04/09/2018 - 09:28

Để Chương trình 135 ngày càng phát huy hiệu quả 

Giai đoạn 2016-2020, Chương trình 135 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1722/QĐ - TTg ngày 2-9-2016. Đây là dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Qua 2 năm triển khai, Chương trình góp phần không nhỏ trong công cuộc giảm nghèo, từng bước tạo chuyển biến tích cực, làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số (DTTS) ở Nam bộ.

Hiện thực hóa...

Vùng Nam bộ có 175 xã và 525 thôn (ấp) của 17 địa phương thuộc diện đầu tư từ Chương trình 135. Hầu hết các xã, thôn (ấp) này đều có những khó khăn mang tính điển hình: tập trung đông đồng bào DTTS, trình độ phát triển thấp so với mặt bằng chung trên địa bàn; hoặc xã biên giới với những đặc thù về tình hình chính trị - xã hội… Ông Nguyễn Văn Sang, chuyên viên Văn phòng điều phối Chương trình 135, cho biết: Chương trình 135 đã góp phần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng, như: giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, công trình điện, công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, nhà văn hóa cộng đồng… Nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội…

Chương trình 135 giai đoạn 2016-2018 đã được cả hệ thống chính trị của các địa phương quán triệt từ cấp tỉnh đến cơ sở và được xem là nhiệm vụ rất quan trọng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS. Điều này cho thấy, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và mặt trận, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong công tác giảm nghèo được nâng lên. Cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện đã chủ động, tập trung tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt Chương trình 135 trên địa bàn.

Giai đoạn 2016-2020, 9 địa phương (Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Hậu Giang và Cần Thơ) vùng ĐBSCL có 109 xã thuộc diện đầu tư của Chương trình 135, với tổng kinh phí được phân bổ năm 2017- 2018 trên 700 tỉ đồng. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, bà Huỳnh Thị Sômaly, Vụ trưởng Vụ địa phương III, nhận xét: “Chương trình 135 đã đem lại hiệu quả tích cực;  an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS được giữ vững ổn định... Chương trình 135, cũng như các chính sách về dân tộc đã thực sự đi vào cuộc sống trong vùng đồng bào DTTS ở ĐBSCL”.  Theo bà Huỳnh Thị Sômaly, “thước đo” hiệu quả nhất cho nhận định trên chính là việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Theo đó, nếu như những năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS ở ĐBSCL giảm 2-4%/năm thì từ năm 2016 có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể, cuối năm 2016, hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS ở ĐBSCL chiếm tỷ lệ trên 23,45%; đến cuối 2017, tỷ lệ này chỉ còn 17,42%.

Điều chỉnh cơ chế, chính sách để phát huy hiệu quả

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng việc triển khai Chương trình 135 ở ĐBSCL và cả vùng Nam bộ còn nhiều khó khăn, trong đó có nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách cần điều chỉnh để chương trình phát huy hiệu quả tích cực.

Đường giao thông nông thôn ấp Cần Giờ 1, xã Tham Đôn, Mỹ Xuyên được bê tông hóa. Ảnh: TRƯƠNG PHOL

Theo bà Huỳnh Thị Sômaly, Vụ trưởng Vụ địa phương III, do điều kiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng kinh tế còn nhiều khó khăn, nên việc thu hút các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa đầu tư vào vùng DTTS còn nhiều hạn chế. Luật Ngân sách Nhà nước không có điểm đề cập đến vấn đề vốn thực hiện chính sách dân tộc, nên thời gian qua, việc ghi vốn thực hiện chính sách dân tộc nói chung, Chương trình 135 nói riêng, rất khó khăn. Một số địa phương triển khai Chương trình 135 chưa đúng mức và chưa thống nhất. Khâu quản lý điều hành, tổ chức bộ máy cơ quan làm công tác dân tộc ở nhiều địa phương chưa thật sự ổn định... ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai, thực hiện Chương trình 135.

“Văn phòng điều phối Chương trình 135 cần nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách để tiếp tục đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, cần lưu ý tăng định mức hỗ trợ cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn. Cụ thể: tăng cường nguồn kinh phí để thực hiện tuyên truyền, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ và cộng đồng; duy tu bảo dưỡng các công trình đã triển khai trên địa bàn và có bố trí nguồn vốn dự phòng để đầu tư cho các công trình bức xúc phát sinh… Khi các chương trình, chính sách dân tộc được phê duyệt, Trung ương, địa phương cần phân bổ nguồn vốn kịp thời để thực hiện các nội dung, đạt mục tiêu đề ra…” - bà Huỳnh Thị Sômaly đề xuất.

Thực tế hiện nay, mỗi năm, các địa phương dành một nguồn lực đáng kể cho việc đánh giá rà soát hộ nghèo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cách làm này chưa phù hợp. Ông Danh Cáo, Trưởng phòng Phòng Dân tộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, nêu ví dụ: Chương trình 135 hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi heo, bò. Đúng kỳ đánh giá rà soát hộ nghèo, heo, bò của người dân chưa bán nhưng vẫn được đánh giá là hộ thoát nghèo. Trường hợp bất trắc: con heo, con bò do Chương trình 135 hỗ trợ, sau thời điểm đánh giá, bị dịch bệnh, bị chết, thì coi như việc đánh giá thoát nghèo của hộ DTTS đó chưa đạt yêu cầu. “Nên chăng, 2 năm thực hiện việc rà soát hộ nghèo 1 lần. Bởi khoảng thời gian này mới có thể đánh giá đồng vốn hỗ trợ, đồng vốn đầu tư của nông hộ phát huy hiệu quả hay không.  Hoặc phân loại hộ nghèo theo tiêu chí A, B… Trên cơ sở đó, xác định khoảng thời gian (1 năm, 2 năm…) tương ứng để đánh giá rà soát  hộ nghèo loại A, loại B… có thoát nghèo hay không. Có như vậy việc xác định tỷ lệ hộ thoát nghèo bền vững mới thật sự hiệu quả” – ông Danh Cáo đề xuất.

Để Chương trình 135 tiếp tục phát huy hiệu quả ở giai đoạn 2018-2020, ông Võ Văn Bảy, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135, cho rằng: Các địa phương cần tập trung cao độ cho công tác đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình 135. Trong đó nhấn mạnh vào những kết quả đạt được, những mục tiêu chưa đạt; các mặt khó khăn, tồn tại, bất cập, đặc biệt là cơ chế… Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ, ngành sửa đổi điều chỉnh  một số nội dung trong các văn bản hướng dẫn, nhằm phắc phục những tồn tại, bất cập, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện Chương trình 135 hiệu quả.

THANH LONG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Chương trình 135