07/10/2010 - 08:48

ĐBSCL trước nguy cơ thiếu nước ?

Lũ thấp hơn mức báo động I khoảng 1,4 mét, gây thất thu cho người dân vùng lũ và khả năng ảnh hưởng đến vụ lúa đông xuân. Trong ảnh: Người dân vùng lũ An Giang kiếm sống trên sông nhưng sản lượng khai thác không nhiều.

Mấy tháng qua, người dân vùng lũ ĐBSCL đang buồn vì không có lũ. Năm 2010, lũ thấp, lũ muộn, người dân không khai thác được nguồn lợi thủy sản; doanh thu từ du lịch mùa nước nổi ở An Giang, Đồng Tháp sút giảm… Nghiêm trọng hơn là vụ lúa đông xuân sẽ bị ảnh hưởng đến năng suất, giá thành. Thực trạng này kéo dài sẽ đe dọa đến hệ sinh thái, đời sống của người dân tiểu vùng Mê Công, nhất là khu vực hạ lưu.

* “NGHÈO” VÌ KHÔNG CÓ LŨ

Từ nhiều năm qua, người dân ĐBSCL đã quen “sống chung với lũ”. Những năm lũ thấp, lũ muộn, người dân “méo mặt” vì cá tôm về hạ lưu không nhiều, ảnh hưởng đến đời sống. Thực tế tại An Giang, có nhiều người chỉ khai thác thủy sản mùa lũ đã có tích lũy cho nhiều tháng trong năm. Là tỉnh đầu nguồn vốn rất năng động thích ứng với điều kiện tự nhiên, tỉnh An Giang đã sớm hình thành Đề án 31 nhằm tạo việc làm cho nông dân trong mùa lũ, góp phần tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo. Có hàng chục ngàn lao động trực tiếp khi mùa lũ về để nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, mùa lũ 2010 coi như “mất trắng” vì không có lũ. Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang-người sáng lập đề án này, cho biết: “Năm nào không có lũ coi như một bộ phận nông dân ĐBSCL gặp khó. Khi sống chung với lũ, khái niệm lũ ở ĐBSCL gần như không còn, thay vào đó là mùa nước nổi. Nước càng cao, đời sống người dân càng khấm khá, có dư. Không ít hộ thoát nghèo nhờ vào nước nổi...”.

“Tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ”. Đó là kinh nghiệm của người dân quen sống với nước nổi, nước lũ ở ĐBSCL. Thế nhưng, đến tháng Bảy âm lịch năm nay, nông dân ở các huyện đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu như Tịnh Biên, An Phú và Tân Châu (An Giang), Tân Hồng và Hồng Ngự (Đồng Tháp) vẫn phải “hợp đồng” sang khai thác thủy sản bên đất Campuchia. Hết tháng Tám âm lịch nhưng nước trên hai con sông này vẫn lên rất chậm, chỉ 2-3 cm/ngày đêm. Không ít người cho rằng, năm nay ĐBSCL không có lũ. Tại sông Tiền chưa tới 2,8 mét, thấp hơn cùng kỳ khoảng 0,7 mét và thấp hơn đỉnh lũ 2009 khoảng 1,3 mét. Trên sông Hậu, tại Châu Đốc khoảng 2,3 mét, thấp hơn đỉnh lũ năm ngoái khoảng 1,2 mét. Nhiều trạm quan trắc trên các tuyến sông tại hai tỉnh đầu nguồn đều đo được mực nước thấp hơn cùng kỳ từ 5cm đến 1,45 mét. Đến thời điểm này, đỉnh lũ đã qua nhưng mực nước mới nhất được đo vào ngày 1-9 trên sông Tiền tại Tân Châu (An Giang) chỉ 2,9 mét trong khi mức báo động I năm nay là 3,5 mét. Nước thấp, lũ muộn làm nhiều người hụt hẫng. Anh Trần Văn Tý ở huyện An Phú (tỉnh An Giang) “bỗng dưng... mắc nợ” khi lũ không về. “Những năm trước, đến mùa tựu trường, con cái của tôi có đầy đủ tập, sách và áo mới để nhập học. Năm nay, mọi thứ đều phải vay mượn mới sắm được nhưng vẫn thiếu trước thiếu sau. Không chỉ tôi mà nhiều người sống nhờ vào lũ đang sống khó khăn vì không khai thác cá mắm gì được”. Các làng nghề truyền thống sống nhờ vào lũ ở An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp... hoạt động giảm sút. Theo thông tin từ các làng nghề làm lưỡi câu, sản phẩm bán ra mùa lũ này giảm 30-40% so với những năm trước. Lượng tiêu thụ xuồng ghe ở Long Hậu, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) giảm so với năm ngoái. Chi phí đóng xuồng tăng thêm 30.000-50.000 đồng chiếc tức lên khoảng 400.000-420.000 đồng/chiếc so với năm ngoái, nhưng bán với giá 350.000-400.000 đồng/chiếc vẫn không có người mua. Ước tính, có khoảng 10% hộ đóng xuồng ở đây chuyển nghề tạm thời vì không “gánh” nổi các khoản lỗ và khó tiêu thụ sản phẩm. Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, cho biết: “Mực nước thấp ngay trong mùa lũ làm nghèo đi nguồn lợi thủy sản trên các con sông ở ĐBSCL, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân sống vào mùa lũ. Không những thế, các mô hình nuôi trồng thủy sản ở địa phương cũng bị ảnh hưởng nặng nề”.

Trao đổi với chúng tôi, các nhà khoa học tỏ ra lo lắng cho vụ lúa đông xuân tới. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: “Năm nay là lũ thấp, muộn. Lũ thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mùa vụ, đặc biệt là năng suất lúa sẽ thấp nếu lũ thấp. Bên cạnh đó nếu lũ muộn thì ảnh hưởng đến trễ vụ. Mà vụ này trễ, vụ tới sẽ trễ. Vụ đông xuân ĐBSCL mấy năm nay trúng mùa. Còn năm nay thì chúng tôi cũng không biết ra sao nữa...”. Lũ không về, phù sa vào đồng rất ít làm cho đất thiếu màu mỡ. Vào chính vụ, nông dân ĐBSCL phải tốn nhiều chi phí cho phân bón để giữ năng suất lúa. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà khoa học, nông dân ĐBSCL hàng năm bỏ ra nhiều chi phí cho bổ sung đạm vào đất lúa. Việc làm này chỉ mang tính nhất thời, tạo cho lúa tốt chứ hệ quả lại nặng nề vì đạm tích tụ trong đất vô tình làm “quyến rũ” các sinh vật gây bệnh trên lúa và lưu giữ dịch bệnh vào các vụ mùa sau. Đất lúa kém phù sa sẽ làm tăng giá thành lúa đông xuân. Nước thấp, lúa chét và cỏ dại không chết nên đầu vụ nông dân phải dùng máy trục bỏ. Chi phí tốn khoảng 1,2-1,5 triệu đồng/ha. Đó là chưa kể các khoản chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... Vụ này có thể bán giá cao, nông dân có lời nhưng các vụ tiếp theo trong năm vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng thì giá thành lúa sẽ tiếp tục cao hơn, nông dân khó bán được giá đảm bảo có lời theo quy định của Chính phủ. Lũ thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ ngọt trên các cửa sông đổ ra biển ở ĐBSCL. Các dự án “ngọt hóa” ở Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang... sẽ bị nhiễm mặn.

* TRẢ LẠI DÒNG CHẢY CHO SÔNG

Nhận định về thực trạng này, các nhà khoa học cho rằng do chính con người tác động lên con sông và vấn đề này trở thành vấn đề quốc tế. Trả lại cho thiên nhiên cũng chính là trả lại cho bản thân mình-những người đang trực tiếp tiếp nhận nguồn sống từ sông Mê Công.

Nước kiệt trong mùa hạn 2009-2010 là hồi chuông báo động đối với những tác động lên sông Mê Công làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến lưu lượng, điều tiết nước trên toàn tuyến. Theo thống kê, mực nước thấp vừa qua đã làm gián đoạn hoạt động kiếm ăn và sinh sản của hệ động vật trên sông Mê Công, có nơi ảnh hưởng đến 70%. Theo số liệu của Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, hiện toàn lưu vực sông Mê Công có tới 6.000 công trình lớn nhỏ gồm hồ chứa nước, công trình thủy lợi... trong vòng 60 năm qua, gây nhiều tác động tiêu cực đến sự ổn định của nguồn nước phía hạ nguồn. Trong đó, đoạn qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có những thủy điện lớn, đập cao 100-300m. Riêng 3 con đập tại tỉnh này có trữ lượng đến 3 tỉ khối nước; đập lớn nhất là Tiểu Loan có khả năng giữ đến 15 tỉ khối nước. Theo thống kê sơ bộ, hàng năm các đập thủy điện trên sông Mê Công “giữ lại” khoảng 150 tỉ khối nước. Điều này không chỉ gây ra nạn thiếu nước ảo cho phía hạ nguồn vào mùa lũ mà còn đẩy vùng hạ lưu sông Mê Công vào tình thế nguy hiểm.

“Hãy để các dòng sông chảy tự do”, đó là thông điệp của quốc tế đối với các quốc gia cùng sử dụng nước trên cùng con sông và cũng là lời kêu cứu để cứu lấy các con sông đang bị “nắn” dòng chảy, con người can thiệp thô bạo, không tuân thủ các quy luật tự nhiên. Ông Nguyễn Minh Nhị cho biết thêm: “Thời tiết ngày càng có nhiều bất thường diễn ra. ĐBSCL không có lũ là theo quy luật của thiên nhiên thì không nói. Nhưng ở đây là do con người. Con người ở đây là cả toàn cầu như phá rừng, đã can thiệp thô bạo với thiên nhiên như ngăn sông, đắp đập ở thượng nguồn. Giải quyết vấn đề này, theo tôi, chỉ có vai trò của quốc tế mới giải quyết được. Cụ thể là các quốc gia tiểu vùng Mê Công có những động thái tích cực trong hợp tác khai thác nguồn nước sông Mê Công và sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc. Bên cạnh đó, mỗi quốc gia phải tự cứu mình trước và sau đó giải quyết chung cho vấn đề khí hậu, môi trường của cả vùng, khu vực”. Tiến sĩ Hà Chu, Viện Kinh tế sinh thái, cho biết: “Dòng chảy của sông Mê Công đã giảm 40% khối lượng do việc chứa nước tại các đập thủy điện. Nếu vào mùa lũ gây mưa nhiều, nhất là vào cuối năm, các con đập này sẽ xả nước đổ dồn về hạ lưu gây lũ lên nhanh và ngập úng, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân. Nếu mưa ít, lũ thấp, nước bị giữ lại đập vô tình gây thiếu hụt nguồn nước ngọt cho tưới tiêu và ảnh hưởng đến hệ sinh thái vùng”.

Ông Võ Thạnh, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, cho biết: “Nước lũ năm nay thấp là các hồ của đập thủy điện phía thượng nguồn đã tích đủ nước. Từ nay đến cuối mùa mưa, chỉ cần xuất hiện một vài cơn bão tại khu vực thượng nguồn, các hồ sẽ đồng loạt xả nước. Khi đó, ĐBSCL đột ngột hứng lũ lớn trong thời gian ngắn. Theo dự báo từ nay đến cuối năm sẽ còn khoảng 5 cơn bão đổ bộ vào khu vực miền Trung. Chỉ cần 2-3 cơn bão xuất hiện liên tiếp thì lũ lớn và nghiêm trọng sẽ xảy ra. Bởi hiện nay, tâm lý phòng bị không cao trước tình hình lũ thấp nên khi nước dâng đột ngột sẽ gây tác động xấu và thiệt hại đáng kể. Vì thế, người dân đầu nguồn nên chuẩn bị tinh thần ứng phó với nước dâng bất thường ngay từ bây giờ”.

Bài, ảnh: Thành Nguyễn

Lũ thấp hơn mức báo động I khoảng 1,4 mét, gây thất thu cho người dân vùng lũ và khả năng ảnh hưởng đ̓

Chia sẻ bài viết