27/09/2016 - 20:37

Đẩy mạnh công tác quản lý để ổn định thị trường

Từ đầu năm đến nay, công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại của TP Cần Thơ có nhiều chuyển biến tích cực, nhờ đó tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định. Nhận định những cuối năm, khi thị trường vào cao điểm mua sắm, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại có thể gia tăng và diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo 389/TP đề ra nhiều giải pháp ổn định thị trường.

Gian lận tràn lan

Theo Ban Chỉ đạo 389/TP TP Cần Thơ (Ban Chỉ đạo), hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp, hoạt động ngày càng tinh vi. Mặt hàng buôn lậu chủ yếu là thuốc lá điếu ngoại nhập, hàng may mặc, đồ chơi trẻ em, rượu, bia, bánh kẹo, thực phẩm, mỹ phẩm, điện tử, đồ điện gia dụng… Với phương thức thủ đoạn là lợi dụng đêm tối, những giờ cao điểm, bến xe, các trung tâm thương mại… hàng hóa được chia nhỏ, tháo rời, cất giấu trong người, hành lý cá nhân, nên khi lực lượng chức năng kiểm tra bắt giữ số lượng thường không nhiều. Gian lận thương mại phổ biến ở các hành vi như: Kê khai giá trên hóa đơn bán hàng để giảm thuế giá trị gia tăng; gian lận về cân đong, đo đếm, sử dụng phương tiện đo không có tem kiểm định, hết hạn kiểm định hoặc sử dụng phương tiện đo bị sai về đo lường xăng dầu… Về chất lượng sản phẩm hành vi gian lận ở một số mặt hàng như: nón bảo hiểm không đạt chất lượng, không công bố chất lượng sản phẩm, dán tem nhãn không đúng quy định, không niêm yết giá tại các điểm kinh doanh, bán sai giá quy định. Bên cạnh đó, tình trạng quảng cáo công dụng và chất lượng sản phẩm không đúng thực tế vẫn còn xảy ra nhằm mục đích lừa dối người tiêu dùng; tổ chức chương trình khuyến mãi nhưng không thông báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hóa (đặc biệt là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng).

Các hành vi vi phạm trong vấn đề an toàn thực phẩm chủ yếu là cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm ở môi trường không đảm bảo vệ sinh, không tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên trực tiếp sản xuất; kinh doanh hàng đóng gói sẵn thiếu định lượng ghi trên bao bì, ghi nhãn hàng hóa không đúng nội dung bắt buộc theo qui định. Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: "Vừa qua, sau khi kiểm tra tại 33 điểm sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố, trong đó, đặc biệt mặt hàng bánh trung thu, có 7 cơ sở sản xuất bánh trung thu bị phạt hành chính với các hành vi như cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo vệ sinh, nhân viên không có giấy khám sức khỏe…". Bên cạnh đó, vấn đề vi phạm nổi trội trong thời gian qua là kinh doanh hàng đa cấp. Các đơn vị này sau khi bị xử phạt, rút giấy phép kinh doanh vẫn tiếp tục "biến tướng" hoạt động bằng cách tổ chức mô hình mới. Còn đối với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, vẫn tồn tại ở hành vi vi phạm về công bố chất lượng sản phẩm không đúng như đăng ký (tính năng nhiều hơn đăng ký)…

Kiểm soát chặt thị trường

 Chi cục QLTT TP Cần Thơ kiểm tra và xử phạt tại một điểm kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu trên địa bàn thành phố.

Trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo đã quyết liệt chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra kiểm soát trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Từ đó, tình trạng buôn lậu, hàng nhập lậu đối với một số mặt hàng đã được kiểm soát chặt chẽ. Tính đến hết quý III năm 2016, các sở, ngành lực lượng chức năng đã xử lý trên 2.000 vụ (tăng 50% vụ so với cùng kỳ), xử phạt hành chính hơn 46 tỉ đồng, tăng 32 tỉ đồng so với cùng kỳ 2015.

Ông Nguyễn Văn Sanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), nhận định: Trong công tác thực hiện phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Đó là hệ thống pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng gian, hàng giả chưa hoàn thiện, một số lĩnh vực còn chồng chéo, chưa đồng bộ gây khó khăn trong việc áp dụng xử phạt; một số Nghị định có quy định thẩm quyền xử phạt của QLTT nhưng rất chung chung, gây khó khăn trong việc áp dụng xử phạt. Trong khi đó, lực lượng QLTT lại mỏng, thiếu kinh phí, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình, nhiệm vụ mới. Công tác điều hành chỉ đạo và triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản của Bộ, ngành trung ương, Ban Chỉ đạo còn chậm, một số thành viên chưa chấp hành nghiêm chế độ báo cáo.

Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa được thường xuyên, chưa đồng bộ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp… Các lực lượng chức năng phần lớn chỉ giải quyết và xử lý trên khâu lưu thông, chưa triển khai việc kiểm tra tại gốc, tại cơ sở sản xuất. Cùng đó, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa được thường xuyên, chưa đồng bộ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp. Một số sở, ngành các cơ quan, đơn vị chưa chấp hành nghiêm chế độ thông tin báo cáo. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa tốt, công tác kiểm tra, đôn đốc chưa thật sự hiệu quả, chủ yếu nhắc nhở trên văn bản, chưa sát với tình hình thực tế…

Đề ra kế hoạch hoạt động cho những tháng cuối năm 2016, Ban Chỉ đạo tập trung bám sát, thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND thành phố về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung tổ chức đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm của Ban Chỉ đạo đã phân công. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường phòng chống tiêu cực tham nhũng.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh, để việc kiểm soát thị trường được chặt chẽ, các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo cần đẩy mạnh công tác phối hợp. Cần kiểm soát chặt trong các lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt trong kinh doanh thương mại điện tử, hàng đa cấp. Trong quý IV cũng là những tháng cuối năm, thị trường hàng hóa rất phức tạp. Do vậy, các sở, ngành cần triển khai kiểm soát chặt, ngăn chặn kịp thời các vi phạm. Để kiểm soát chặt thị trường, ngoài công tác phối hợp, mỗi lực lượng cần phải xây dựng kế hoạch riêng. Rà soát các quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh. Ngoài kế hoạch đấu tranh cần chú trọng tuyên truyền, đặc biệt cần công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng những hành vi vi phạm sau khi các đoàn tổ chức kiểm tra nhằm giúp người tiêu dùng hiểu rõ thực trạng, ổn định tâm lý người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết