13/03/2017 - 20:34

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng, mở ra nhiều cơ hội lẫn thách thức trên nhiều lĩnh vực. Trong đó nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh khi tham gia chuỗi thị trường toàn cầu. Song, các chuyên gia cho rằng, để phát triển bền vững, giữ vững vị trí sân nhà và xuất khẩu, cần đầu tư cho khoa học nông nghiệp.

Hướng đến phát triển bền vững

Những năm gần đây, các doanh nghiệp, nông dân ĐBSCL đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng nông sản. 

Nhiều năm qua, nông nghiệp đã trở thành một ngành kinh tế chủ lực với tốc độ tăng trưởng ổn định từ 3-4%/năm; giá trị xuất khẩu toàn ngành trên 30 tỉ USD/năm và chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, tạo nhiều việc làm, thu hút đầu tư và nâng cao đời sống người nông dân, thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao…

ĐBSCL không những là vựa lúa gạo lớn, đóng góp trên 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước. Nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cho ra đời nhiều sản phẩm, thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất và phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL… Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, cho rằng: "Nhiều loại nông sản chất lượng tốt như: lúa gạo, thủy sản, trái cây đã trở thành hàng hóa có giá trị và xây dựng được thương hiệu, ngày càng khẳng định vị trí trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả; đồng thời tích cực đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, tạo ra nhiều loại giống cây trồng và vật nuôi đạt năng suất và chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường và phục vụ cho xuất khẩu". Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học, chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa đồng đều, thị trường không ổn định nên nhiều mặt hàng nông sản vẫn còn bấp bênh về đầu ra làm cho hoạt động sản xuất và đời sống người dân nông thôn còn gặp khó khăn. Chính vì vậy, để nông nghiệp ĐBSCL phát triển cần sự tập trung quan tâm sâu sắc của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, cùng các doanh nghiệp.

Ngoài ứng dụng khoa học- công nghệ, cần phát huy vai trò chủ thể, liên kết hợp tác trong việc tạo ra cơ chế chính sách thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng để tạo ra sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, giải bài toán về thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong hội nhập.

Nâng cao giá trị nông sản

Vừa qua, trong khuôn khổ hoạt động của Triển lãm "Festival quốc tế nông nghiệp vùng ĐBSCL" (do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì), tại TP Cần Thơ, các nhà khoa học, nhà quản lý đã chia sẻ những giải pháp và thành quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp cho vùng ĐBSCL tại hội thảo "Ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng trong sản xuất nông nghiệp". Đồng thời đề xuất một số biện pháp sản xuất cây ăn trái bền vững ở ĐBSCL, định hướng ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp sạch, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh hiệu quả… Theo ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh, công ty đã nghiên cứu và cho ra đời quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn ít thay nước. Quy trình này giảm rủi ro tôm chết, sản lượng tăng (đạt khoảng 100-120 tấn/ha so với quy trình cũ là 30-40 tấn/ha). Quy trình này không sử dụng kháng sinh hay hóa chất, hiệu quả cao, an toàn về sức khỏe, an toàn về môi trường và có thể nhân rộng.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, kết quả thực hiện một số giải pháp khoa học và công nghệ trong nông nghiệp của Cần Thơ trong thời gian qua đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Đó là nghiên cứu chọn lọc, lai tạo và phục tráng một số giống lúa chất lượng cao mang thương hiệu Cần Thơ, phục vụ sản xuất lúa hàng hóa (Jasmine 85, OM 4218, OM 2517, OM 5451, OM 6076, OM 4900, IR 64…); ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất; ứng dụng công nghệ sinh thái quản lý dịch hại trong sản xuất lúa. Ngoài ra, xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng GAP: có 63ha lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP và 100ha lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP, 312ha vùng rau an toàn. Phát triển sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao: mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp… Hướng tới, TP Cần Thơ tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông, lâm, thủy sản theo hướng chất lượng cao và bền vững, tăng cường sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa.

Ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: "Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế mang lại nhiều cơ hội cho hàng nông sản Việt Nam. Nhưng những khó khăn, thách thức về rào cản kỹ thuật thương mại, các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, thông lệ quốc tế sẽ tạo áp lực cạnh tranh lớn cho hàng nông sản. Do đó, cần đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững". Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt được nhiều kết quả thiết thực, nhất là trong các ngành hàng thuộc Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh như: lúa gạo (mô hình sản xuất và ứng chế phẩm sinh học nấm xanh Ometar trong phòng trừ rầy nâu, mô hình giảm giá thành trong sản xuất lúa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa hữu cơ…), cây ăn trái (các mô hình sản xuất theo VietGAP, Global GAP…), hoa kiểng, thủy sản.

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, diện tích trồng cây ăn trái ở ĐBSCL hiện nay trên 300.000ha, chiếm khoảng 50% diện tích và khoảng 70% sản lượng trái cây của cả nước, đã cho thấy tầm quan trọng của ngành trồng cây ăn trái nhiệt đới của khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện nay đất trồng cây ăn trái ở ĐBSCL đang bị suy thoái về chất hữu cơ, bị chua hóa, bị bạc màu đất… Nguyên nhân làm đất trồng cây ăn trái bị chua do bón nhiều phân urê, kali và bị phèn; đất chua nghèo chất dinh dưỡng cần rửa chua phèn, bón vôi… Cần có biện pháp ngăn chặn, nếu không vùng trồng cây ăn trái sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới. Trái cây nhiệt đới là mặt hàng có tiềm năng lớn xuất khẩu trong tương lai. Do đó, các nhà khoa học khuyến cáo các địa phương vùng ĐBSCL đẩy mạnh nghiên cứu giống cây trồng cho năng suất cao, chất lượng tốt, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học và liên kết sản xuất để tạo ra vùng nguyên liệu lớn, nâng cao chuỗi giá trị. 

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết