05/10/2010 - 21:02

Dạy nghề cho người nghèo

Trang bị nghề phổ thông, ổn định việc làm và thu nhập

Theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, một trong nhiều chính sách trợ giúp được đánh giá mang lại hiệu quả thiết thực và bền vững, tạo việc làm và thu nhập, giúp người nghèo từng bước cải thiện mức sống gia đình là dạy nghề cho người nghèo. Muốn làm được điều đó, chính quyền đoàn thể các cấp phải thật sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các lớp nghề và tích cực tìm giải pháp tạo việc làm tại chỗ cho người nghèo...

* Dạy nghề phù hợp

Trời xế trưa, chúng tôi đến thăm lớp dạy nghề may gia dụng ở xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ. Thời tiết khá nóng, chị em vẫn tập trung học nghề rất nghiêm túc. Mới học được hơn 2 tháng nhưng đa số chị em đã nắm vững lý thuyết và thực hành các bước cắt, ráp quần áo khá thạo, với sự giúp đỡ nhiệt tình của cô giáo. Chị Nguyễn Lệ Hà, ở ấp Thới Xuyên, xã Thới Đông, vui vẻ nói: “Lâu nay, chi tiêu trong nhà đều dựa vào thu nhập từ nghề chạy hon đa ôm của chồng tui khoảng 50.000 đồng/ngày, nên thường thiếu trước hụt sau. Mấy tháng trước, tui có sắm xe bán nước mía nhưng bán ế quá nên tạm nghỉ. Được đi học nghề này tui rất mừng, hy vọng có thể nhận được hàng may gia công, có đồng ra đồng vào”.

 Giờ thực hành của học viên lớp dạy nghề may gia dụng miễn phí cho phụ nữ nghèo ở xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ.                              

Được sự hỗ trợ của ngành chức năng thành phố, từ đầu năm đến nay, huyện Cờ Đỏ đã mở 12 lớp dạy nghề cho khoảng 240 người nghèo các xã vùng sâu, có tỷ lệ hộ nghèo cao và có nhu cầu học nghề, tạo việc làm, như: Thới Đông, Thới Xuân, Đông Hiệp, Thới Hưng.... Sau khi khảo sát nhu cầu học nghề của người nghèo, huyện chọn mở các lớp dạy nghề đan đát, may gia dụng... phù hợp với trình độ học vấn và điều kiện gia đình của đa số người nghèo. Ông Phan Văn Hinh, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Cờ Đỏ, cho rằng: “Khó nhất là việc chiêu sinh học viên học nghề. Đa số người nghèo phải đi làm mướn kiếm sống từng ngày nên ít chịu dành thời gian để học nghề ròng rã nhiều tháng liền, trong khi chưa biết có thu nhập từ nghề đã học hay không”.

Trở lại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai lần này, chúng tôi nhận được tin vui: Trên 50 người nghèo học nghề đan đát và may gia dụng miễn phí năm 2009 đang có việc làm, thu nhập khá ổn định. Phát huy thế mạnh đó, năm nay, xã tiếp tục mở 2 lớp dạy nghề đan đát và 1 lớp may gia dụng cho 60 phụ nữ nghèo, đa số ở khu dân cư vượt lũ và các ấp lân cận, được giáo viên của Hợp tác xã (HTX) Phú Thọ, chuyên gia công sản phẩm đan đát, may, thêu, hướng dẫn. Em Võ Thị Trúc Linh, hộ nghèo ở ấp Phú Thọ, theo học nghề may gia dụng, cho biết: “Do gia cảnh khó khăn, cha mẹ làm mướn kiếm sống, không có tiền nên em phải nghỉ học khi vừa xong lớp 7 để chăm lo việc nhà. Em rất mừng vì được các cô, chú ở xã cho học nghề may. Em cố gắng học rành nghề để nhận hàng may gia công, có thu nhập phụ giúp cha mẹ đỡ cực nhọc, vất vả”.

Theo kế hoạch, năm 2010, cùng với các chính sách trợ giúp người nghèo, như: xây nhà đại đoàn kết, cho vay vốn, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí... chính sách trợ giúp học nghề cũng bắt đầu khởi động. Với kinh phí 1,4 tỉ đồng, sẽ có gần 600 lao động thuộc hộ nghèo ở các quận, huyện được tham gia học miễn phí các nghề: May gia dụng, đan đát, uốn tóc, nấu ăn, làm móng tay, xây dựng, sửa xe hon đa, điện gia dụng... Thời gian học nghề từ 1-4 tháng (tùy theo tính chất từng nghề mà quy định thời gian phù hợp), theo hình thức tập trung hoặc chia nhóm, giúp người nghèo thạo nghề và có việc làm, thu nhập từ nghề được học. Trong thời gian học nghề, mỗi người được hỗ trợ 15.000 đồng/ngày và đảm bảo được giải quyết việc làm sau khi học nghề.

* Chủ động liên kết để giải quyết việc làm

Trong quý I-2010, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ đã triển khai kế hoạch mở lớp dạy nghề cho người nghèo. Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền vận động chưa được chính quyền đoàn thể các cấp tập trung đúng mức nên đến hết quý II-2010 các quận, huyện chưa thực hiện được. Sau khi chấn chỉnh công tác, trong quý III-2010, thành phố cơ bản hoàn thành kế hoạch mở 28 lớp dạy nghề. Như vậy, trong 2 năm 2009-2010, thành phố đã mở khoảng 50 lớp dạy nghề miễn phí cho gần 1.200 người nghèo, ưu tiên cho các xã vùng sâu, có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Thời gian qua, việc mở lớp dạy nghề cho người nghèo ở các quận, huyện gặp khó khăn. Trên thực tế hiện nay, lớp dạy nghề cho người nghèo tập trung nhiều ở tuyến huyện, các quận không chiêu sinh được học viên. Huyện Cờ Đỏ và huyện Thới Lai đã mở 16 lớp dạy nghề cho người nghèo năm 2010. Theo ông Huỳnh Ngọc Hùng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, do tỷ lệ hộ nghèo ở các quận thấp, người nghèo ở đây dễ tìm được việc làm phổ thông với thu nhập khá ổn định nên ít chịu học nghề. Qua kết quả khảo sát, người nghèo ở các quận có nhu cầu học các nghề: Sửa chữa điện thoại di động, lái xe ô tô... trong khi danh mục dạy nghề cho người nghèo chưa đáp ứng được. Thời gian tới, ngành chức năng, đơn vị đào tạo và người học nghề phải kết hợp để thỏa thuận về học phí, thời gian và chương trình học nghề...

Đánh giá về hiệu quả của Chương trình dạy nghề cho người nghèo, bà Võ Thị Thanh Nga, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, cho biết: “Tuy chưa thực hiện được chủ trương chung là phải dạy nghề theo hình thức học nhóm, hợp đồng đưa người nghèo vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh để học nghề và có việc làm, nhưng nhìn chung chương trình dạy nghề cho người nghèo của thành phố đã đạt được hiệu quả nhất định về trang bị tay nghề cơ bản cho người nghèo, từng bước tạo việc làm, tăng thu nhập gia đình. Trong đó, nghề đan đát và may gia dụng đã giúp người nghèo có thu nhập thường xuyên”.

Thực tế cho thấy, những địa phương thật sự quan tâm đến việc trang bị, tay nghề, việc làm cho người nghèo đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người nghèo học nghề; triển khai nhanh và quản lý khá tốt các lớp dạy nghề. Bên cạnh đó, những vướng mắc về giá cả gia công sản phẩm đã được thỏa thuận khá hợp lý, hài hòa quyền lợi đôi bên. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác dạy nghề cho người nghèo chưa được sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ngành, đoàn thể chức năng các cấp nên hiệu quả giải quyết việc làm chưa cao.

Thời gian tới, khi thành phố áp dụng chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo tăng cao, ngành chức năng sẽ tranh thủ và vận dụng các chính sách, dự án, chương trình dạy nghề do Chính phủ đầu tư, đồng thời nghiên cứu các giải pháp dạy nghề, tạo việc làm hiệu quả cho người nghèo. Trong đó, lồng ghép và kết hợp linh hoạt với Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và sẽ đồng loạt triển khai thực hiện trong cả nước từ năm 2011.

Tuy còn nhiều khó khăn về ngành nghề đào tạo phù hợp và ổn định việc tiêu thụ sản phẩm, nhưng công tác dạy nghề cho người nghèo đã phần nào giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập cho đối tượng này ở từng địa phương, góp phần hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo hàng năm. Điều cốt lõi là, qua tuyên truyền vận động, chính quyền đoàn thể các địa phương đã, đang và sẽ tiếp tục làm chuyển biến nhận thức của người nghèo về tầm quan trọng của việc học một nghề cơ bản, có việc làm ổn định, rèn tác phong lao động để từng bước tiếp cận và thích ứng với sự phát triển không ngừng của thành phố công nghiệp trong tương lai.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết