23/11/2008 - 08:21

Ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng công chức - bộ nội vụ:

Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi

Thực hiện Chỉ thị số 38 /2004/CT-TTg, ngày 19-11-2004 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chỉ thị số 38), về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi, Bộ Nội vụ đã có những kế hoạch để các địa phương chuẩn bị tài liệu tiến hành giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu công tác của cán bộ, công chức ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sau 3 năm triển khai thực hiện, ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bồi dưỡng công chức - Bộ Nội vụ, cho biết:

Thực hiện Chỉ thị 38 của Chính phủ về đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức công tác vùng dân tộc, miền núi, năm 2006 - 2007, đã có 12 tỉnh tổ chức biên soạn được 12 bộ tài liệu tiếng dân tộc. Để tiết kiệm thời gian và kinh phí, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các địa phương dùng các bộ tài liệu tiếng dân tộc có sẵn để chỉnh sửa bổ sung dùng làm tài liệu giảng dạy của địa phương mình. Một dân tộc có nhiều chi, nhánh khác nhau, cùng một dân tộc nhưng tại mỗi địa phương có ký tự, chữ viết âm ngữ khác nhau nên không thể bắt tất cả các địa phương vào một khuôn mẫu mà từng địa phương căn cứ vào đặc điểm chữ viết, ngôn ngữ, ngữ điệu để biến cái chung thành cái riêng. Từ nhận định đó, Bộ Nội vụ đã thí điểm tại các tỉnh Tây Nguyên rất thành công và phương pháp chỉnh sửa, bổ sung tài liệu là phương pháp tối ưu. Sau khi thí điểm thành công, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 110/QĐ-BNV ngày 15-2-2008 về việc lựa chọn tiếng dân tộc và các địa phương chỉnh sửa tài liệu đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức công tác vùng dân tộc, miền núi và chính thức giao cho 15 tỉnh tiến hành chỉnh sửa 19 bộ tài liệu. Đến nay, đã có 15 bộ tài liệu tiếng dân tộc thiểu số đã được nghiệm thu thông qua để đưa vào thực hiện giảng dạy.

* Nam bộ là nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống. Việc chuẩn bị tài liệu giảng dạy tiếng Khmer cho cán bộ, công chức ở khu vực này đã được triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Để chuẩn bị tốt cho công tác dạy tiếng Khmer cho cán bộ, công chức đang công tác tại vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống, Bộ Nội vụ đã giao cho 6 tỉnh tại Nam bộ tổ chức chỉnh sửa, bổ sung bộ tài liệu tiếng Khmer trên nền bộ tài liệu có sẵn của tỉnh An Giang. Đến nay, các tỉnh Sóc Trăng, Tây Ninh và TP Cần Thơ đã được nghiệm thu bộ tài liệu dạy tiếng Khmer cho cán bộ, công chức. Các địa phương khác sẽ khẩn trương chỉnh sửa, bổ sung để kịp đưa vào phục vụ công tác giảng dạy tiếng Khmer cho cán bộ, công chức trong thời gian sớm nhất.

* Xin ông cho biết khái quát về nội dung tài liệu dạy tiếng Khmer cho cán bộ, công chức sẽ được giảng dạy tại các tỉnh, thành ở Nam bộ trong thời gian tới?

- Việc chỉnh sửa, bổ sung bộ tài liệu đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động điều hành, quản lý nhà nước ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer, các địa phương đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát tại vùng có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống; thu thập thông tin, những từ ngữ phổ thông có tính phổ biến nhất, liên quan đến các lĩnh vực như truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, lao động sản xuất, giáo dục, y tế... Các bộ tài liệu của các tỉnh Tây Ninh, Sóc Trăng và TP Cần Thơ đã được nghiệm thu thông qua tập trung vào các chủ đề chính như: Đảng, Bác Hồ, gia đình - dòng tộc, phum sóc - quê hương, truyền thống - di sản dân tộc, chăm sóc sức khỏe, lao động sản xuất, đất nước con người, chính sách pháp luật, an ninh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc... Các bộ tài liệu đã hoàn tất, đáp ứng được yêu cầu cho đội ngũ cán bộ, công chức học tập và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

* Theo ông, các địa phương cần làm gì để công tác dạy tiếng Khmer cho cán bộ, công chức đạt hiệu quả tốt nhất?

- Do đối tượng người học không phải hệ giáo dục quốc dân mà là cán bộ, công chức nên khả năng tiếp thu nhanh, nhưng mau quên, nên công tác giảng dạy phải bám vào đặc điểm tâm lý của người học để đặt ra chương trình phù hợp. Chương trình này tập trung vào các nội dung là chữ viết, âm ngữ, bố cục chương trình, nội dung chương trình, phân bố thời lượng... và phải gắn với đặc điểm của địa phương.

Nhờ nghe, nói được tiếng Khmer mà cán bộ xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau dễ dàng trong tiếp cận và truyền đạt những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào dân tộc Khmer.
Ảnh: BÌNH NGUYÊN 

Thực tế công tác đào tạo này không phải mới, vấn đề là chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh và làm khoa học hơn. Phương pháp nội dung đào tạo cũng phải linh hoạt, nhằm giúp cho cán bộ, công chức nghe, nói tiếng Khmer, vận dụng để vận động đồng bào Khmer thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, sau đó mới nâng lên một bước là dùng trong công tác chuyên môn nghiệp vụ, quản lý kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn công tác. Các địa phương phải khảo sát, nghiên cứu, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức đang công tác ở vùng dân tộc thiểu số có sự hiểu biết đến đâu; phải lựa chọn bồi dưỡng đội ngũ giảng viên có kiến thức thực tiễn, có năng lực và làm tốt công tác tổ chức lớp, quản lý lớp học sẽ mang lại hiệu quả tốt.

* Xin cảm ơn ông!

BÌNH NGUYÊN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết