09/03/2021 - 07:05

Để doanh nghiệp vững tin tiến bước 

Ngay từ những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp ở TP Cần Thơ đã vạch lộ trình đổi mới mô hình kinh doanh, kiện toàn bộ máy hoạt động gắn với đầu tư đổi mới công nghệ, hoàn thiện quy trình sản xuất… Việc nắm vững thị trường, hướng đến khách hàng mục tiêu, tìm kiếm đối tác tiềm năng đã và đang giúp nhiều doanh nghiệp có bước đi vững chắc hơn ở giai đoạn phục hồi, phát triển sau đại dịch.

Củng cố nội lực

Khách hàng đến giao dịch tại Agribank Chi nhánh Cần Thơ.

Khách hàng đến giao dịch tại Agribank Chi nhánh Cần Thơ.

Dù gặp phải không ít khó khăn biến động về thị trường sau một năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, song nhiều doanh nghiệp tại TP Cần Thơ đã đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2020. Đây là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp chủ động hơn trong việc vạch ra kế hoạch đầu tư, kinh doanh trong năm 2021.

Theo ông Mai Công Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Tây Đô, năm 2020, Xi măng Tây Đô đạt sản lượng 1,2 triệu tấn xi măng với lợi nhuận 60 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2019. Mục tiêu năm 2021, công ty phấn đấu đạt sản lượng 1,6 triệu tấn xi măng và lợi nhuận đạt 80 tỉ đồng. Kết quả hoạt động khả quan là nhờ công ty từng bước mở rộng thị trường. Trước đây sản phẩm của công ty tập trung chủ yếu ở địa bàn Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng nay đang được mở rộng ra các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang, Tiền Giang, Long An, Bến Tre… Để đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường trong năm 2021, công ty đang cơ cấu lại bộ máy hoạt động, đồng thời đầu tư thêm hệ thống máy đóng bao xi măng, gia tăng sản lượng sản xuất. 

Ông Huỳnh Trung Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Thép Tây Đô, cho biết: Năm 2020, sản lượng sản xuất của công ty đạt trên 90.000 tấn thép thành phẩm, trong đó, 50% sản lượng xuất khẩu sang thị trường Campuchia. Từ tháng 6-2020, công ty khởi động đầu tư nhà máy sản xuất phôi thép và phấn đấu đến tháng 6, tháng 7-2021, nhà máy sẽ đạt sản lượng sản xuất vừa phôi thép và thép đạt 200.000 tấn/năm, doanh thu khoảng 3.000-4.000 tỉ đồng. Với kết quả năm 2020, công ty đã đảm bảo việc làm, thu nhập cho 250 lao động và khi mở rộng quy mô hoạt động, công ty dự kiến sẽ tuyển dụng thêm lao động, nâng tổng số lao động lên khoảng 400 người.

Đảm nhiệm vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, các ngân hàng thương mại trên địa bàn có nhiều nỗ lực vượt khó, đồng hành cùng khách hàng. Ông Lê Đình Vỹ, Giám đốc Agribank Chi nhánh Cần Thơ, cho biết: Trong quý IV-2020, Agribank đã triển khai gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh với lãi suất cho vay ngắn hạn từ 3,6-4,8%/năm. Nhờ đó doanh số cho vay trong quý cuối năm tăng trưởng đáng kể, tập trung vào các doanh nghiệp chế biến nông thủy sản xuất khẩu của thành phố. Năm 2020, Agribank Chi nhánh Cần Thơ hoàn thành 5/5 chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh. Trong đó, huy động vốn đạt 104% kế hoạch và tăng 8,04% so với năm 2019; dư nợ cho vay tăng 15,8% so với năm 2019, tỷ lệ nợ xấu còn 1,56% giảm 22,4% so với năm 2019. Doanh thu dịch vụ đạt 103% tăng 9,4% so với năm 2019. Lợi nhuận dù giảm 9% so với năm 2019 song vẫn đạt 106% kế hoạch. Theo ông Vỹ, do Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương nên mức độ đầu tư cho nông nghiệp nông thôn không cao, vì thế Agribank Chi nhánh Cần Thơ bám sát cơ cấu kinh tế - xã hội của thành phố để tập trung các hoạt động cung ứng tín dụng; cụ thể là hướng đến lĩnh vực công nghiệp chế biến nông thủy sản hiện là thế mạnh của thành phố. Đồng thời tham gia cung ứng tín dụng cho lĩnh vực thương mại, dịch vụ, cho vay tiêu dùng.

Thắt chặt liên kết, đầu tư

Để tập trung vào hoạt động đầu tư, nâng chất lượng sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra, doanh nghiệp chú trọng tìm kiếm đối tác kinh doanh, huy động thêm nguồn lực phù hợp. Theo ông Huỳnh Trung Quang, năm 2021, công ty tập trung chuyển đổi từ công ty TNHH hai thành viên hiện nay thành công ty cổ phần. Đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư, nhân viên tham gia góp vốn để nâng vốn hoạt động, mở rộng nhà máy sản xuất với giá trị đầu tư dự án từ 250-300 tỉ đồng. Hiện nay, dự án cũng được các ngân hàng trên địa bàn thành phố đặc biệt quan tâm, hỗ trợ vốn đầu tư.

Xác định khách hàng mục tiêu cũng là định hướng của ngành ngân hàng trong năm 2021. Theo Giám đốc Agribank Chi nhánh Cần Thơ, dịch COVID-19 đã làm thay đổi tư duy tiêu dùng của khách hàng khi chuyển sang các hoạt động thanh toán trực tuyến, đối tượng khách hàng cũng ngày càng trẻ hóa nên Agribank Chi nhánh Cần Thơ tập trung phát hành thẻ hướng đến nhóm khách hàng này. Agribank Chi nhánh Cần Thơ cũng đề xuất các sở ngành thành phố tạo điều kiện kết nối ngân hàng với các doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp khởi nghiệp vì đây là đối tượng có nhu cầu về vốn để khởi sự kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ Agribank Chi nhánh Cần Thơ tiếp cận các mô hình nông nghiệp đô thị, các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả để ngân hàng có thể tham gia đồng hành cung ứng vốn kịp thời.

Những mảng sáng của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh mở ra nhiều kỳ vọng hơn cho năm mới 2021, để doanh nghiệp tự tin và quyết liệt hơn trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh vừa phục hồi sản xuất kinh doanh. Ông Mai Công Toàn chia sẻ: Cùng với các định hướng đầu tư, phát triển thị trường, công ty cũng kiến nghị thành phố tiếp tục nâng cấp, cải tạo hệ thống cảng để tàu trọng tải lớn có thể trực tiếp ra vào các cảng trên địa bàn thành phố. Cùng với đó là quan tâm phát triển mạng lưới logistics tại các cảng, hệ thống đóng bao, bốc xếp xi măng tự động tại cảng để nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Trong 2 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố có 192 doanh nghiệp các loại hình được cấp mới đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký 1.981 tỉ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký mới bằng 84,21% và số vốn tăng 7% so với cùng kỳ 2020. Thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành, quận huyện tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển sản xuất, mô hình kinh doanh mới, đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và năng lực quản lý, quản trị, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và yêu cầu hội nhập quốc tế, hướng tới phát triển bền vững, chú trọng các yếu tố bảo vệ môi trường, ứng phó linh hoạt với tác động của thiên tai, dịch bệnh.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết