29/08/2017 - 20:22

Dạy nghề cho người nghèo 

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ, một trong những hoạt động trợ giúp người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn (gọi chung là người nghèo) thoát nghèo hiệu quả là dạy nghề gắn với giải quyết việc làm (GQVL). Thời gian qua, các quận, huyện vận dụng linh hoạt lồng ghép dạy nghề cho người nghèo theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” (gọi tắt là Đề án ĐTN).

Niềm vui học nghề, có việc làm

Gần tháng nay, mỗi sáng, chị Nguyễn Thị Gấm, hộ nghèo ở khu vực Trường Trung, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, tranh thủ thu xếp việc nhà, nhờ chồng và người thân chăm sóc các con, rồi quầy quả đến lớp học nghề may công nghiệp. Bị khuyết tật chân từ nhỏ, chị Gấm đi lại khó khăn, khó tìm việc làm. Cuộc sống gia đình 5 miệng ăn chủ yếu nhờ thu nhập do chồng làm mướn và tiền bảo trợ xã hội hằng tháng của chị nên luôn thiếu trước hụt sau, chưa kể lúc các con đau ốm, phải vay mượn. Chị Gấm cho biết: “Năm nay, phường tổ chức lớp nghề tại khu vực, gần nhà nên tôi có điều kiện học may. Tôi cố gắng học đầy đủ, thạo nghề, để Hội Phụ nữ giới thiệu nhận hàng may gia công, có thu nhập phụ giúp chồng chăm lo các con học hành”.   

Các địa phương tổ chức dạy nghề đan dây nhựa, thu hút người nghèo tham gia học nghề để có việc làm, tăng thu nhập. Ảnh: Anh Phương

Dạo này, cô Nguyễn Thị Tám, hộ có hoàn cảnh khó khăn, khu vực 5, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, bận rộn làm việc tại tổ gia công đan ghế nhựa. Cô Tám sống đơn thân, hằng ngày, làm cỏ, giặt đồ mướn, giúp việc nhà theo giờ kiếm sống nhưng công việc không thường xuyên. Được học nghề đan dây nhựa và nhận nguyên liệu gia công bàn ghế, cô Tám phấn khởi nói: “Tôi học nghề khoảng 2 tuần và đan được sản phẩm. Mỗi ngày, tôi đan bình quân 2 cái ghế, thu nhập 28.000 đồng, gói ghém đủ trang trải chi tiêu. Tôi và chị em mong muốn nguồn hàng dồi dào, liên tục để có việc làm, thu nhập lâu dài”.  

 Từ năm 2016 đến nay, quận Ô Môn vận động khoảng 30 người nghèo theo học các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Các lớp nghề tổ chức tại phường, khu vực, tạo thuận tiện để người nghèo theo học. Đồng thời, quận nỗ lực duy trì và nhân rộng các mô hình dạy nghề gắn với GQVL thu hút người nghèo tham gia để có thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.

Quá trình triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp giảm nghèo, huyện Thới Lai quan tâm khảo sát, vận động người nghèo theo học các nghề phù hợp điều kiện, nguyện vọng để có việc làm, thu nhập sau đào tạo như: may gia dụng, may công nghiệp, đan giỏ hoa kiểng, đan dây nhựa… Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Thới Lai, từ năm 2016 đến nay, huyện lồng ghép dạy nghề trên 100 người nghèo. Qua khảo sát, sau khi học nghề, hầu hết người nghèo tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác, thu nhập bình quân từ 1 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng.

 Chú trọng tuyên truyền, vận động

 Từ năm 2016 đến nay, thành phố lồng ghép Đề án ĐTN để dạy nghề cho trên 620 người nghèo. Các địa phương làm tốt quy trình, từ khảo sát chính xác nhu cầu học nghề, tư vấn học nghề phù hợp đến chọn địa điểm thuận tiện mở lớp và GQVL hiệu quả. Vận dụng linh hoạt Đề án ĐTN, ngành, đoàn thể chức năng các địa phương chú trọng tuyên truyền mục tiêu Đề án ĐTN, ưu tiên vận động lao động nghèo đăng ký học nghề theo nhu cầu, nguyện vọng cũng như chủ động liên kết để GQVL cho người nghèo.

Theo lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH của các địa phương, do thấy được hiệu quả thiết thực về việc làm, thu nhập sau khi học nghề, thời gian gần đây, người nghèo đăng ký học nghề nhiều hơn. Chính quyền đoàn thể địa phương nỗ lực nghiên cứu, tìm giải pháp dạy nghề phù hợp để đạt hiệu quả GQVL, góp phần giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, còn một bộ phận người nghèo là lao động chính không có tư liệu sản xuất, nghề nghiệp ổn định, trình độ học vấn hạn chế, chủ yếu làm mướn kiếm sống nên ít chịu tập trung học nghề dài ngày; giá gia công sản phẩm thấp nên chưa thật sự thu hút lao động. Từ thực tế trên, từ nay đến cuối năm, các quận, huyện nỗ lực vận động lồng ghép dạy nghề khoảng 180 người nghèo; kết hợp chặt chẽ, đồng bộ dạy nghề, GQVL với giảm nghèo; tích cực vận động con em hộ nghèo chưa có việc làm ổn định tham gia học nghề và GQVL tại địa phương.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thành phố nhận định, quá trình lồng ghép dạy nghề cho người nghèo, phổ biến nhiều nghề mới, thu nhập ổn định như: trồng nấm, cây có múi; nuôi gia súc, gia cầm; gò, hàn, may công nghiệp, may giày da, đan dây nhựa…, thu hút người nghèo chọn học để có việc làm. Bên cạnh chú trọng vận động người nghèo học nghề, các địa phương quan tâm dạy nghề gắn với GQVL, thị trường lao động, phát triển hình thức ĐTN theo địa chỉ, yêu cầu doanh nghiệp. Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH thành phố tăng cường khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề, việc làm của lao động, nhất là người nghèo để có kế hoạch dạy nghề gắn với GQVL hiệu quả, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Anh Phương

Chia sẻ bài viết