31/12/2017 - 17:29

Để phát triển kinh tế nước ta tiếp đà tăng trưởng cao trong năm 2018 

Năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Giá tiêu dùng bình quân chỉ tăng 3,53%, lạm phát cơ bản tăng 1,41%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 51,5 tỉ USD. Xuất khẩu ước đạt gần 214 tỉ USD, tăng 21,1% so với năm trước, xuất siêu 2,7 tỉ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung ước đạt 29,7 tỉ USD, tăng 44,2%; vốn thực hiện đạt 17,5% USD, tăng 10,8%.Thị trường chứng khoán vượt mốc 950 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước khoảng 33,3% GDP, tăng 12,1%. Các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chủ yếu đều chuyển biến tích cực, cụ thể  khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8%, khu vực nông nghiệp tăng 2,9%, dịch vụ tăng 7,44%, lượng khách quốc tế đến nước ta đạt 12,9 triệu lượt, tăng 29,1%.

Bài học từ thực tiễn

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng: “Bài học kinh nghiệm từ thành công trong năm 2017 là khả năng bám sát tình huống, điều hành linh hoạt của Chính phủ đối với từng ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn cụ thể và có các giải pháp, cơ chế chính sách hiệu quả để tháo gỡ kịp thời các khó khăn. Chính phủ cũng chủ động đối ngoại quốc tế, tăng cường quan hệ thương mại, giúp nước ta vượt qua nhiều rào cản, trở ngại trong xuất khẩu. Xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa được đẩy mạnh mang lại cơ hội phát triển cho cả công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ…”.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam, Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, sản xuất nông nghiệp đối mặt rất nhiều khó khăn do thiên tai, nhưng cả năm 2017 lại đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng. Chưa bao giờ lĩnh vực nông nghiệp lại nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước như năm nay, đây cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thành công. Năm qua, 63 tỉnh, thành cũng đều tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp đã tạo sức lan tỏa và động lực mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp...

Trước nhiều khó khăn trong năm 2017 đã có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với một niềm tin vững chắc vào sức mạnh của nhân dân và tinh thần của doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta đã nhất quyết kiên định mục tiêu tăng trưởng rất cao mà Quốc hội đã đề ra. Rất nhiều ngành, nhiều địa phương đã chủ động, tiên phong thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Kết quả phát triển kinh tế xã hội đã đạt được khá toàn diện. Tất cả các chỉ tiêu Quốc hội đưa ra đều đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Chất lượng tăng trưởng nâng lên nhờ cả tăng năng suất lao động xã hội và cải thiện các chỉ số môi trường. Điều đáng lưu ý là kết quả tăng trưởng trên trong bối cảnh ngành khai khoáng giảm 7,1% và không dựa vào những công cụ kích cầu ngắn hạn mà tập trung nỗ lực phát huy tăng trưởng từ tiềm năng, lợi thế so sánh của các ngành và các địa phương.

Để tiếp đà tăng trưởng cao

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và  dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2018, nhiều đại biểu cho rằng trong năm 2018 nước ta cần tiếp tục có giải pháp chủ động khắc phục khó khăn, nắm bắt tốt các cơ hội mới và khai thác, phát huy tối đa những tiềm năng lợi thế sẵn có để đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là phát triển xuất khẩu. Tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn. Đồng thời, chủ động hội nhập quốc tế và ứng phó thiên tai, cũng như thu hút tốt các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi cho phát triển...

 Nông dân ở TP Cần Thơ tận dụng đất trống để  trồng nấm rơm tăng thêm thu nhập cho gia đình.

 

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống kiến nghị: “Chính phủ quan tâm, có giải pháp hỗ trợ xuất khẩu nông sản tiếp tục đạt hiệu quả trong năm 2018 để thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững. Năm qua, phát triển sản xuất nông nghiệp ở Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL có nhiều thuận lợi do xuất khẩu tốt, giúp nông dân sản xuất ra bán hết sản lượng, với giá cả tốt, đời sống người dân khá lên. Cần Thơ cũng rất mong Chính phủ quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ khắc phục khó khăn để phát huy hiệu quả vai trò Sân bay quốc tế Cần Thơ, đồng thời sớm hợp nhất các bến cảng ở khu vực cảng Cái Cui để mở rộng phát triển xứng tầm và xây dựng hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương-Cần Thơ trước năm 2020, tạo thuận lợi cho các địa phương vùng ĐBSCL giao thương hàng hóa, thu hút đầu tư...”.

Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: Sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do chưa chủ động nguồn cây con giống chất lượng và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, nhất là khi các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đảm bảo. Chính phủ cần tiếp tục có hỗ trợ đầu tư các dự án thủy lợi và có thêm cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao và hữu cơ.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, thành công trong năm qua là nền tảng quan trọng cho năm 2018 và những năm tiếp theo, nhưng cũng là áp lực rất lớn vì quy mô nền kinh tế năm 2017 cũng rất lớn, năm 2018 cần có những sản phẩm mới cùng sự gia tăng của sản phẩm đang có mới có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,7%. Các bộ ngành cùng địa phương cần  rà soát kỹ tất cả các sản phẩm của ngành, lĩnh vực, địa phương mình để theo dõi chặt chẽ diễn biến sản xuất kinh doanh để có giải pháp xử lý, tháo gỡ kịp thời khó khăn nhằm đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, các ngành, địa phương, doanh nghiệp cần thực hiện tái cấu trúc phù hợp nhu cầu thị trường và điều kiện thực tế, góp phần tái cấu trúc nền kinh tế đất nước gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2018 yêu cầu tăng trưởng kinh tế đạt trên mức Quốc hội đề ra  và Chính phủ nhất quyết thúc đẩy  tăng trưởng kinh tế để giải quyết được rất nhiều vấn đề, từ việc làm đến thu ngân sách, nợ công, thu nhập bình quân đầu người. Đi liền với số lượng thì chất lượng tăng trưởng cũng phải được nâng lên, đặc biệt năng suất lao động xã hội phải cao hơn, các chỉ số môi trường phải cải thiện rõ rệt hơn. Yêu cầu thứ hai đặt ra là phát triển mạnh mẽ hơn về sức sống, về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp, kể cả sản phẩm quốc gia. Yêu cầu nữa là xã hội bình yên hơn, an ninh an toàn hơn, mọi người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế có cuộc sống tốt hơn cả về vật chất và tinh thần. Phải có biện pháp xây dựng nền kinh tế tự chủ, phù hợp với hoàn cảnh mới...

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết