang) đi về TPHCM, đến địa phận gần Tiền Giang và Long An, đột nhiên xe nổ lốp, tài xế cố gắng kìm tay lái nhưng xe vẫn va chạm vào lan can, lề đường làm xe hỏng một phần và đuôi xe hỏng hoàn toàn. Sau khi giám định, Trung tâm quản lý tạm thời đường cao tốc TPHCM-Trung Lương thông báo phải bồi thường tài sản trên đường cao tốc hơn 18 triệu đồng. Thấy rằng quá bất hợp lý khi đường bị hư hỏng về lan can bộ gần 20m, anh Hải thông báo đến công ty Bảo hiểm viễn Đông chi nhánh Tiền Giang-nơi anh mua bảo hiểm xe. Công ty Bảo hiểm đồng ý bồi thường nhưng phải có hóa đơn tài chính. Trung tâm quản lý tạm thời đường cao tốc không thể cung cấp hóa đơn, do vậy đến nay xe anh Hải vẫn không hoạt động được.

Còn chị Bạch, chủ xe tải mang biển kiểm soát 63L-0581 bị nổ lốp xe vào ngày 23-3 làm trầy xước hàng rào phân cách bằng bê tông có độ dài gần 4m, trầy xước đường lộ dài 41m, Trung tâm quản lý đường cao tốc bắt bồi thường 40 triệu đồng. Không đồng ý với mức bồi thường này, chị Bạch xin giảm bớt số tiền. Tại đây, cán bộ Trung tâm tên Chí Công chỉ cho chị cách làm đơn xin giảm số tiền để có bộ phận giám định lại và bớt ½ số tiền nhưng chị phải bồi dưỡng cho bộ phận giám định. Không biết bồi dưỡng bao nhiêu cho vừa với số tiền giảm một nửa nên chị phải thông báo đến công ty bảo hiểm Viễn Đông chi nhánh Tiền Giang giải quyết bảo hiểm mà chị đã tham gia bảo hiểm xe. Tuy nhiên, Công ty bảo hiểm vẫn không thể nào bồi thường cho chị được vì không có hóa đơn tài chính. Chị Bạch bức xúc: mỗi ngày chị mất 500 ngàn đồng thu nhập và tính ra đến nay mất gần 30 triệu đồng.

Hay như chủ doanh nghiệp tư nhân Tâm Nga, ngụ tại tỉnh Đồng Nai bức xúc, xe của chị mang biển kiểm soát 60s-1970 bị nổ lốp đụng vào dãy hành lang làm gãy 5 thanh sắt (mỗi thanh dài 6,5m), thế nhưng Trung tâm giám định buộc chị bồi thường 11 cây với mỗi cây giá từ 4,5-5 triệu đồng. Tổng cộng chị Nga bồi thường 62 triệu gồm cả tiền nhân công. Trong khi đó, chị khảo sát giá mỗi thanh sắt ở TPHCM thì chỉ 1,6 triệu đồng/cây. Chị cho rằng quá đắt muốn đem dụng cụ và nhân công đến thay thế nhưng Trung tâm không đồng ý. Chị cũng đã thông báo đến công ty bảo hiểm Bảo Minh, nơi chị đã tham gia bảo hiểm xe. Tuy vậy, đến nay giấy tờ của chị vẫn không thể lấy được vì không đủ chứng từ hợp lệ để công ty bảo hiểm giải quyết.

* Rắc rối hóa đơn tài chính

Phần lớn các chủ xe bị nạn đều gặp khó khăn về hóa đơn chứng từ để hoàn tất thủ tục gửi đến công ty bảo hiểm đã tham gia. Chính vì vậy nhà xe vẫn là người gánh chịu hậu quả.

Cùng với đoàn cán bộ bảo hiểm Viễn Đông đến làm việc với Trung tâm quản lý đường cao tốc TPHCM-Trung Lương. Tại đây, cán bộ Trung tâm tên Nguyễn Huy Hoàng, cho biết: “ Trung tâm là cơ quan quản lý nhà nước không xuất hóa đơn chứng từ. Tiền thu bồi thường của các chủ xe được Trung tâm ra phiếu thu có đóng dấu của đơn vị và sau đó chuyển về kho bạc nhà nước. Đối với trường hợp muốn tham gia khắc phục sự cố do xe gây ra trên đường cao tốc, thì phải làm đơn gửi Giám đốc Trung tâm, rồi sau đó mới đến sự phê duyệt của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận và kế tiếp đến Bộ Giao thông Vận tải đồng ý. Dù vậy, chưa có trường hợp nào được phê duyệt tham gia khắc phục vì không đủ khả năng”.

Ông Huỳnh Văn Lắm- Giám đốc bảo hiểm Bảo Việt, chi nhánh Tiền Giang cho biết, từ ngày đường cao tốc đưa vào sử dụng, Công ty đã “vướng” 6 vụ, trong đó có 2 vụ được sự ủy quyền của Bảo hiểm Bảo Việt chi nhánh Vĩnh Long và ở tỉnh Đắc Nông. Hai trường hợp này còn đang “bàn cãi” về hóa đơn chứng từ cũng như giá cả bồi thường. Hiện ông Lắm đã trả hồ sơ về chi nhánh tỉnh Vĩnh Long và được biết, chi nhánh bảo hiểm này đang chuẩn bị khởi kiện ra tòa vì tranh chấp giữa công ty với khách hàng vì không bồi thường được do hóa đơn. Riêng 4 vụ tai nạn mà nhi nhánh bảo hiểm Bảo Việt Tiền Giang giải quyết được là do chi nhánh giải quyết linh động cho những trường hợp dưới 10 triệu đồng và tạm nhận giấy thu của Trung tâm bảo quản đường cao tốc. “Mặc dù vậy, chúng tôi còn e ngại Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt không quyết toán, như vậy chúng tôi sẽ phải bỏ tiền túi của mình”, ông Lắm than vãn.

Phần lớn, các công ty bảo hiểm trên địa bàn tỉnh Long An đều cho rằng, Trung tâm quản lý tạm thời đường cao tốc TPHCM-Trung Lương đã độc quyền trong việc bồi thường tài sản trên đường cao tốc và số tiền không ra hóa đơn liệu có nộp vào ngân sách? Cùng với chức năng, Ban quản lý đường bộ 714 cũng đã buộc các nhà xe bồi thường tài sản trên Quốc lộ 1A nhưng họ đều cung cấp hóa đơn, chứng từ theo đúng qui định của Bộ Tài chính. Được biết, chỉ tính từ khi đưa vào hoạt động đến nay, đã xảy ra hàng trăm vụ xe nổ lốp và Trung tâm đã bắt họ phải bồi thường với tổng số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Trong khi đó những nơi thiệt hại vẫn không thấy sửa chữa hoặc thay thế.

Thiết nghĩ, nếu Trung tâm quản lý đường cao tốc TPHCM-Trung Lương không có chức năng cung cấp hóa đơn tài chính thì nên ủy quyền cho một đơn vị khác(như kho bạc nhà nước chẳng hạn), thu tiền và sau đó ra hóa đơn tài chính; đồng thời, tính toán giá cả bồi thường cho hợp lý. Có như vậy, nhà xe mới an tâm khi tham gia giao thông và các công ty bảo hiểm hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với khách hàng.

Thanh Bình (TTXVN)

Chia sẻ bài viết