08/04/2019 - 10:41

Để vùng đồng bào dân tộc Khmer ở ĐB-SCL phát triển bền vững
Bài 4: Những điểm nghẽn 

Dù đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, song việc thực thi chính sách dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở ĐBSCL và cả nước thời gian qua vẫn còn  nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do xuất phát điểm của vùng đồng bào DTTS còn thấp, nhiều chính sách khó triển khai vào thực tiễn.

Vẫn cần trợ lực

Kinh tế của vùng đồng bào DTTS nói chung, đồng bào Khmer nói riêng tuy có bước phát triển nhưng nhìn chung còn chậm so với tốc độ tăng trưởng trong khu vực. Kinh tế chủ yếu là thuần nông; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tuy có chuyển dịch song còn chậm, chưa vững chắc. Đời sống của đồng bào Khmer vẫn còn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao so với mức bình quân trong khu vực, tỷ lệ tái nghèo cao. Khoảng cách giàu nghèo hộ dân tộc Khmer với các dân tộc khác trong vùng còn lớn. Đặc biệt, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của đồng bào.

Ông Sơn Phước Hoan, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu đóng góp ý kiến về chính sách dân tộc tại Hội thảo “Rà soát, xây dựng chính sách ưu đãi phát triển kinh tế - xã hội và đào tạo bồi dưỡng cán bộ dân tộc Khmer vùng ĐBSCL” do Ủy ban Dân tộc tổ chức ngày 12-10 tại Cần Thơ. Ảnh: T.Long

Qua nhiều năm thực hiện chính sách, nội dung đất ở cho hộ DTTS nghèo vẫn chưa giải quyết dứt điểm và triệt để. Hiện còn khoảng 6.573 hộ DTTS chưa có đất ở. Số hộ đồng bào thiếu đất và không có đất sản xuất chiếm tỷ lệ khá cao; còn trên 5.950 hộ cần hỗ trợ về đất sản xuất, trên 34.860 hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề. Khoảng 11.560 hộ DTTS nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, hư hỏng…

Theo số liệu tổng hợp từ Ủy ban Dân tộc, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 278.290 hộ nghèo, khoảng 256.420 hộ cận nghèo. Trong đó, có trên 54.000 hộ Khmer nghèo, chiếm trên 19,4% tổng số hộ nghèo toàn vùng, chiếm gần 11,5% tổng số hộ dân tộc Khmer; khoảng 37.835 hộ Khmer cận nghèo, chiếm 14,75% tổng số hộ cận nghèo toàn vùng, chiếm 11,54% tổng số hộ Khmer. 

Ông Men Pholly, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang, nhận định: Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS ở An Giang và cả ĐBSCL còn nhiều yếu kém, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và kêu gọi đầu tư. Việc triển khai chính sách đối với vùng đồng bào DTTS đòi hỏi có nguồn vốn nhiều, suất đầu tư lớn; trong khi đó, nguồn vốn phân bổ từ Trung ương để thực hiện các chính sách dân tộc còn phân tán nhỏ lẻ, không tập trung, nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, trình độ dân trí, trình độ lao động sản xuất, tập quán canh tác, nhất là đồng bào dân tộc Khmer còn hạn chế; điểm xuất phát về kinh tế - xã hội thấp; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo vẫn còn cao; vẫn còn không ít bà con dân tộc còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước hỗ trợ, chưa phát huy nội lực để tự lực vươn lên.

Theo ông Đào Hương, Phó Trưởng Ban Dân tộc TP Cần Thơ, cho rằng, việc cụ thể hóa các chính sách dân tộc thường chậm do những quy định chi tiết chậm được hướng dẫn. Mặt khác, việc rà soát các đối tượng thụ hưởng đôi lúc chưa đảm bảo thời gian, nên khi kế hoạch của địa phương được ban hành thì không kịp bố trí nguồn lực, làm chậm thời gian thực hiện của chính sách. Các địa phương trong vùng không còn quỹ đất công để bố trí thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Thêm vào đó, số hộ nghèo DTTS không đất ở phát sinh do tách hộ, tạo thêm áp lực cho địa phương.

Còn ông Nguyễn Văn Thuật, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, phân tích: Do cơ chế về đầu tư thực hiện các chương trình, chính sách chưa đủ làm động lực thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế- xã hội trong vùng DTTS. Nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí thực hiện còn thấp so với nhu cầu vốn của các địa phương; kinh phí bổ sung chậm dẫn đến chính sách thực hiện thiếu đồng bộ. Ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực để thực hiện các chính sách dân tộc mặc dù được ưu tiên nhưng còn rất thấp so với nhu cầu thực tế. Trong khi đó, việc triển khai đầu tư thuộc các địa bàn rất khó khăn, không có khả năng huy động vốn đối ứng trong nhân dân để cùng thực hiện.

Chính sách còn chồng chéo, chưa thực tiễn

Hệ thống chính sách dân tộc từ Trung ương đến địa phương đã góp phần rất lớn trong phát triển đời sống kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS nói chung, dân tộc Khmer rói riêng. Tuy nhiên, ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, thẳng thắn nhìn nhận: “Nhiều chính sách hết hiệu lực thi hành hoặc chỉ mang tính chất thí điểm. Nhiều chính sách khó hoặc không thể triển khai thực hiện do thiếu nguồn lực, nhất là vốn đầu tư. Một số nội dung chính sách, nhất là ở lĩnh vực giáo dục, đào tạo khó thực hiện, không đồng bộ… Một số chính sách còn chồng chéo, dàn trải, manh mún. Có chính sách thiếu kết nối, không đồng bộ! Có chính sách còn mang tính nhiệm kỳ, ngắn hạn, đề ra mục tiêu lớn nhưng thời gian và nguồn lực thực hiện không tương xứng. Chính sách nhiều đầu mối quản lý, lồng ghép không khả thi, chậm sửa đổi. Hầu hết chính sách ở vùng DTTS và miền núi hiện nay đều có tính hỗ trợ, giải quyết tình thế, chưa phải là đầu tư phát triển”.

Hội Nông dân huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang thăm và động viên gia đình nông dân Khmer sản xuất kinh doanh giỏi. Ảnh: T.Long

Liên quan đến chính sách dân tộc, ông Sơn Phước Hoan, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho rằng: Có chính sách thực hiện bằng nhiều nguồn vốn, không đồng bộ (vốn hỗ trợ, vay tín dụng, vốn xã hội hóa, vốn đầu phát triển, vốn sự nghiệp...) và khó thực hiện, nhất là chính sách yêu cầu địa phương phải đối ứng, vì đa số vùng dân tộc đều là tỉnh nghèo. Có chính sách được duyệt nhưng không chủ động được nguồn lực thực hiện, cấp vốn chậm, phải kéo dài thời gian. Có lúc, chính sách phải chờ kinh phí dự phòng hoặc chờ ngân sách vượt thu mới được cấp thêm. “Việc thể chế hóa quan điểm, đường lối ưu tiên của Đảng và Nhà nước trong từng chính sách chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ; chưa tích hợp các chính sách dân tộc thành một chương trình mục tiêu quốc gia. Việc khắc phục bất cập, yếu kém, điều chỉnh sau kiểm tra, rà soát, đánh giá chính sách chưa được chú trọng. Quy trình hoạch định, thực thi chính sách còn phức tạp, sự phối hợp giữa Bộ, ngành và các địa phương đôi khi chưa chặt chẽ. Trong xây dựng và thực hiện, có chính sách chưa gắn chặt với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và địa phương” - ông Sơn Phước Hoan nói.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc hằng năm chưa được cụ thể hóa trong Luật Ngân sách. Trên các lĩnh vực và địa bàn, đôi khi, Bộ, ngành và địa phương còn bị động trong việc bố trí nguồn lực để xây dựng và thực hiện chính sách. Bên cạnh đó, những tác động bất lợi từ các thế lực thù địch, mặt trái của cơ chế thị trường, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai... ảnh hưởng xấu đến vùng DTTS, nhất là các địa bàn khó khăn, dân tộc có yếu tố đặc thù, những người yếu thế, các hộ nghèo. Những điều này khiến đời sống, sản xuất của người dân vốn đã khó càng khó thêm.

(Còn tiếp)

 

Nhóm PV Báo Khmer ngữ

Bài cuối:  Cần có chính sách dân tộc mới theo hướng tích hợp, phù hợp với tình hình mới

Chia sẻ bài viết