17/08/2016 - 20:47

ĐỂ NGÀNH TRỒNG TRỌT THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Thời gian gần đây, hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm với tần suất cao và khó có thể dự đoán. Điều này đã làm tổn thất không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân vùng ĐBSCL. Nhận thức vấn đề trên, những năm gần đây, thành tựu nghiên cứu giống nổi bật thích ứng biến đổi khí hậu, tiến bộ khoa học kỹ thuật lĩnh vực trồng trọt được khảo nghiệm và chuyển giao tại các địa phương trong vùng.

*Nâng cao khả năng thích ứng của cây trồng

Thời gian qua, Viện Lúa ĐBSCL đã nghiên cứu chọn tạo thành công đưa ra những giống lúa có khả năng chịu mặn tốt. Viện cũng đưa ra các biện pháp canh tác đối với cây ăn trái, rau màu trong điều kiện thiếu nước, đất bị nhiễm mặn giúp nông dân ổn định, phát triển sản xuất… Đó chính là những giải pháp nhằm tăng khả năng thích ứng cây trồng. Giai đoạn 2013-2016, các tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao với nhiều mô hình gồm các giống cây trồng được chọn tạo mới và được áp dụng trên nhiều địa bàn của vùng ĐBSCL gồm các giống lúa mới triển vọng, như: OM8232, OM8959, OM1735, OM6916, OM6904, OM6932, OM6893, OM 10041, OM10417… với tổng diện tích sản xuất là 152.000ha. Riêng giống lúa ĐTM126 có diện tích gieo trồng khoảng 340ha ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Bạc Liêu. Bên cạnh đó, một số cây trồng cạn, như: giống đậu nành HL 07-15, HLĐN 29, HLĐN9 10, giống vừng (mè) đen ĐH-1 được chọn tạo có các đặc tính thích nghi với vùng ĐBSCL và cho năng suất cao.

Hoa lan trồng theo phương pháp nuôi cấy mô tại Trung tâm Giống Cây trồng, Vật nuôi, Thủy sản TP Cần Thơ. Ảnh: T. LONG

ThS. Trần Xuân Định, Cục Trồng trọt- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Qua điều tra giống lúa năm 2015, từ thành tựu nghiên cứu giống lúa mới đã chuyển giao, ở ĐBSCL có 52 giống lúa, trong đó có 45 giống lúa tẻ chiếm 98,9% (4,12 triệu ha), lúa lai chỉ có 5 giống chủ yếu ở vùng phù sa nhiễm mặn, vùng lúa - tôm, diện tích chiếm trên 31.000ha (0,8% diện tích) và các giống lúa nếp mới và giống địa phương chiếm hơn 15.000ha (0,4% diện tích). 10 giống lúa tẻ đang sản xuất trên diện rộng trong vùng như IR50404, OM5451, OM6976, OM4900, Jasmine 85, OM4218, Nàng Hoa 9, OM7347, OM2517 và các giống khác. Từ kết quả trên, các nhà khoa học lựa chọn ra một số giống lúa phù hợp cho từng vùng miền để cải tiến, nâng cao, khắc phục những hạn chế của giống bằng cách quy tụ các gen để có các giống đã có sẵn tính thích nghi rộng, ổn định ngoài sản xuất. Đồng thời làm cơ sở cho nhà quản lý đề xuất loại bỏ khỏi danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh các giống lúa không còn gieo cấy trong sản xuất.

Cây ăn trái là thế mạnh của vùng Nam bộ, giai đoạn 2013-2015, Viện Cây ăn quả miền Nam cũng đã chuyển giao nhiều loại cây ăn trái có giá trị cùng với những mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, như: giống bưởi đường lá cam ít hạt LĐ4, giống thanh long ruột tím hồng LĐ5, giống cam sành không hạt LĐ6, sầu riêng SRHB11, chôm chôm CCBR3, xoài cát hòa lộc HL01... Một số giống rau, như; giống ớt cay F1 Long Định 3, giống dưa leo lai LĐ7, giống đậu bắp lai LĐ8 và các giống hoa nuôi cấy mô. Song song đó, nhiều mô hình canh tác đã được chuyển giao có hiệu quả, như: mô hình "3 giảm, 3 tăng" và kỹ thuật trồng lúa theo SRI trong canh tác lúa chất lượng cao đã cho thấy tăng năng suất 0,54 tấn/ha ở các tỉnh, thành phía Nam và lợi nhuận tăng so với nông dân hơn 6,3 triệu đồng/ha; mô hình ứng dụng nấm xanh Ometar để phòng trừ rầy nâu hại lúa được áp dụng ở 11 tỉnh ĐBSCL tăng hiệu quả kinh tế 5-14,4%; mô hình ứng dụng quy trình quản lý bệnh đạo ôn đạt hiệu quả cao, an toàn môi trường sinh thái tăng hiệu quả đầu tư 20-39,12%; mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả vụ xuân hè sang trồng bắp lai thu lợi nhuận khoảng 4,5 triệu đồng/ha; các mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh với trên 800ha vườn cây ăn trái; mô hình cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP ở Tiền Giang, Bến Tre…; mô hình sản xuất đậu nành với các giống mới có năng suất cao từ 2,5-3 tấn/ha…

*Giải pháp phát triển

PGS. TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng: Sản xuất lúa gạo mang lại ý nghĩa kinh tế và xã hội to lớn, góp phần ổn định chính trị và an sinh xã hội. Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến hiệu quả sản xuất, xuất khẩu… rất cần nhìn lại một cách toàn diện. Đã đến lúc chúng ta cần đánh giá sản xuất lúa gạo nói riêng và các nông sản nói chung bằng giá trị trên 1 đơn vị diện tích thay vì quy mô số lượng.

Về hướng phát triển lúa gạo, theo PGS. TS Nguyễn Văn Bộ, trước hết cần xây dựng chiến lược dài hạn với mục tiêu chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an ninh lương thực trong mọi hoàn cảnh. Về tổ chức sản xuất, đây là khâu mang ý nghĩa quyết định. Theo đó, Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương quan tâm tổ chức các hội nghị doanh nghiệp, cung cấp các chính sách, tín hiệu thị trường. Đồng thời, tiếp thu các đề xuất, vướng mắc về cơ chế, thể chế để có thể đề xuất Chính phủ, địa phương cải thiện, tháo gỡ trong khả năng cho phép. Tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tham gia đầy đủ vào chuỗi sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Nhà nước cần sớm thúc đẩy hiện thực chính sách hóa bảo hiểm trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, phát triển giống lúa cần chia làm 2 hướng: ưu tiên cải tiến các giống lúa chất lượng bao gồm cả đặc sản, lúa nếp đang được sản xuất quy mô khá trở lên, đã có thị trường để xây dựng vùng sản xuất tập trung; nghiên cứu tạo giống mới theo yêu cầu thị trường, tăng tỷ lệ giống xác nhận. Nâng cao mức độ đồng đều về năng suất của từng giống, từng vùng và quốc gia cần được xem xét thông qua các gói kỹ thuật đồng bộ. Trong đó, các giải pháp có thể ứng dụng ngay là: ưu tiên đầu tư nguồn nước cho vùng ĐBSCL; nâng cấp hệ thống tưới; nâng cao chất lượng hạt giống, bón phân cân đối, bảo vệ cây trồng hiệu quả và giảm tổn thất sau thu hoạch.

Để tăng khả năng mở rộng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt ở các địa phương, TS. Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, đề xuất: Đối với cây màu, để có thể mở rộng diện tích sản xuất cây đậu nành, vừng phục vụ cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu cần nghiên cứu phát triển trên cơ sở kinh doanh theo chuỗi giá trị. Trong đó, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam sẽ tham gia trong khâu cung ứng giống trong chuỗi giá trị ngành hàng. Đối với cây ăn trái, các giống mới lai tạo và biện pháp, quy trình kỹ thuật tiên tiến phù hợp với sản xuất cây ăn trái vùng ĐBSCL. Trong điều kiện ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, xâm nhập mặn, các địa phương, như: An Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long có thể ứng dụng gốc ghép chống chịu hạn, mặn, thối rễ cho nhóm cây có múi, sầu riêng, xoài. Đối với những vùng canh tác nhãn bị bệnh chổi rồng nặng, vườn già cỗi cho năng suất kém có thể sử dụng giống nhãn LĐ11 để chuyển đổi cơ cấu giống phù hợp. Hợp tác với các địa phương phát triển mạnh các giống cam sành không hạt LĐ6, bưởi đường lá cam ít hạt LĐ4. Ngoài ra, nhiều quy trình canh tác, bảo vệ thực vật, sau thu hoạch có thể ứng dụng vào sản xuất, như: xử lý ra hoa hỗ trợ sản xuất rải vụ, nâng cao thất thoát và bảo quản sau thu hoạch trên nhiều chủng loại cây ăn trái đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

T. Trinh

Chia sẻ bài viết