01/04/2011 - 14:49

Đề phòng, phát hiện sớm chứng suy thận mạn

Thận là cơ quan vô cùng quan trọng trong cơ thể con người, giữ chức năng lọc các chất cặn bã trong cơ thể ra bên ngoài. Vì vậy, khi quả thận suy giảm chức năng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ngày nay, tỷ lệ người mắc bệnh suy thận mạn ở mọi lứa tuổi ngày càng cao. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh này, phóng viên Báo Cần Thơ gặp gỡ, ghi nhận kinh nghiệm của một số bác sĩ tại Khoa Lọc thận, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng và điều trị bệnh suy thận mạn.

Cán bộ y tế chăm sóc cho bệnh nhân lọc thận tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.

Anh Bùi Văn Lẹ (35 tuổi), ở ấp Phong Thới, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng vốn là một người đàn ông khỏe mạnh, siêng năng lao động. Cách nay 2 năm, anh nhận thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng như: khó chịu trong người, huyết áp tăng cao, đi tiểu nhiều, tay chân phù nề, nhức lưng, tiêu chảy cấp,... , anh đến bệnh viện huyện khám, mới hay mình bị suy thận mạn thời kỳ đầu và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để lọc máu cấp cứu. Qua vài tháng điều trị, anh tiếp tục được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ để lọc máu định kỳ cho đến nay.

Tương tự trường hợp của anh Lẹ, anh Nguyễn Văn Bân ( 38 tuổi), ở khu vực Thới Bình, phường Thới An, Ô Môn, cũng vốn là một nông dân sản xuất giỏi. Nhưng rồi căn bệnh suy thận mạn đã làm cạn kiệt sức khỏe của anh.

Đây là hai trong số rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị suy thận mạn nhưng người bệnh không hề hay biết. Đến khi gặp những triệu chứng bất thường của cơ thể thì chức năng thận đã suy giảm nghiêm trọng. Bác sĩ Lê Quốc Việt- Bác sĩ điều trị tại Khoa Lọc thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết: “Người mắc bệnh suy thận mạn thuộc mọi lứa tuổi. Có rất nhiều người không biết mình bệnh, đến khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn cuối của suy thận mạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe”. Theo bác sĩ Quốc Việt, suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận, bao gồm chức năng bài tiết nước tiểu và các chất độc trong cơ thể do quá trình trao đổi chất gây ra, kéo theo sự suy giảm chức năng sản xuất một vài hooc- môn do thận sản xuất. Người bệnh bị suy thận mạn có triệu chứng đau đầu do cao huyết áp, phù mặt, tay chân, bụng hoặc tất cả các bộ phận do ứ nước trong cơ thể dẫn đến cảm giác mệt mỏi, đắng miệng, chán ăn, buồn nôn, mờ mắt, đau đầu, giảm tập trung và giảm ham muốn tình dục, chóng mặt, da xanh, móng tay và niêm mạc mắt nhợt nhạt do thiếu máu. Ngoài ra, người bệnh còn có thể có một số dấu hiệu như: môi thâm, răng xỉn màu, đau xương và răng, chảy máu chân răng.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, có hai nguyên nhân chính dẫn đến bệnh suy thận mạn là các bệnh rối loạn chuyển hóa (đặc biệt là bệnh tiểu đường) và cao huyết áp. Bệnh suy thận mạn làm cho bệnh nhân giảm tuổi thọ, giảm sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, vô sinh. Hiện nay, tại một số bệnh viện lớn trong cả nước có hai phương pháp điều trị lọc máu ngoài thận là thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc. Tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, phương pháp điều trị lọc máu nhân tạo cho bệnh nhân suy thận mạn đã được thực hiện trong nhiều năm nay. Khoảng cách giữa các lần lọc máu định kỳ của người suy thận mạn là cách ngày, và thời gian mỗi lần lọc khoảng 4 giờ đồng hồ. Chi phí cho mỗi lần lọc máu kèm theo tiền thuốc điều trị từ 300 đến 400 ngàn đồng. Đối với phương pháp điều trị thẩm phân phúc mạc cho người suy thận mạn đã được áp dụng ở một số thành phố lớn ở nước ta. Đây là phương pháp vừa giảm chi phí điều trị cho người bệnh vừa giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tại TP Cần Thơ, phương pháp này đang được Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ trình Sở Y tế TP Cần Thơ xem xét, phê duyệt để sớm triển khai thực hiện.

Bệnh suy thận mạn là một căn bệnh diễn tiến âm thầm nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh. Thông thường khi người bệnh có những triệu chứng như đi tiểu nhiều, đau nhức lưng, phù nề tay chân,... thì bệnh đã bước vào các giai đoạn muộn của căn bệnh suy thận mạn. Theo bác sĩ Lê Văn Tiến- Trưởng Khoa Lọc thận, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, khuyến cáo: “Để phát hiện bệnh kịp thời, mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, thực hiện lối sống tích cực,... Người suy thận mạn nên giữ chế độ ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ, giữ tinh thần lạc quan, phối hợp với bác sĩ trong điều trị để đạt kết quả điều trị tốt nhất”.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết