31/10/2012 - 20:59

Đầu tư đồng bộ để ngành thủy sản phát triển bền vững

Trong những năm qua, ngành thủy sản đã đạt được những thành tựu đáng kể về kim ngạch xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm, tăng trưởng kinh tế cho các địa phương. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) thủy sản còn gặp khó khăn về nguồn vốn, mở rộng thị trường, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguồn nguyên liệu tại chỗ còn thiếu... Vì vậy, tìm giải pháp để ngành thủy sản phát triển bền vững đang đặt ra nhiều thách thức cho các địa phương, các nhà quản lý và cả DN...

Còn nhiều thách thức

Để ngành thủy sản phát triển bền vững cần sự phối hợp và hỗ trợ từ nhiều phía. Ảnh: CTV 

Thống kê của Bộ Công thương, năm 2011, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 5,2 triệu tấn, tăng 2,1 lần so với năm 2001, bình quân tăng 8,82%/năm. Mục tiêu đề ra năm 2012, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 6,5 tỉ USD là điều khó khăn khiến các DN xuất khẩu cũng như các nhà quản lý trăn trở. Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám, năm 2012, ngành thủy sản Việt Nam đối mặt với khó khăn kép. Tổ chức xuất khẩu thị trường thế giới thực hiện chưa tốt. Còn một số DN xuất khẩu thủy sản cạnh tranh thiếu lành mạnh, hạ giá để tranh bán. Hơn nữa, 99% xuất khẩu thủy sản ở dạng xuất thô, hàng thủy sản Việt Nam chưa có thương hiệu phải xuất khẩu qua trung gian dẫn đến tình trạng bị nhà nhập khẩu đưa ra các rào cản thương mại, ép giá. Đối với tổ chức sản xuất trong nước, chưa chủ động được nguồn giống, nguồn thức ăn nhập nguyên liệu từ nước ngoài nên giá cả liên tục biến động, mối liên kết giữa người nuôi và DN còn rời rạc...

Theo chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu tổng quát là tiếp tục phát triển xuất khẩu thủy sản theo hướng bền vững, khả năng cạnh tranh cao, giữ vững vị trí trong nhóm 10 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản hàng năm trên 8%/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 7,5 tỉ USD. Trong đó, tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng đạt trên 60%; giá trị sản phẩm xuất khẩu từ nuôi trồng thủy sản chiếm khoảng 70%. Đến năm 2020, giá trị xuất khẩu dự kiến đạt mức 10-10,5 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng khoảng trên 7%/năm. Song, để thực hiện mục tiêu này, ngành thủy sản vẫn còn nhiều trở ngại, khó khăn phía trước. Trong đó, khả năng đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu không cao. Theo thống kê, 100% tăng thêm của tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, trên 80% là do tăng sản lượng tạo ra, chỉ 20% là do tăng giá. Công tác dự báo thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước còn hạn chế. Bên cạnh đó, phần lớn các nhà máy thủy sản được đầu tư rất lớn nhưng công suất khai thác chỉ đạt 50-70%, dẫn đến tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, suy thoái kinh tế kéo dài, thiên tai trên thế giới ảnh hưởng trực tiếp đến tổng cầu đối với hàng hóa thủy sản làm gia tăng mức độ cạnh tranh, suy giảm sản lượng tiêu thụ tại các thị trường lớn, thị trường truyền thống của Việt Nam, như: Mỹ, EU, Nhật Bản… Thủy sản xuất khẩu của Việt Nam hiện cũng phải đối mặt với xu hướng tăng cường các rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm từ các nước nhập khẩu lớn. Trong tình hình các thị trường nhập khẩu chính về thủy sản đang có xu hướng thu hẹp nhu cầu tiêu dùng, thủy sản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường quốc tế. Cụ thể, đối với tôm, xu hướng hạ giá bán của các nước sản xuất, xuất khẩu tôm chính như Thái Lan, Indonesia... Đối với cá tra, mặc dù hiện tại Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu lớn nhất nhưng một số nước trong khu vực Thái Lan, Philippines... cũng đang tích cực đầu tư để tiến tới sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này...

Nâng cao chuỗi giá trị

Theo ông Dương Long Trì, Giám đốc Trung tâm Thông tin thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), để phát triển thủy sản bền vững, có hiệu quả, cần hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý nhà nước ngành thủy sản từ cấp Trung ương đến địa phương. Xây dựng quy hoạch nuôi trồng thủy sản, đồng thời kiểm tra thực hiện quy hoạch một cách thường xuyên. Tăng cường quản lý chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của mặt hàng thủy sản gắn với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và đổi mới sản phẩm tại các doanh nghiệp, đa dạng hóa các mặt hàng hàng thủy sản chế biến có giá trị gia tăng, nâng tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng trong cơ cấu giá trị xuất khẩu thủy sản. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ, tránh tình trạng ép giá. Ngoài ra, cần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành thủy sản và kiện toàn hệ thống quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, giảm thiệt hại cho nông, ngư dân và bảo vệ môi trường sinh thái...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, cho rằng: Đầu tư công cho ngành thủy sản thời gian qua có tăng nhưng chưa xứng tầm với ngành. Bên cạnh việc tiếp tục đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, cần kêu gọi thêm các nguồn vốn ODA, FDI hay các tổ chức tư nhân địa phương, tổ chức quốc tế đầu tư cho ngành thủy sản. Theo bà Dương Phương Thảo, Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Bộ Công thương sẽ tham gia đề xuất giảm mức thuế xuất nhập khẩu cho các mặt hàng thủy sản trong các hiệp định đàm phán song phương và đa phương sẽ ký trong thời gian tới, tạo cơ sở giảm giá tiêu thụ hàng hóa thủy sản Việt Nam, tăng sức cạnh tranh tại các thị trường mục tiêu. Đồng thời, các bộ ngành, các cơ quan hữu quan cần phối hợp chặt chẽ, ưu tiên thực hiện các chương trình phát triển thị trường, tập trung đầu tư phát triển chế biến thủy sản xuất khẩu theo chiều sâu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm cho các DN...

T.Trinh

Chia sẻ bài viết