30/12/2017 - 15:45

ĐBSCL trong những ghi chép “rất Sơn Nam” 

Trong sự nghiệp văn chương và biên khảo của cố nhà văn Sơn Nam, có 2 tác phẩm thể loại ghi chép ít được để ý: “Theo chân người tình” và “Một mảnh tình riêng”. Có lẽ vốn hiểu biết về ĐBSCL đã in sâu vào tâm thức của cố nhà văn, nên trong hai tác phẩm chất chứa nhiều tâm sự và cái nhìn cá nhân này, vẫn ngồn ngộn cảnh sắc, phong tục và cá tính ĐBSCL theo cách viết rất Sơn Nam.

Ký ức khẩn hoang

Sinh thời, nhà văn Sơn Nam từng chia sẻ: “Văn chương thi phú chẳng lẽ là sản phẩm “không cần vốn”. Cái vốn ấy lớn lắm… Đọc nhiều sách, qua nhiều nơi, hiểu biết mọi miền của Tổ quốc, vậy mà chưa làm nên trò trống gì” (“Một mảnh tình riêng”, NXB Văn nghệ, 2000, trang 5). Với quan niệm lao động nghiêm túc ấy, nhà văn được suy tôn là “Nhà Nam bộ học”, bởi những hiểu biết sâu rộng, liên tưởng thông minh, đưa người đọc đi qua vùng văn hóa và lịch sử trong từng sáng tác văn chương và công trình khảo cứu công phu. Ở hai tập sách ghi chép hiếm hoi, cố nhà văn vẫn vô thức đưa người đọc đi qua hành trình khẩn hoang, khắc họa tính cách người ĐBSCL một cách gần gũi, đằm sâu. 

ĐBSCL với những cánh đồng mênh mông, tôm cá phong phú làm nên tính hào sảng của người đồng bằng. Ảnh: DUY KHÔIĐBSCL với những cánh đồng mênh mông, tôm cá phong phú làm nên tính hào sảng của người đồng bằng. Ảnh: DUY KHÔI

“Theo chân người tình” gần như là nhật ký của cố nhà văn trong quá trình ông dong ruổi làm cố vấn cho đoàn làm phim “L’Amant”- “Người tình” của đạo diễn Jean Jacque Annaud những năm đầu 1990. Sách được in lần thứ nhất năm 1991, NXB TP Hồ Chí Minh. Còn “Một mảnh tình riêng” là ghi chép về chuyện nghề, chuyện đời của bản thân nhà văn, NXB Văn nghệ ấn hành năm 2000. Hai quyển sách này vừa được NXB Trẻ xuất bản trong bản in chung (sau đây các trích dẫn được sử dụng trong tập in chung này). Những trang viết này, tưởng như kể chuyện đi làm phim, hay kể chuyện “củi lửa” của nhà văn, thật ra lại mang đến cho người đọc chuyện đời và người Nam bộ qua những thăng trầm.

Đọc ghi chép của Sơn Nam, người đọc lần đầu tiên được biết những chuyện gia đình riêng tư của ông, gắn liền công cuộc khẩn hoang. “Là người sinh trưởng vùng Rạch Giá, phía Nam của tỉnh còn hoang vu, tôi ý thức được việc khẩn hoang, rõ nét, vì suốt đời cha tôi lo việc khẩn hoang một cách tuyệt vọng. Đất chưa đào khi rừng tràm ngập nước quá sâu, khó làm ruộng, chỉ còn biết đắp, khoanh vùng đất hoang nào đó để nuôi cá. Cá sinh sôi nảy nở không cần thức ăn do người cung cấp, đến mùa nước cạn tát cá lên thì bắt. Ông nội tôi đến vùng ven rừng tràm này trước năm 1900, bác Hai tôi vẫn giữ cái búi tóc cho đến khi chết (khoảng năm 1955, thọ hơn 90 tuổi). Bác đã từng đuổi cọp, săn nai, heo rừng quanh quẩn sau hè” (trang 140). Ông dẫn tài liệu ghi ở quận Cà Mau (thời bấy giờ thuộc tỉnh Rạch Giá, chưa tách ra) đất rộng người thưa, ban đêm nghe cọp rống sau hè, dưới rạch thỉnh thoảng cá sấu quậy lên đùng đùng, lại thêm bầy cá nược đua nhau lội (trang 130).

Từ xóm nhỏ ven rừng U Minh Hạ, gia đình nhà văn Sơn Nam dời lên vùng Sóc Xoài, ven Vịnh Rạch Giá, phía Hà Tiên để sinh sống. Sau đó ông về ngoại. Dọc theo hành trình ấu thơ của nhà văn, như những thước phim vô cùng quý hiếm về ĐBSCL: “Cả phía Hậu Giang hồi thế kỷ XIX là khu rừng tràm bao la. Quê ngoại tôi là những tên đất như Tràm Chẹt, Tràm Trốc, Tràm Cửu, dấu ấn của khu rừng tràm nguyên sinh” (trang 127). Từ khung cảnh bát ngát đó, nhà văn cô đọng bằng những hình ảnh đọc qua một lần nhớ mãi. Như chuyện bão lụt năm Thìn 1904, vùng Tràm Chẹt giáp rạch Cái Sắn, giữa sông Hậu và biển Tây, dân không còn gì để ăn, đành nhổ bông súng nấu với cá lóc. Năm ấy nước lụt tràn đồng, lệ xưa đàn bà khi sanh phải nằm lửa. Bấy giờ nền nhà phải kết một bè chuối, trên bè đặt cái bếp than, nổi lềnh bềnh, dùng dây buộc cái bè có bếp ấy vào bốn chân giường.

Thiên nhiên khắc nghiệt thời khẩn hoang lại ghi nhận sức sống mãnh liệt và cá tính của người khai phá. “Riêng phía đồng bằng và Sài Gòn, đặc biệt là Rạch Giá- Cà Mau, xứ khẩn hoang còn nóng hổi, tôi thấy người dân rất vui vẻ, sống theo cảm tính, tự nhiên chủ nghĩa. Có vậy mới đi khẩn hoang được. Người khẩn hoang mang theo ý chí lớn: Làm ăn, ngẫm lại sướng hơn làm quan” (119). Người đi khẩn hoang thường đơn độc, thiếu thốn, nên quây quần cùng nhau, ở chòm xóm lâu ngày thành thân thuộc. Tác giả giúp người đọc hình dung khung cảnh xưa ấy khi đi ngang con rạch Cần Thơ sát bên chợ Sa Đéc: “Bên đường nào vườn dừa, vườn cau, nước ngọt dầm thấm quanh năm xanh mướt. Hàng rào với cây tươi, trong sân sẵn cây cảnh, hòn giả sơn. Nước lớn tràn bờ; vẫn chiếc cầu thang kiểu nhiều bậc, thả xuống bãi ven bờ, tùy theo nước lớn ròng, người giặt áo, vo gạo ngồi ở bậc cao hay bậc thấp. Chiếc cầu khỉ dùng toàn vật tư bằng tre. Đất định hình, nhiều thế hệ liên tục sống quanh quẩn, nhà có rào nhưng không ngăn cách với xóm giềng. Nhìn khung cảnh, nhà cửa, là biết con người” (trang 52).

Và từ ký ức khẩn hoang, cố nhà văn có những so sánh để thấy những đổi thay do lao động của con người. Tiêu biểu là đoạn ông viết về vùng Cờ Đỏ, Thới Lai (TP Cần Thơ): “Đồn điền Cờ Đỏ, trước 1945 là “Vương quốc thực dân”. Nay con đường Thới Lai ghi trên bản đồ xưa đã xuống cấp, phải theo con đường mới tạo lập sau cách mạng. Quả là cánh đồng bát ngát, tận chân trời xa, rải rác trâu bò, người chài cá, đặt vó… Nửa thế kỷ trước, tôi được dịp đi ngang trụ sở của đồn điền lừng danh này, thấy cơ ngơi lâu đài quá to, đáng sợ. Bây giờ tuổi già, trở lại chốn xưa, tôi thấy cơ ngơi như nhỏ bé lại. Dân số đông, phố xá chen chúc, khu chợ không còn tấc đất… Chợ Cờ Đỏ nay là thị tứ quan trọng, năm sáu con kinh hội tụ về, nối qua rạch Giá, đến Vịnh Thái Lan hoặc lên tận Bảy Núi, biên giới Campuchia, hoặc đi Long Xuyên, đi Ô Môn, ra sông Hậu” (trang 55).

Những sáng tạo văn hóa của nông dân

Nhà văn Sơn Nam luôn khẳng định: Những lưu dân khai phá ĐBSCL vẫn giữ chí khí hào sảng của những người mang chí lớn: “Từ U Minh rồi theo kháng chiến chống Pháp, ngỡ mình am hiểu đất nước, nhưng khi lên Sài Gòn, quả thật tôi chỉ là người thô sơ. Về sau này, tôi mới khẳng định nông dân là kẻ sáng tạo văn hóa dân tộc với nhiều mặt tích cực, khó xóa bỏ” (trang 131).

Địa hình sông nước góp phần làm nên tính cách phóng khoáng, thuận tự nhiên của người miền Tây. Trong ảnh: Thương hồ bán tranh kiếng, đồ thờ trên ghe ngày cận Tết. Ảnh: DUY KHÔIĐịa hình sông nước góp phần làm nên tính cách phóng khoáng, thuận tự nhiên của người miền Tây. Trong ảnh: Thương hồ bán tranh kiếng, đồ thờ trên ghe ngày cận Tết. Ảnh: DUY KHÔI

Những câu chuyện về tính cách con người được nhà văn kể đan xen cùng chuyện sản vật ĐBSCL. Như buổi ấy, cá lóc quá nhiều, người tát đìa rộng cá trong mương, đìa nhỏ; nhân công và chủ đìa tha hồ ăn uống, trước khi về nhà họ không quên lượm mười con cá lóc to để dưới xuồng, dọc đường cứ bắt vài con bẻ cổ cho ngất ngư rồi ném lên sàn nhà người bạn nào đó, ném càng xa càng tốt, vào tận nhà. Cá tánh miền Nam hiện lên sinh động qua chuyện: Mẹ ông điền chủ nọ vừa mất, ông ta nghĩ người dân, tá điền sẽ tự động tới đám ma, bởi “Có rượu có thịt thì họ tới”. Câu nói ấy chạm tự ái người dân, họ không thèm đến khiêng quan tài. Điền chủ nọ đành mang khay trầu rượu đến từng nhà xin lỗi.

Người ĐBSCL qua bao đời vẫn giữ những giá trị văn hóa qua những sinh hoạt rất đời thường và được những người am hiểu như Nhà Nam bộ học Sơn Nam phát hiện, trân quý. Đó là khi ông cùng đoàn làm phim “Người tình” đến Nhà cổ Bình Thủy. Ông tả: “Trên bàn thờ giữa: Cây đèn trứng vịt, nhỏ bé với đốm lửa to có hột đậu. Tuy có đèn điện, nhưng chủ nhà vẫn giữ tập tục không riêng gì của người Á đông. Gặp đoàn làm phim, chủ nhà làm động tác hồn nhiên là đưa tay vặn đèn cho ngọn lửa lên cao một tí, như âm thầm báo cáo với người quá cố rằng đang có khách đến viếng. Nay vẫn còn lệ ngày giỗ, ngày Tết, khi thắp nhang phải nhờ vào ngọn lửa ấy” (trang 40). Hay chuyện xe đoàn làm phim sụp ổ gà trên con đường phía Chương Thiện, họ lấy trấu của nhà bên vệ đường đổ xuống để làm nền xe qua. Sau đó đền bù, nhưng chủ nhà không lấy: “Tôi trao số tiền khá to, anh chủ nhà trố mắt, lắc đầu. Đó là trấu, không phải lúa, để dành chụm bếp, nhưng ở xứ này, nhánh cây đủ chụm rồi, tôi giúp người nước ngoài, năm du lịch mà” (trang  53).

Tính cách phóng khoáng, hồn nhiên, rộng mở của người ĐBSCL tạo nên những cộng đồng đa văn hóa, các dân tộc sống hòa hợp. Ở Sóc Trăng cũng như Trà Vinh, nhiều vùng mà đồng bào các dân tộc sống chung, kết giao với nhau. “Trong xóm ra chợ làng, dịp dự lễ hội, họ dùng không phân biệt, xen vào nhau các thứ tiếng, rất hữu cơ và hồn nhiên. Chồng hỏi vợ “Chiều nay xi xà-ây?” (Chiều nay ăn cơm với món gì?). Vợ đáp: “Xi pon tia chien xá bấu” (xi, tiếng Khmer là ăn; xà-ây là cái gì, món gì; pon tia là trứng vịt; xá pấu tiếng Triều Châu là củ cải muối)” (trang 165).

Từ đó ông đúc kết: “Tôi cho rằng nước Việt giống như ngôi nhà nhỏ, mấy cây cột tuy thô sơ nhưng là gỗ quý, bền chắc, cắm sâu trong lòng đất, nóc nhà tạm che nắng che mưa, bốn phía không vách, vì vậy không bọc gió, những trận cuồng phong chui vào bên này rồi lọt qua bên kia, không gì cản trở. Vì vậy ngôi nhà mở rộng ấy mãi đứng vững” (trang 229).

Xuân Viên

Chia sẻ bài viết