02/11/2011 - 15:18

Để phục hồi vườn nhãn bị bệnh chổi rồng

Dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn đang bùng phát dữ dội, gây thiệt hại nặng cho nhà vườn, do bà con chưa có biện pháp phòng trừ bệnh chổi rồng hiệu quả. Đáng lo ngại hơn, bệnh đang có dấu hiệu lây sang cây chôm chôm, cây trồng kinh tế chính của nhiều nhà vườn ở các huyện Chợ Lách, Châu Thành, tỉnh Bến Tre và một số địa phương khác ở ĐBSCL…

Cây nhãn từ lâu được xem là cây dễ trồng và ít sâu bệnh. Tuy nhiên, từ năm 2007 trở lại đây trên cây nhãn tiêu da bò, tiêu quế đã xuất hiện một loại bệnh rất đặc biệt, cây nhiễm bệnh thì đọt non và chùm bông bị biến dạng, xoăn tít lại giống như bó chổi nên các nhà khoa học và bà con nông dân đặt tên cho nó là bệnh chổi rồng. Hiện nay, ở miền Đông và Tây Nam bộ có diện tích trồng nhãn hàng chục ngàn ha, nhiều địa phương có tỷ lệ nhãn nhiễm bệnh chổi rồng hơn 80%, gây giảm năng suất trái trên 90%. Các tỉnh có diện tích nhãn bị bệnh chổi rồng nặng là Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang... Đây cũng là các địa phương có diện tích trồng nhãn lớn nhất cả nước. Theo các nhà khoa học, bệnh chổi rồng do nhện lông nhung chích hút và truyền một loại vi sinh vật vào trong lá non và bông mới nở, sau đó vi sinh vật này sinh sôi nẩy nở tiết ra một độc chất làm biến dạng lá non và bông. Đến nay, các nghiên cứu về bệnh này cũng chưa được rõ ràng và biện pháp quản lý cũng chưa được bà con nông dân quan tâm đầy đủ.

 

Vườn nhãn của ông Nguyễn Văn Hoàng (đứng bên trái), xã Phú Túc, huyện  Châu Thành, tỉnh Bến Tre bị bệnh chổi rồng làm giảm năng suất trên 50%. 

Tại Bến Tre, có trên 2.219 ha trong tổng số 6.249 ha đất trồng nhãn đã bị nhiễm bệnh chổi rồng, với tỷ lệ bệnh từ 30 – 80%, gây thất thu năng suất và sản lượng nhãn của nông dân. Bệnh chổi rồng xảy ra phổ biến ở các huyện có diện tích nhãn tập trung của tỉnh là Chợ Lách, Châu Thành. Nguy hiểm hơn, theo ghi nhận của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chợ Lách, bệnh có chiều hướng phát triển trên cây chôm chôm. Mùa vụ chôm chôm năm nay, bệnh chổi rồng cũng đã gây thiệt hại ở một số vườn chôm chôm thuộc các xã Long Thới, Hòa Nghĩa, Vĩnh Bình, Phú Phụng. Khác với cây nhãn, bệnh chổi rồng trên cây chôm chôm làm cho phát hoa ngắn lại, hoa cái to hơn, đài hoa dày lên. Hoa nở chậm nhưng đài hoa không bung ra. Thời gian nở hoa kéo dài, cuối cùng hoa khô và kết chùm lại. Bệnh nặng thì các gié hoa trên cùng phát hoa có xu hướng phát triển nhiều và đều nhau nhưng ngắn và kết chùm lại dày đặc hơn... Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng trị bệnh chổi rồng, nhưng ngành nông nghiệp các địa phương và nông dân trồng nhãn vẫn chưa tìm được cách phòng trị hiệu quả nhất.

Qua tiếp xúc với các nhà vườn, chúng tôi nhận thấy hầu hết bà con đều lắc đầu, bó tay trước dịch bệnh này. Anh Trần Thanh Cường, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, cho biết: “2 công đất trồng nhãn tiêu da bò 15 năm tuổi của tôi trước đây mỗi năm đem về cho gia đình nguồn thu nhập khoảng 20 triệu đồng. 3 năm nay vườn nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng, tôi xử lý trái không còn hiệu quả, thu nhập từ vườn nhãn mỗi năm không tới 5 triệu đồng, tôi đã đốn bỏ hơn nửa vườn nhãn để trồng dừa”. Còn ông Nguyễn Văn Hoàng, ấp Phú Xuân, xã Phú Túc, trồng 10 công nhãn tiêu quế cũng bị bệnh chổi rồng tấn công 2 năm nay, hiện bệnh đang lây lan rất nhanh trong vườn nhãn của ông. Vườn nhãn này trước đây mỗi năm đem về cho ông thu nhập 60 – 70 triệu đồng, nhưng năm nay giảm xuống hơn phân nửa.

Trước sự lây lan khá nhanh của bệnh chổi rồng hại nhãn, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác phòng trừ như thực hiện mô hình phòng trừ bệnh chổi rồng theo qui trình của Cục Bảo vệ thực vật; hướng dẫn nhà vườn cắt tỉa cành nhãn nhiễm bệnh chổi rồng đem tiêu hủy; phun thuốc trừ nhện lông nhung... Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp những khó khăn, hiệu quả đạt được không như mong muốn, do nhà vườn không thực hiện việc cắt tỉa đồng loạt; chi phí cắt tỉa, tiêu diệt nguồn bệnh, mua thuốc trừ nhện khá tốn kém; giá nhãn không ổn định nên nông dân ít đầu tư chăm sóc, không thực hiện cắt tỉa các chồi, bông nhãn bị bệnh theo khuyến cáo.

Mới đây, tại huyện Chợ Lách, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị “Triển khai các giải pháp phòng chống “Bệnh chổi rồng” trên cây nhãn” nhằm đánh giá lại tình hình dịch bệnh chổi rồng ở tỉnh và tìm các giải pháp hữu hiệu để phòng trừ dịch bệnh này. Theo nghiên cứu và qua các mô hình điểm về phòng trị bệnh chổi rồng đã được triển khai tại Trà Vinh, Đồng Tháp..., các nhà khoa học khẳng định khả năng phục hồi vườn nhãn bị bệnh chổi rồng đạt trên 90% năng suất, nếu nông dân thực hiện đúng theo khuyến cáo và các quy trình kỹ thuật. Tiến sĩ Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật Phía Nam cho biết: “Hiện nay diện tích trồng nhãn các tỉnh ĐBSCL khoảng 40.000 ha, trong đó diện tích bị nhiễm bệnh chổi rồng khoảng 23.000 ha, có nhiều vườn nhãn tỷ lệ nhiễm bệnh chổi rồng 100%. Một số công ty thuốc bảo vệ thực vật đã áp dụng một số quy trình phòng trừ bệnh chổi rồng theo Cục Bảo vệ thực vật đã đề ra và những vườn nhãn đã phục hồi trở lại khoảng 90%. Vì vậy, bà con nông dân hãy bình tĩnh và ứng dụng theo quy trình này để cây nhãn được phục hồi trở lại. Điều quan tâm là ngành nông nghiệp các địa phương cần thực hiện chuyển giao cách phòng trị bệnh chổi rồng cho nông dân, hướng dẫn bà con thực hiện một cách đồng loạt, mang tính cộng đồng thì sẽ thành công”.

Nhằm giúp nông dân phòng trừ dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn hiệu quả, bà Phan Thị Thu Sương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết: “Tới đây, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị về biện pháp tổng hợp phòng trừ bệnh chổi rồng trên cây nhãn. Đồng thời, Sở sẽ chỉ đạo một số ngành trực thuộc bố trí kinh phí để tập huấn và tuyên truyền cho nông dân thực hiện đồng loạt các biện pháp phòng trừ bệnh chổi rồng đạt kết quả theo quy trình của Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn”.

CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết