23/08/2015 - 16:16

Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL

Đẩy mạnh liên kết để cùng phát triển

Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) ĐBSCL, gồm: TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau được thành lập theo Quyết định 492/QĐ- TTg Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 16-4-2009 (QĐ 492). Giai đoạn 2011-2015, kinh tế - xã hội của vùng đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà và là động lực cho giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng của một vùng kinh tế có nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên và con người để trở thành trung tâm kinh tế của vùng ĐBSCL, nhằm tạo sức lan tỏa, thúc đẩy các địa phương trong vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững.

Phát triển tích cực

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, thời gian qua các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các tỉnh, thành trong vùng KTTĐ vùng ĐBSCL đã phối hợp, triển khai nhiều giải pháp thực hiện QĐ492; tập trung đề xuất Trung ương ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, đào tạo nguồn nhân lực… Qua đó, kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL tiếp tục phát triển theo hướng tích cực.

Chế biến xuất khẩu thủy sản ở Khu Công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ.

Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng (GDP) bình quân của vùng KTTĐ ĐBSCL khoảng 11%/năm; năm 2015 thu nhập bình quân đầu người ước đạt khoảng 2.470 USD/người/năm (tương đương 51,03 triệu đồng/người/năm)... Ước giai đoạn 2011-2015, tổng sản lượng lúa của vùng đạt trên 51 triệu tấn, thủy hải sản đạt 7,7 triệu tấn. Công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ của vùng phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 của 2 khu vực này khoảng 9,55%/năm và 12,82%/năm. Hạ tầng giao thông có bước phát triển, tạo kết nối giữa các địa phương vùng KTTĐ với các địa phương khác trong vùng. Một số công trình giao thông quan trọng được ưu tiên đầu tư nâng cấp và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng; nhiều khu đô thị, tái định cư mới được các địa phương đầu tư xây dựng, cùng với việc cải tạo nâng cấp một số công trình lớn trên địa bàn các địa phương trong vùng, đặc biệt vùng KTTĐ được đầu tư xây dựng... tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội trong vùng được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và thấp hơn so với bình quân chung của cả vùng. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo vùng KTTĐ khoảng 8,06%, đến cuối năm 2015 còn 2,62%...

Chưa đủ sức làm "trọng điểm"

QĐ 492 xác định: Vùng KTTĐ ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn trái, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông sản, thủy sản cả nước; là trung tâm năng lượng, dịch vụ - du lịch lớn của cả nước; là cầu nối trong hội nhập kinh tế khu vực và giữ vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh của đất nước. Ngoài ra, vùng KTTĐ ĐBSCL còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của vùng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phong Quang, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhận định: "Dù đạt được kết quả khá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vùng KTTĐ ĐBSCL còn tồn tại những mặt hạn chế ảnh hưởng phát triển kinh tế chung. Điều này khiến kết quả chung chưa thật sự thuyết phục, chưa tương xứng với tiềm năng để trở thành trung tâm kinh tế vùng, nhằm tạo sức lan tỏa, thúc đẩy các địa phương trong vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững".

Những tồn tại, yếu kém của vùng được nhiều đại biểu thẳng thắn đưa ra thảo luận tại Hội thảo "Phát triển kinh tế- xã hội vùng KTTĐ ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030" vừa diễn ra ở TP Cần Thơ. Đó là: Kết cấu và quy mô kinh tế của vùng còn nhỏ, thiếu tính bền vững; chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; chưa xác định rõ sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp mũi nhọn để đầu tư đúng mức; xây dựng nông nghiệp công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa còn nhiều khó khăn, chưa gắn kết được chuỗi giá trị cho nông sản. Môi trường và cơ chế chính sách đầu tư chưa thực sự hấp dẫn để thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài. Công tác quản lý và thực hiện quy hoạch có mặt chưa tốt; kết cấu hạ tầng trên một lĩnh vực thiếu đồng bộ, dịch vụ, du lịch chậm phát triển; cơ sở vật chất về y tế còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực thấp; công tác nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đâu là nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên? Ông Nguyễn Phong Quang, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng: ĐBSCL nói chung, vùng KTTĐ nói riêng có điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông còn nhiều yếu kém; kinh tế của vùng phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản. Ngoài ra, việc xác định vị trí, vai trò của vùng KTTĐ trong một bộ phận cán bộ chưa đầy đủ; công tác quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và các ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương nhằm phát huy được vai trò trọng điểm sản xuất hàng hóa nông thủy sản, trung tâm dịch vụ, du lịch của cả nước, là cầu nối trong hội nhập kinh tế khu vực, trong đó TP Cần Thơ đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng chưa được quan tâm đúng mức. Công tác dự báo tình hình, xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa sát với thực tế; việc rà soát, bổ sung quy hoạch còn chậm, tính liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chủ lực chưa cao.

Liên kết cùng phát triển

Ngày 12-2-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 245/QĐ-TTg Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng KTTĐ ĐBSCL đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát: "Xây dựng vùng này trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, có đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế đất nước, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cả vùng ĐBSCL giàu mạnh, tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; bảo đảm ổn định chính trị và an ninh, quốc phòng vững chắc".

Để phát triển đúng định hướng, đồng thời khắc phục những tồn tại, nhiều ý kiến cho rằng: Cần thúc đẩy liên kết phát triển giữa các tỉnh, thành trong vùng KTTĐ và giữa vùng KTTĐ với các tỉnh khác trong vùng và trong cả nước trên các lĩnh vực. Phối hợp trong quy hoạch đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung; các công trình xử lý rác thải, hệ thống thủy lợi, khai thác, sử dụng và bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên cho toàn vùng… Trong tái cơ cấu nông nghiệp, cần phối hợp trong quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. "Mối liên kết giữa các địa phương, có thể chia làm 2 loại: Liên kết tự nguyện và liên kết bắt buộc. Liên kết tự nguyện là ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng ĐBSCL đã và đang thực hiện. Liên kết bắt buộc là ký kết hợp tác giữa các địa phương lân cận, có lợi thế giống nhau để phát huy thế mạnh, nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình phát triển" – Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.

Cơ chế chính sách cho vùng KTTĐ ĐBSCL là một trong những vấn đề lớn cần phải quan tâm. Vì vậy, thời gian tới, các địa phương trong vùng tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế về quản lý và điều hành; nghiên cứu xây dựng các chính sách thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, các ngành dịch vụ có chất lượng cao; kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức bộ máy chỉ đạo, điều phối trong phát triển kinh tế - xã hội vùng KTTĐ ĐBSCL. Bên cạnh đó, các bộ ngành hữu quan đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở khoa học - công nghệ; trong đó, tập trung xây dựng TP Cần Thơ trở thành trung tâm khoa học, công nghệ; trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Mở rộng hợp tác, liên kết trong phát triển công nghiệp, đào tạo, y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa các địa phương trong vùng với các địa phương khác trong cả nước. Ông Thân Đức Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng: Chính phủ cần có cơ chế, chính sách chung cho 4 địa phương, và cơ chế cho từng địa phương thuộc vùng KTTĐ ĐBSCL. Từ đó, mỗi địa phương mới có thể phát huy nội lực và từng bước trở thành "đầu tàu" kéo các địa phương trong vùng cùng phát triển.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết