Lâu nay, nhiều thế hệ người Cần Thơ cố cựu đều nhắc đến vườn Thầy Cầu với bao hoài niệm. Ðó là vườn bách thảo nổi tiếng ở Cần Thơ đầu những năm 1930, một điểm đến của nhiều tao nhân mặc khách và là minh chứng cho sự phát triển của văn minh đô thị, khởi nguồn loại hình du lịch sinh thái trên đất Cần Thơ.
Lối vào cổng chính ngôi nhà.
Chuyện xưa giờ còn trong tâm trí của các cao niên gắn bó cả đời với mảnh đất Cần Thơ, và lưu lại ít ỏi từ hai trang viết trong cuốn “Cần Thơ xưa và nay” của tác giả Huỳnh Minh (NXB Cánh Bằng, ấn tống năm 1967). May sao, trong một lần đi tác nghiệp trên đường Huỳnh Thúc Kháng, quận Ninh Kiều, chúng tôi đã “chạm mặt tiền nhân” ngay tại dấu xưa vườn Thầy Cầu. Chúng tôi được hậu duệ đời thứ ba của Thầy Cầu dẫn đi xem tư dinh, nội thất, khu mộ và kể cho nghe đôi điều về khu vườn bách thảo trứ danh xứ Tây Ðô thuở trước.
Qua tổng hợp từ lời kể của hậu duệ, thực tế mộ phần và tài liệu trong “Cần Thơ xưa và nay”, cho thấy: Thầy Cầu tên thật là Ðoàn Hữu Cầu, là một luật sư, hành nghề ở Tòa án Cần Thơ. Ông sinh năm 1887 và mất ngày 25-3-1960 (nhằm ngày 27-2 năm Canh Tý), hưởng thọ 73 tuổi. Vốn yêu thích thiên nhiên, hoa lá nên Thầy Cầu đã gầy dựng cơ ngơi gia đình như một nhà vườn du lịch sinh thái bây giờ. Ðể bắt tay xây dựng, với sở học của mình, ông đi đây đi đó, góp nhặt tinh hoa, đem về vẽ bản thảo từ ý tưởng, rồi mới tác tạo nên công trình. Khu vườn lộng lẫy như một công viên, và theo tác giả Huỳnh Minh, thậm chí “có phần hơn là khác”. Vườn Thầy Cầu trồng nhiều kỳ hoa dị thảo, cây kiểng được uốn nắn rất đẹp, kỳ công, trước nhà có ao sen nuôi cá. Ông còn có những không gian nuôi những thú như trăn, báo nhỏ... làm kiểng. Ðiều đặc biệt là hồi đó, Thầy Cầu đã sưu tầm và trồng được loại sen lá lớn, bây giờ gọi là sen nia. Vậy mới hay, Thầy Cầu đã chịu khó tìm tòi, du nhập những loại cây lạ về Cần Thơ từ rất sớm.
Dọc ao sen, Thầy Cầu bắc nhiều ghế đá cho du khách ngồi ngắm cảnh, nghỉ chân. Những năm 1930-1931, khi Thầy Cầu còn đương thời, vườn được chăm chút công phu nên dáng vẻ rất đẹp, thu hút biết bao tao nhân mặc khách, đôi lứa yêu nhau đến tham quan, nhất là những ngày cuối tuần. Ấn tượng nữa, Thầy Cầu còn cho bắc cây cầu ngay phía trên ao sen, nối từ cửa chính nhà ra. Cây cầu vừa là nơi để sớm chiều Thầy Cầu qua vãng cảnh, vừa là nơi để du khách đứng mà ngắm ao sen cũng như toàn cảnh khu vườn. Dọc những bồn hoa, Thầy Cầu còn xây những hộc nhỏ nuôi cá lia thia, cá kiểng cho khách coi chơi. Ðiều lý thú là bây giờ, cháu nội của ông cũng duy trì nghề cá kiểng và theo đuổi đam mê cây kiểng của tiền nhân.
Vườn Thầy Cầu đối diện rạch Cái Khế, nằm trên đường Cống Quỳnh, nay là hẻm 149 vào chùa Giác Linh, đường Huỳnh Thúc Kháng, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều. Sau khi ông Ðoàn Hữu Cầu qua đời, khu vườn thiếu người chăm sóc nên không được mỹ miều, khang trang như trước nhưng cũng rất đáng để chiêm ngưỡng. Bằng chứng là khi viết “Cần Thơ xưa và nay”, tác giả Huỳnh Minh cho biết Thầy Cầu đã qua đời và ông nghe người con gái thứ năm là bà Ðoàn Tuyết Trinh kể lại. Tác giả Huỳnh Minh miêu tả: “Dù cảnh vườn đã thiếu nhiều hương sắc nhưng dịp Tết hoa mai phô thắm, san sát theo các lối đi, trông như một rừng mai vàng ngoạn mục. Nhất là điểm thêm bóng dáng các thiếu nữ du xuân đi trong lối rừng mai ấy, kể cũng là bức tranh đẹp mắt”.
|
Chân dung Thầy Cầu - tức luật sư Ðoàn Hữu Cầu. |
Chủ nhân ngôi biệt thự xưa của Thầy Cầu hiện nay là vợ chồng người cháu nội. Chúng tôi may mắn được chủ nhà dẫn đi tham quan nội thất tư dinh rồi mộ phần của Thầy Cầu gần đó. Theo quan sát của chúng tôi, ngôi nhà được xây cất theo kiểu kiến trúc Tây phương và điều đặc biệt, hiếm có thời đó là nhà có basement (tầng hầm). Ngoài cầu thang xuống tầng hầm, chủ nhân lại bố trí một nắp hầm kín, hiện nay gần gian thờ gia tiên. Chúng tôi cảm nhận, nơi tầng hầm rất mát mẻ và không có tiếng ồn. Theo chủ nhân ngôi nhà, thời gian trôi qua, ngôi nhà có nhiều thay đổi khác xưa, nội thất cũng không còn nhiều, chủ yếu là ngôi nhà vẫn còn nguyên hiện trạng cũ, vừa mới được sơn sửa, gia cố. Ao sen đã bị lấp, chỉ sân trước còn nguyên, cao hơn hẳn so với mặt đất. Trên sân nhỏ này được trang trí theo kiến trúc Tây phương, có cầu thang dẫn lối, hai bên mặt tiền có tượng thiên thần đứng rất đẹp.
Chị chủ nhà dẫn chúng tôi đi xem mộ phần ông Ðoàn Hữu Cầu ở cách đó chỉ vài mươi bước chân. Thú vị là chị còn chỉ chúng tôi xem những chụp đèn đường trang trí làm bằng bê tông với hoa văn đẹp mắt. Ðó là di tích của vườn Thầy Cầu thuở xưa, minh chứng cho sự phát triển của đô thị Cần Thơ. Ðối diện vườn Thầy Cầu là chùa Giác Linh, hồi xưa cũng là một ngôi nhà bát giác nhỏ do thân nhân Thầy Cầu cất để tụng niệm, sau hiến làm chùa.
Một di tích nữa không thể không nhắc đến là qua chùa Giác Linh, phía bên kia hẻm có một ngôi am nhỏ thờ Ðức Phật Thích Ca tọa dưới cội bồ đề. Ðây cũng là di tích của Thầy Cầu để lại. Ngôi am được cất cao, phía dưới là tầng hầm, phía trên thờ Phật, đường đi lên là cầu thang uốn lượn. Trước ngôi am có dòng chữ Pháp “AUX PIEDS DU MAITRE”, nghĩa là “Dưới chân Ðức Thầy”. Pho tượng Ðức Phật bên trong am đến nay vẫn còn nguyên vẹn, thần khí tinh tuyền, được dân trong vùng nhang khói hằng ngày. Hồi trước, phía sau ngôi am này có cây bồ đề xiêm rất lớn, trái chín thì rụng xuống mương, người ta vớt trái lên thì cứng và đen bóng vì “lên nước”, đem đi mài tròn để xỏ xâu làm chuỗi niệm Phật rất đẹp và ý nghĩa. Hiện tại, chủ nhân ngôi nhà còn lưu giữ được hai hiện vật nữa là đài đặt bồn nước và chiếc lu nhỏ cổ xưa. Chúng được gìn giữ, nâng niu vì là của tiền nhân để lại.
Ðường Cống Quỳnh hồi xưa bây giờ đã là đường Huỳnh Thúc Kháng khang trang, ven bên bờ kè rạch Cái Khế. Lối đi ngập mai vàng mỗi độ Tết về vào vườn Thầy Cầu nay đã thay bằng những dãy nhà san sát của phố thị trung tâm. Cảnh sắc mỹ miều của kỳ hoa dị thảo ngày xưa giờ là ký ức. Nhiều người cũng ví von rằng, có lẽ Thầy Cầu là người phát kiến ra loại hình du lịch sinh thái đầu tiên ở Cần Thơ. Chỉ có điều, ông làm để ngắm cảnh thưởng hoa, để làm đẹp cho đời và cho du khách ghé tới mà xem, không tốn tiền bạc chi hết. Nét hào phóng đó càng làm cho vườn Thầy Cầu được nhiều người yêu mến và bây giờ nhắc nhớ bằng niềm tiếc nuối. Như mấy câu kết của tác giả Huỳnh Minh khi nói về di tích này: “Cuộc đời dầu vật đổi sao dời, bao giờ người ta còn kể lại cho nhau nghe những chuyện xưa của Cần Thơ, hẳn không ai quên vườn Thầy Cầu đã một thời danh tiếng đồn vang”.
Bài, ảnh: DUY KHÔI