26/04/2025 - 21:58

Đầu tư đường sắt - mở không gian phát triển cho ĐBSCL 

Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực ĐBSCL có 1 tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, chiều dài 174km, lộ trình đầu tư trước năm 2030. Mới đây, tại cuộc họp với các địa phương về các dự án giao thông trọng điểm phía Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo năm 2027 khởi công tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ và năm 2028 khởi công đường sắt Cần Thơ - Cà Mau. Điều này sẽ mở ra không gian phát triển mới cho vùng.

Những kỳ vọng về đường sắt

Tại cuộc họp với các địa phương về các dự án giao thông trọng điểm phía Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà thông tin với Dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Ban QLDA đường sắt đã tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) và báo cáo Bộ Xây dựng thông qua báo cáo đầu kỳ, giữa kỳ. Bộ Xây dựng đã thành lập Hội đồng thẩm định nội bộ và đã thông qua báo cáo giữa kỳ. Dự kiến hoàn thiện báo cáo NCTKT, trình Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định nhà nước tháng 9-2025, phấn đấu trình Quốc hội chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV. Hiện Bộ đang nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung vào quy hoạch đoạn tuyến kết nối TP Cần Thơ - TP Cà Mau.

Một trong những phương án thiết kế được đưa ra, đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ được đầu tư xây dựng song song cầu Cần Thơ 2. Ảnh minh họa AI

Dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ có điểm đầu tại ga An Bình (tỉnh Bình Dương), điểm cuối tại ga Cái Răng (TP Cần Thơ), chiều dài khoảng 175km, đi qua 6 tỉnh/thành phố (Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ); đường đôi khổ 1435mm, tốc độ thiết kế tàu khách 160km/h, tàu hàng 120km/h; giai đoạn 1 khoảng 7,16 tỉ USD (đường đơn, giải phóng mặt bằng theo quy mô đường đôi); giai đoạn 2 khoảng khoảng 2,7 tỉ USD (đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch đường đôi).

Đối với tuyến đường sắt Cần Thơ - Cà Mau, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt để trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dự kiến tháng 6-2025) với quy mô: đường đơn, khổ 1435mm, chiều dài khoảng 145km. Dự kiến nghiên cứu chuẩn bị đầu tư trước năm 2030 để kêu gọi đầu tư; triển khai đầu tư sau năm 2030 khi nhu cầu đủ lớn để bảo đảm hiệu quả đầu tư.

ĐBSCL hiện có 4 phương thức giao thông (đường bộ, hàng không, đường biển, đường sông) nhưng chưa được đầu tư đồng bộ, đây cũng là 1 trong 2 điểm nghẽn (giao thông và nhân lực) cho sự phát triển của vùng. Hiện vùng ĐBSCL đang triển khai hàng loạt các công trình dự án cao tốc đường bộ; đồng thời các kế hoạch mở rộng cảng biển, cảng hàng không, hệ thống cảng sông… nhằm kết nối các phương thức giao thông vận tải gỡ nút thắt giao thông, đưa ĐBSCL phát triển mạnh mẽ, bao trùm hơn.

Ông Trần Văn Khải, Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Ủy viên Ủy Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phân tích, cả vùng ĐBSCL chưa có đường sắt. Giao thông yếu kém là “nút thắt” cản trở phát triển và được coi là nguyên nhân chính khiến kinh tế ĐBSCL chưa tương xứng tiềm năng. Thiếu đường sắt, ít cao tốc, thiếu cảng biển lớn khiến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đội lên, khó thu hút đầu tư công nghiệp, dịch vụ… vào vùng. Vùng giàu tiềm năng nhưng mãi là “vùng trũng” kinh tế nếu kết nối hạ tầng không cải thiện. Việc đi lại và vận chuyển hàng hóa từ Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL lên TP Hồ Chí Minh phụ thuộc hoàn toàn vào phương thức đường bộ và đường thủy, nhưng mỗi phương thức đều có những hạn chế. Vì vậy, đầu tư đường sắt sẽ góp phần kết nối giao thông, giao thương thông suốt, giảm tải cho đường bộ và hạn chế tai nạn giao thông.

Tạo cú hích cho vùng

Các chuyên gia cho rằng, nếu có tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ không chỉ kết nối về hạ tầng giao thông mà còn là cú hích chiến lược cho cả vùng phát triển, thu hẹp khoảng cách với các vùng phát triển hơn. Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết, khi tuyến đường sắt này được đầu tư xây dựng sẽ có những tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội của địa phương sẽ tập trung phát triển “một trục động lực, hai hành lang kinh tế”. Cụ thể, trục động lực phát triển của tỉnh Vĩnh Long được xác định theo tuyến quốc lộ 1 đi qua thành phố Vĩnh Long - huyện Long Hồ (đô thị Phú Quới) - thị xã Bình Minh: tập trung phát triển các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ thương mại, logistics. Hành lang kinh tế dọc sông Hậu, hành lang kinh tế dọc sông Tiền và sông Cổ Chiên tập trung phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ vui chơi giải trí, nông nghiệp công nghệ cao… Khi tuyến đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ hình thành sẽ giúp tỉnh thúc đẩy và hiện thực hóa sự phát triển các hành lang kinh tế...

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết, TP Cần Thơ là địa phương có vị trí ga cuối của dự án đường sắt. Nhà ga được bố trí song song tiếp giáp phía Bắc đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ, cách nút giao IC2 của đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khoảng 2,2km. Vị trí này thuận lợi cho việc kết nối với hệ thống quốc lộ và trục giao thông chính của thành phố như tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, quốc lộ 1A, 91, 91B, Nam Sông Hậu, đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ và cách bến xe Trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 7km. “Thành phố sẽ định hướng phát triển các tuyến xe buýt trung chuyển từ nhà ga đến trung tâm thành phố. Cần Thơ, các khu đô thị mới và các huyện lân cận sẽ giúp tối ưu hóa khả năng tiếp cận của người dân với hệ thống đường sắt. Cùng với đó, xây dựng hệ thống bến bãi xe buýt, bãi đỗ xe công cộng xung quanh nhà ga để phục vụ hành khách đi lại thuận tiện hơn”, ông Lê Tiến Dũng cho biết thêm.

Tại cuộc họp với các địa phương về các dự án giao thông trọng điểm phía Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định: Thời gian qua, chúng ta đã quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có các dự án khu vực ĐBSCL và đạt nhiều kết quả tích cực. Qua kiểm tra và nghe báo cáo của các bộ ngành, địa phương và các đơn vị thi công thì 5 dự án cao tốc tại khu vực ĐBSCL (khoảng 206km) có kế hoạch hoàn thành năm 2025 đều đang bảo đảm tiến độ và các khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết. Đây là thông tin rất tích cực và phấn khởi bởi việc triển khai các dự án tại khu vực này luôn có rất nhiều khó khăn phức tạp khó lường. Đối với khu vực ĐBSCL, việc đầu tư hệ thống giao thông kết nối thông suốt cả về đường bộ, đường sắt (cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ), hệ thống cảng biển và đường thủy nội địa, đường hàng không cần tiếp tục nghiên cứu đầu tư đồng bộ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. Về đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ phải cố gắng năm 2027 khởi công, đến năm 2028 khởi công đường sắt từ Cần Thơ đi Cà Mau. Cả 5 phương thức giao thông (đường bộ, đường sắt, hàng không, đường biển, đường sông) tại vùng ĐBSCL phải trên tinh thần tự lực tự cường, không trông chờ, ỷ lại. Các phương thức giao thông phải tiến hành đồng bộ trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ sản phẩm và rõ trách nhiệm”; vướng cấp nào thì cấp đó giải quyết, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp thẩm quyền giải quyết kịp thời.

GIA BẢO - AN CHI

Chia sẻ bài viết