10/02/2012 - 21:26

Đầu tư cho các thành phố đồng bằng

392 triệu USD là nguồn vốn đầu tư cho Dự án nâng cấp đô thị (NCĐT) vùng ĐBSCL được đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) và các bộ ngành Trung ương thống nhất thông qua tại hội nghị tổ chức tại Hà Nội ngày 17-1-2012. Dự án sẽ được triển khai tại 6 thành phố từ nay đến năm 2018 - đây là cơ hội để những thành phố trẻ bứt phá, phát triển nhanh hơn...

Bộ mặt mới cho thành phố đồng bằng

Dự án NCĐT vùng ĐBSCL sẽ triển khai tại 6 thành phố, gồm: TP Cần Thơ, TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) và TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh). Dự án này nằm trong chương trình Xây dựng Chiến lược Nâng cấp đô thị Quốc gia và kế hoạch đầu tư tổng thể cho nâng cấp đô thị đến năm 2020, với mục tiêu giảm nghèo các khu vực đô thị bằng việc cải thiện điều kiện sống và môi trường, áp dụng phương pháp có sự tham gia của cộng đồng... Tổng số vốn đầu tư cho dự án trên 392 triệu USD, trong đó vốn đối ứng chiếm khoảng 100 triệu USD, còn lại là vốn ODA vay của WB.

Dự án Nâng cấp Đô thị TP Cần Thơ giai đoạn 1 tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ dân nghèo cải thiện điều  kiện sống. 

Đến thời điểm này, theo Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), 6 đô thị tham gia dự án đã tiến hành lập các đề cương chi tiết trình Chính phủ phê duyệt danh mục dự án. Ngày 27-10-2011, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt danh mục dự án này do WB tài trợ. Dự án NCĐT vùng ĐBSCL còn là dự án thí điểm của “Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia - NUUP”, là quá trình chuẩn bị dài của Chính phủ nhằm đối phó với các vấn đề nảy sinh trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng và các vấn đề về thể chế, tài chính, môi trường, kinh tế, xã hội có liên quan sau những năm phát triển theo định hướng thị trường... Dự án được xây dựng theo 5 hợp phần chính, gồm: Nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp III các khu đô thị nghèo (gọi tắt khu LIA), đường hẻm, cấp thoát nước, chiếu sáng, thu gom rác, vệ sinh môi trường...; hợp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp I và II làm cơ sở đấu nối cho hạ tầng cấp III; hợp phần tái định cư (xây dựng các khu tái định cư để chuyển dịch các hộ gia đình sống ở các khu vực không an toàn và các hộ bị di dời giải tỏa do ảnh hưởng dự án); hợp phần thực hiện và quản lý dự án (hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cán bộ quản lý đô thị...); và hợp phần hỗ trợ kỹ thuật để Bộ Xây dựng triển khai Chương trình NCĐT Quốc gia (NUUP) và điều phối Dự án NCĐT vùng ĐBSCL.

Theo báo cáo tóm tắt dự án, toàn dự án sẽ có 103 khu LIA và đây là những khu vực đầu tư trọng tâm của dự án, vừa là những nơi hưởng lợi chính của các tiểu dự án. Cụ thể, sẽ có khoảng 150.097 hộ dân nghèo được cải thiện điều kiện sống, trong đó có hơn 296.000 người hưởng lợi trực tiếp và hơn 1,8 triệu người hưởng lợi gián tiếp. Tổng diện tích đất của 6 đô thị được triển khai khoảng 2.011km2... Tại hội nghị thẩm định các tiểu dự án diễn ra tại TP Cần Thơ, đại diện của 6 tỉnh, thành nơi triển khai dự án đều thể hiện sự phấn khởi và cho rằng đây là cơ hội lớn để những đô thị vùng sông nước Cửu Long thay da đổi thịt.

Các địa phương đã sẵn sàng

Từ năm 2007, Bộ Xây dựng đã đề ra chiến lược NCĐT Quốc gia và kế hoạch đầu tư tổng thể cho NCĐT đến năm 2020. Dự án NCĐT Việt Nam đầu tiên (gọi tắt là dự án 1) được thực hiện tại TP HCM, TP Nam Định, TP Hải Phòng và TP Cần Thơ. Dự án này đã nâng cấp cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân 4 địa phương trên, mang lại lợi ích cho hơn 2,2 triệu người. Năm 2009, TP Cần Thơ hoàn thành giai đoạn 1 của dự án 1 với việc nâng cấp 68 hẻm, cải tạo hồ Xáng Thổi, 7 cơ sở trường học và trạm y tế. Đầu tháng 4-2010, TP Cần Thơ khởi công giai đoạn 2 với các hạng mục nâng cấp 118 hẻm, 3 rạch ở 12 phường thuộc 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy.

Bà Hoàng Thị Hoa, Chuyên viên cao cấp Phát triển cộng đồng của WB (đồng Chủ nhiệm Dự án NCĐT vùng ĐBSCL), cho biết: Đến thời đểm này, sau hơn 2 năm khẩn trương khởi động, các thủ tục cần thiết của dự án, cả 6 đô thị đều hoàn thành báo cáo tóm tắt đề cương chi tiết của mỗi tiểu dự án với phạm vi, địa điểm, mục tiêu, tổng mức đầu tư, kế hoạch vốn, phân chia các giai đoạn đầu tư của dự án. Công tác thẩm định, báo cáo tóm tắt dự án, thống nhất bằng biên bản ghi nhớ giữa đại diện WB và các bộ, ngành của Chính phủ đã hoàn tất và diễn ra một cách thuận lợi. Theo kế hoạch ngày 20-2 tới sẽ diễn ra đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam với WB, giữa tháng 3-2012 sẽ phê chuẩn Hiệp định vay vốn. Sau đó, các địa phương sẽ triển khai đấu thầu, triển khai các hạng mục dự án... Ngoài ra, theo bà Hoa, các đề xuất về nguồn vốn vay ODA của WB cho 6 tiểu dự án hầu hết đều được đại diện WB thông qua (trường hợp bị cắt giảm vốn không nhiều), điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của các địa phương trong quá trình lập dự án.

Tại TP Cần Thơ, hợp phần 1 của dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 3 trong các khu thu nhập thấp, bao gồm 31 khu LIA tại 4 quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và Ô Môn. Hợp phần 2 hạ tầng hỗ trợ cấp 1, 2, bao gồm các hạng mục đầu tư: Ống phân phối nước sạch cho khu LIA 1; cải tạo 5 tuyến đường chính phường Lê Bình, quận Cái Răng; cải tạo hồ Bún Xáng và các kênh rạch nằm trong lưu vực hồ; hệ thống thoát nước đường Nguyễn Việt Hồng; cải tạo Rạch Sao; thiết bị hỗ trợ quản lý nước thải và vệ sinh môi trường. Hợp phần 3: tái định cư (gồm khu tái định cư của dự án, khu tái định cư Long Tuyền...). Hợp phần 4: Thực hiện và quản lý dự án.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh cho biết: Sau cuộc họp tại Hà Nội (ngày 17-1-2012), cả 6 địa phương thuộc Dự án NCĐT vùng ĐBSCL đã chuẩn bị các báo cáo tiền khả thi của từng tiểu dự án, đều được Bộ Xây dựng và WB đánh giá đạt về nội dung và hình thức rất cao. Trong đó, tiểu dự án TP Cần Thơ do đã có kinh nghiệm trong việc thực hiện Dự án nâng cấp đô thị TP Cần Thơ giai đoạn 1 và 2, nên các bước chuẩn bị đạt khá tốt, tổng mức đầu tư dự án được thống nhất ở mức 90.359.936 USD (chỉ thấp hơn mức đề xuất ban đầu gần 60.000 USD), và là dự án có số vốn cao nhất so với 5 địa phương còn lại... Với quá trình chuẩn bị vừa qua, dự kiến cuối năm 2012 tiểu dự án TP Cần Thơ sẽ được khởi công giai đoạn 1 (hoàn thành trong năm 2014) và giai đoạn 2 sẽ kết thúc vào năm 2018.

Bài, ảnh: THIỆN KHIÊM

Chia sẻ bài viết