06/04/2019 - 13:27

Để vùng đồng bào dân tộc Khmer ở ĐBSCL phát triển bền vững
Bài 2: Giải bài toán căn cơ: Giảm nghèo bền vững! 

Nhóm PV Báo Khmer ngữ

 

Bà Huỳnh Thị Sômaly, Vụ trưởng Vụ Địa phương III, Ủy ban Dân tộc, nhấn mạnh: “Thước đo” hiệu quả nhất của chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống chính là giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó có đồng bào Khmer… Nếu như những năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS ở ĐBSCL giảm 2- 4%/năm thì từ năm 2016 có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn. Cụ thể, cuối năm 2016, hộ DTTS nghèo ở ĐBSCL chiếm trên 23,45%; đến cuối 2017, tỷ lệ này chỉ còn 17,42%... Các địa phương vùng ĐBSCL đã và đang nỗ lực hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer nói riêng, đồng bào DTTS nói chung.

Tín dụng chính sách hỗ trợ thoát nghèo

Năm 2018, gia đình bà Sơn Thị Phượng, ở ấp Thới Trường I, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ được công nhận thoát nghèo. Bà kể, được cha mẹ cho 500m2 đất ở và trồng hoa màu, chăn nuôi... cùng với cật lực làm thuê, làm mướn, nhưng vợ chồng bà vẫn không đủ sống. Suốt mấy năm liền nuôi heo, heo không bệnh thì giá thấp, kinh tế gia đình bà gần như kiệt quệ... Năm 2018, bà Phượng được chính quyền địa phương bảo lãnh vay 40 triệu đồng. Có vốn, bà mua 2 con heo nái, 9 con heo thịt. Số tiền tích cóp từ làm thuê hằng ngày và bán rau cải… bà mua thức ăn cho heo. Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại trước, nhờ biết chăm sóc, tiêm ngừa đầy đủ nên đàn heo của bà khỏe mạnh, mau lớn. Mỗi đợt bán heo, sau khi trừ chi phí, bà còn lời khoảng 10 triệu đồng…

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách nhiều hộ Khmer ở xã Hưng Hội, Bạc Liêu trồng ổi cho thu nhập khá cao, ổn định. Ảnh: LÝ THEN

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách nhiều hộ Khmer ở xã Hưng Hội, Bạc Liêu trồng ổi cho thu nhập khá cao, ổn định. Ảnh: LÝ THEN

Cũng nhờ nguồn vốn tín dụng, anh Thạch Văn Hòa ở ấp Sóc Đồn, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu- xã đặc biệt khó khăn, có 68% dân số là đồng bào Khmer- có cuộc sống ổn định. Anh Hòa chia sẻ: “Được vay 30 triệu đồng, tôi cải tạo đất trồng màu. Trồng bí, ớt, cà chua... hơi cực, nhưng thu nhập quanh năm, vốn đầu tư ít và lợi nhuận cao hơn trồng lúa. Cây ớt đang thu hoạch mỗi ngày, bán với giá 25.000 đồng/kg”. Chị Sơn Thị Hồng Sen ở ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, cũng phấn khởi kể: “Tôi được Chi đoàn ấp hỗ trợ vốn, kỹ thuật và cây ổi giống. Vườn ổi tôi trồng tự nhiên, bao trái, chăm sóc kỹ nên cho trái quanh năm. Bây giờ, với 2 công ổi, thu hoạch bình quân trên 30kg/ngày, bán với giá 15.000 đồng/kg”.

 “Cần câu” vốn, tín dụng được triển khai rộng khắp vùng đồng bào DTTS ở ĐBSCL. Theo Vụ Địa phương III, chính sách này ngày càng mở rộng đối tượng, loại hình cho vay, định mức vay cũng được tăng lên với 19 chương trình tín dụng ưu đãi. Thống kê chưa đầy đủ, các địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai cho các hộ dân tộc Khmer vay khoảng 778 tỉ đồng, doanh số thu nợ khoảng 368 tỉ đồng với hơn 42.350 hộ có dư nợ. Nguồn vốn, tín dụng chính sách giúp hơn 521.000 lượt hộ DTTS phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, sinh kế và đã có trên 262.000 hộ thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm cho trên 172.000 lao động.

Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm

Thị xã Vĩnh Châu- nơi có đông đồng bào Khmer nhất của tỉnh Sóc Trăng. Qua 3 năm, 2016-2018, thị xã mở 79 lớp đào tạo nghề, với 1.387 học viên, trong đó, học viên dân tộc Khmer chiếm gần 61%. “Thông qua các lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn, kết hợp với tư vấn, giới thiệu việc làm, thị xã Vĩnh Châu đã có trên 80% lao động có việc làm. Đặc biệt, thị xã đưa 415 lao động xuất khẩu ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia... Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con Khmer”- bà  Nguyễn Thị Mỹ Nhiên, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, cho biết. Tham gia học nghề ngắn hạn, chị Trần Kim Đồng ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu vận động thành lập được tổ hợp tác đan giỏ. Chị Đồng nói: “Chị em thu nhập từ 55.000- 100.000 đồng/ngày, tùy số lượng sản phẩm làm ra. Hiện nay, tổ có 15 chị tham gia, đầu ra sản phẩm rất ổn định”.

Nghề đan giỏ giúp bà con Khmer ở Sóc Trăng có thêm thu nhập khi nhàn rỗi. Ảnh: LÝ THEN

Nghề đan giỏ giúp bà con Khmer ở Sóc Trăng có thêm thu nhập khi nhàn rỗi. Ảnh: LÝ THEN

Không chỉ đào tạo nghề, các địa phương vùng ĐBSCL còn quan tâm, động viên, giới thiệu việc làm cho lao động là người DTTS. Toàn ấp Thới Trường I, xã Thới Xuân, huyện Cờ đỏ, TP Cần Thơ có gần 390 hộ dân tộc Khmer và trước đây phần lớn là hộ nghèo. Ngoài triển khai thực hiện các chính sách chung về nhà ở, đất ở, vốn, tín dụng… địa phương vận động và giới thiệu những người trong độ tuổi lao động đi làm ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Lâm Đồng… Chị Danh Thị Hiền cho biết: “Được sự giới thiệu của các chú, các anh trong ấp, vợ chồng tôi mạnh dạn gởi con cho nhà ngoại để đi Bình Dương, Lâm Đồng… hái cà phê, chẻ hạt điều… Vợ chồng tôi tích lũy và gởi về phụ giúp gia đình… Ở quê, thỉnh thoảng mới có việc làm; nếu không đi làm xa, chắc vợ chồng tôi cứ nghèo hoài thôi!”.

Để giảm nghèo hiệu quả

Đồng bào các DTTS chiếm khoảng 5,26% dân số tỉnh An Giang. Trong đó, đồng bào dân tộc Khmer đông nhất, chiếm 4,2% dân số của tỉnh. Trong 3 năm, 2016- 2018, tỷ lệ hộ DTTS nghèo của An Giang giảm bình quân 3,79%/năm. Theo ông Men Pholly, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang, tỷ lệ hộ DTTS nghèo của tỉnh giảm qua từng năm, nhưng vẫn còn số hộ nghèo phát sinh mới; kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS vẫn còn cao; tốc độ giảm nghèo không đồng đều. “Công tác giảm nghèo vừa có ý nghĩa kinh tế, vừa có ý nghĩa chính trị xã hội quan trọng và vừa là yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, để thoát nghèo cần phải có sự nỗ lực tự thân của người nghèo, nhất là đồng bào DTTS. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, động viên người nghèo không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, xây dựng ý thức tự lực, phấn đấu vươn lên”- ông Men Pholly nói.

Hiện nay, mỗi năm, các địa phương dành một nguồn lực đáng kể cho việc đánh giá, rà soát hộ nghèo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cách làm này chưa phù hợp. Ông Danh Cáo, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, nêu ví dụ về Chương trình hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi heo, bò. Đúng kỳ đánh giá rà soát hộ nghèo, heo, bò của người dân chưa bán nhưng vẫn được đánh giá là hộ thoát nghèo. Trường hợp bất trắc, heo, bò do Chương trình hỗ trợ, sau thời điểm đánh giá, bị dịch bệnh, bị chết, thì coi như việc đánh giá thoát nghèo của hộ DTTS đó chưa đạt yêu cầu. “Nên chăng, 2 năm thực hiện việc rà soát hộ nghèo 1 lần bởi khoảng thời gian này mới có thể đánh giá đồng vốn hỗ trợ, đồng vốn đầu tư của nông hộ phát huy hiệu quả hay không”- ông Danh Cáo đề xuất.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến nghèo của người dân nói chung, trong đồng bào DTTS nói riêng, chủ yếu do trình độ học vấn thấp, thiếu đất và phương tiện sản xuất, đông con nhỏ, đau ốm, thiên tai; một số hộ còn thiếu ý chí vươn lên… Vì thế, cần có giải pháp giảm nghèo phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của từng địa phương và dân tộc; phải đáp ứng yêu cầu thực tế của từng vùng, từng đối tượng hộ nghèo. Cần bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội cho người nghèo có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Đặc biệt, cần kết hợp chặt chẽ các khâu: đào tạo dạy nghề- hướng dẫn cách làm ăn- trợ vốn, giải quyết việc làm cho hộ nghèo, nhất là hộ nghèo vùng đồng bào DTTS.

***

Những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS ở ĐBSCL đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng. Việc thể chế hóa và thực thi chủ trương quan điểm của Đảng và Nhà nước được các bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai. Đó cũng là sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, là sự tham mưu có hiệu quả của cơ quan công tác dân tộc các cấp. Kết quả này là bài học kinh nghiệm quan trọng để các địa phương thực hiện công tác dân tộc trong thời gian tới.

(Còn tiếp)

Bài 3: Nói đồng bào tin - làm đồng bào hưởng ứng

 

Chia sẻ bài viết