04/05/2010 - 20:44

Tạo việc làm bền vững, đáp ứng nguồn cung lao động

Mô hình vay vốn làm ăn hiệu quả, thu hút nhiều lao động tại chỗ có việc làm, thêm thu nhập ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai.

Có thể nói, thời gian qua, nhờ tăng cường các hoạt động thiết thực, như dạy nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động; hỗ trợ vốn tạo việc làm tại chỗ... TP Cần Thơ đã chủ động tổ chức và duy trì khá tốt các hoạt động giải quyết việc làm (GQVL). Qua đó, góp phần giúp người lao động có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, từng bước hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

* Đa dạng cách làm

Chúng tôi trở lại cơ sở gia công mặt hàng chuôi cắm điện, nhang điện ở khu vực Phú Mỹ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng vào buổi trưa tháng 4. Trong gian nhà nhỏ của chị Đường Thị Hồng Cúc, chủ cơ sở gia công, dù cơn nắng nóng mùa hè khá oi bức nhưng một số phụ nữ và các em nhỏ vẫn xúm xít lao động và trò chuyện vui vẻ. Trên sàn nhà bày rất nhiều nguyên vật liệu làm sản phẩm, như: chuôi đèn đủ màu sắc, dây đồng, ống nhựa... Chị Hồng Cúc nói: “ Tôi làm nghề này hơn 1 năm nay, giao hàng 2 tuần/lần cho chợ đầu mối ở các tỉnh Sóc Trăng, An Giang và Hậu Giang. Nguyên liệu và đơn hàng có thường xuyên, không lo ế hàng, dội chợ. Riêng những dịp Tết Nguyên đán, Tết của đồng bào Khmer bán rất chạy, hàng làm không đủ giao”.

Cơ sở gia công lưỡi câu ở khu vực 3, phường Ba Láng của ông Nguyễn Thanh Sơn hoạt động khoảng 1 năm nay, thu hút khá nhiều lao động đủ độ tuổi, với mức thu nhập từ 2 triệu đồng/người/tháng. Đó là một số mô hình GQVL tại chỗ cho lao động ở các phường của quận Cái Răng được duy trì trong thời gian qua. Từ đầu năm đến nay, quận Cái Răng GQVL cho 790 lao động; quận Bình Thủy: 1.629 lao động; quận Ô Môn: 1.024 lao động; huyện Cờ Đỏ: 490 lao động...

Một trong những hoạt động giúp các doanh nghiệp ổn định lực lượng công nhân và kế hoạch sản xuất, kinh doanh là tăng cường tuyển dụng lao động từ nhiều nguồn, như: Rao tuyển tại công ty, ủy thác qua các Trung tâm GTVL, trực tiếp liên kết dạy nghề và tiếp nhận lao động nông thôn với UBND các xã, phường, thị trấn. Để thu hút được nguồn lao động, các doanh nghiệp ngành may mặc, chế biến thủy sản, thực phẩm thực hiện nhiều chính sách, chế độ ưu đãi, trong đó chú trọng nâng cao thu nhập cho công nhân từ các nguồn tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi. Tuy nhiên, do người lao động còn ngán ngại vào làm việc trong doanh nghiệp, nghiêm chỉnh về giờ giấc, tăng ca, chấp hành nội quy, kỷ luật lao động, tác phong làm việc công nghiệp, nề nếp sinh hoạt tập thể... nên ít chịu làm việc ở các doanh nghiệp.

Trong Tuần lễ việc làm Thanh niên, do Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) Thanh niên TP Cần Thơ tổ chức vào tháng 3 vừa qua, cơ bản đạt yêu cầu kế hoạch đề ra. Với trên 480 lao động được tuyển dụng trực tiếp, trong đó trên 30 lao động được tiếp nhận, ký hợp đồng lao động tại chỗ. Hầu hết các doanh nghiệp tham gia đều hài lòng và tán thành hình thức tổ chức phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp này. Doanh nghiệp và người lao động có không gian và thời gian thuận lợi để trao đổi, không bị chi phối, mất tập trung nên chất lượng tuyển dụng có nâng lên. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã giới thiệu cho gần 1.100 lao động có việc làm trong tổng số trên 8.000 lượt lao động đến tư vấn, tìm việc.

* Để đáp ứng nguồn cung lao động

Các ngành, đơn vị chức năng từ thành phố đến quận, huyện đều xác định GQVL là một trong những công tác trọng tâm trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài những hoạt động thường xuyên như: dạy nghề, cho vay vốn, giới thiệu việc làm... đến nay, thành phố tiếp tục duy trì các hoạt động, như: sàn giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng, Tuần lễ việc làm Thanh niên, ký kết hợp đồng dạy nghề và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp... Qua đó, giúp trên 13.400 lao động có việc làm, đạt gần 28% kế hoạch năm 2010.

Có thể nói, các địa phương rất quan tâm tạo điều kiện GQVL cho người lao động, chủ động tìm và tạo ra các biện pháp giúp người lao động có việc làm, như: tăng cường dạy nghề, hỗ trợ vốn vay để giúp người lao động tạo việc làm tại chỗ, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn để giới thiệu việc làm cho người lao động. Còn tại các trung tâm GTVL và các doanh nghiệp, do nhu cầu tuyển dụng và cung ứng lao động nên hoạt động tuyển dụng, GTVL diễn ra thường xuyên. Thông qua các hoạt động GQVL, người lao động đã tiếp cận, làm quen dần với các hình thức, tiêu chuẩn tuyển dụng phổ biến của nhà tuyển dụng. Từ đó, người lao động định hướng việc làm và tự khắc phục những hạn chế của bản thân để phù hợp với yêu cầu tuyển dụng hiện nay. Muốn có việc làm tốt, người lao động phải thể hiện được khả năng làm việc, chịu áp lực và gắn bó lâu dài với công việc.

Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu tuyển dụng người “làm được việc” của các doanh nghiệp khá cao, đòi hỏi nhiều kỹ năng mềm ở ứng viên, nhưng ít người đáp ứng được. Do nhu cầu quan hệ đối tác trong cung ứng lao động, các Trung tâm cố gắng sơ tuyển và giới thiệu đến doanh nghiệp mặc dù phần lớn ứng viên chưa đạt tiêu chuẩn sơ tuyển. Đa số lao động vẫn còn thói quen kén việc, chọn việc do xem trọng bằng cấp.

Theo thống kê, mỗi năm thành phố có hàng chục ngàn lao động tìm được việc làm nhưng lại chưa có con số cụ thể từ khảo sát tình hình lao động nghỉ việc, bỏ việc, nhảy việc... để có cơ sở tìm ra nguyên nhân, đánh giá chất lượng lao động cũng như thực chất hiệu quả GQVL. Chẳng hạn lực lượng lao động phổ thông trong xí nghiệp, công xưởng thường xuyên biến động, các doanh nghiệp tuyển dụng hàng loạt nhưng vẫn không đủ số lượng. Trong khi khá nhiều lao động tự do làm nhiều nghề, thu nhập không ổn định vẫn chưa có thống kê chính xác để có thể dự báo nhu cầu nguồn lao động và có cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn lao động sát nhu cầu thực tế.

Theo lãnh đạo các Trung tâm GTVL, cần đánh giá thực chất công tác GQVL trên cơ sở chất lượng nguồn lao động, không thể chỉ dựa trên số lượng. Chất lượng lao động chỉ có được khi người lao động xác định được mục tiêu nghề nghiệp, biết linh động vận dụng kiến thức đã học vào công việc, luôn cầu tiến, làm việc có trách nhiệm. Trước tiên, người lao động cần trang bị sự nhanh nhạy, tự tin và mạnh dạn nhận việc để trải nghiệm, đừng quá chú trọng vấn đề tiền lương, ưu đãi. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần có cách quản lý và sử dụng lao động chuyên nghiệp hơn, thực hiện đúng các chế độ, chính sách, tạo môi trường làm việc thông thoáng cũng như điều kiện được học tập, thăng tiến để người lao động phát huy và vận dụng năng lực chuyên môn vào công việc.

Năm 2010, thời điểm quan trọng để ngành chức năng TP Cần Thơ đánh giá những thuận lợi và khó khăn của nhiều mặt công tác, trong đó có công tác GQVL, góp phần giải quyết các vấn đề về thất nghiệp, giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho thành phố và là cơ sở hoạch định kế hoạch mới cùng những giải pháp thực hiện mang tính khả thi và đạt hiệu quả cao. Trong đó, cần tập trung triển khai có hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, dạy nghề cho người nghèo, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ vốn GQVL sau học nghề; đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm; điều tra nguồn lao động trong độ tuổi ở quận, huyện cũng như khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp... Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động đồng hành với số lượng GQVL hàng năm, đáp ứng yêu cầu của thành phố Cần Thơ trên đà phát triển ngang tầm với các thành phố khác trong cả nước.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết