19/03/2024 - 21:28

Đề xuất dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa các-bon thấp vùng ĐBSCL 

(CT) - Ngày 19-3, tại TP Cần Thơ, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì hội thảo tham vấn về ý tưởng đề xuất dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa các-bon thấp vùng ÐBSCL (gọi tắt là dự án).

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh, các Sở NN&PTNT thuộc 12 tỉnh vùng ÐBSCL tham dự.

Dự án đã được Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới thống nhất, chia sẻ với 12 địa phương vùng ÐBSCL (An Giang, Kiên Giang, Ðồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long). Bộ NN&PTNT là chủ dự án và 12 tỉnh, thành vùng ÐBSCL là cơ quan thực hiện cấp tỉnh. Thời gian thực hiện dự án từ 2026-2031; thời gian chuẩn bị dự án từ 2024-2025. Chi phí dự án khoảng 375 triệu USD; trong đó 360 triệu USD từ khoản vay của Ngân hàng Thế giới, còn lại là vốn đối ứng từ đóng góp của Chính phủ và địa phương. Dự án nhằm thúc đẩy sản xuất gạo các-bon thấp chất lượng cao tại vùng ÐBSCL. Bao gồm 3 hợp phần: Hợp phần 1: Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, các-bon thấp sẽ tài trợ cho cơ sở hạ tầng công cộng cần thiết để hỗ trợ chuỗi giá trị gạo các-bon thấp từ các giai đoạn sản xuất ban đầu đến chế biến và tiếp thị. Hợp phần 2: Phát triển và chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực kỹ thuật của các cơ quan nghiên cứu và phòng kỹ thuật cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ. Hợp phần 3: Quản lý dự án sẽ cung cấp hỗ trợ trong việc điều phối, quản lý, giám sát và đánh giá dự án.

Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu thống nhất về nội dung và ý nghĩa của dự án. Ðồng thời, thảo luận, trao đổi một số vấn đề để triển khai dự án hiệu quả như chế độ chính sách cho lực lượng khuyến nông địa phương; liên kết hạ tầng giao thông, thủy lợi liên tỉnh; đầu tư hạ tầng sơ chế, chế biến, tạm trữ; xây dựng mô hình thí điểm để triển khai nhân rộng…

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Dự án góp phần chuyển đổi căn bản phương thức sản xuất lúa gạo của vùng ÐBSCL, các tổ chức quốc tế rất quan tâm đến dự án này. Vì vậy, các địa phương cần quyết tâm cao, chung sức cùng Bộ NN&PTNT sớm hoàn thiện dự án. Trong đó, rà soát, đề xuất đầu tư các công trình hạ tầng tại các địa phương, tập trung vào 4 nội dung gồm: thủy lợi, giao thông nội đồng, hạ tầng logistics và cơ giới hóa đồng bộ.  Bên cạnh đó, chủ thể của dự án là hợp tác xã, trong đó lực lượng trực tiếp phối hợp với hợp tác xã là khuyến nông, vì vậy khuyến nông cơ sở là lực lượng chính tham gia đề án. Các địa phương cần rà soát, củng cố, kiện toàn lực lượng khuyến nông ở địa bàn, tập huấn nâng cao năng lực cho tổ khuyến nông cộng đồng…

T. TRINH

Chia sẻ bài viết