Bài, ảnh: ANH KHOA
Bộ Giao thông vận tải và 4 tỉnh, thành là An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang vừa tổ chức khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Tuyến cao tốc trục ngang này đi qua trung tâm vùng ĐBSCL góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực; kết nối với TP Hồ Chí Minh và cả nước.
Kỳ vọng về Dự án cao tốc trục ngang
Máy móc, thiết bị thi công được tập trung tại dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 188,2km, đi qua 4 tỉnh, thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc (tỉnh An Giang) và điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Dự án có tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương.
Giai đoạn 1, dự án được chia làm 4 dự án thành phần do 4 địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản triển khai đầu tư: tỉnh An Giang - Dự án thành phần 1 dài 57,2km, TP Cần Thơ - Dự án thành phần 2 dài 37,2km, tỉnh Hậu Giang - Dự án thành phần 3 dài 36,9km và tỉnh Sóc Trăng - Dự án thành phần 4 dài 56,9km. Riêng Dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ có chiều dài khoảng 37,2km (điểm đầu thuộc địa phận xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh và điểm cuối thuộc địa phận xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai), tổng mức đầu tư 9.725 tỉ đồng, thời gian thực hiện 2022-2027. Tất cả 4 dự án thành phần đã được khởi công xây dựng đồng loạt vào ngày 17-6-2023.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết: Theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Dự án này được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù như cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc; được áp dụng các cơ chế khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến các dự án thành phần, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư… Các tỉnh, thành phố đã quyết liệt tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện dự án với tinh thần trách nhiệm cao nhất, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư còn khoảng 1 năm, so với quy trình thủ tục thông thường khoảng 2 năm.
Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng và ký quy chế phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố thực hiện dự án. Sau khởi công, các địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các khu tái định cư phục vụ thi công dự án; nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường cho dự án là rất lớn, gần 30 triệu mét khối, các địa phương cần chủ động có kế hoạch khai thác và cung cấp nguồn vật liệu theo tiến độ thi công, quản lý chặt chẽ giá vật liệu; quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu tổ chức thi công ngay từ những ngày đầu triển khai dự án, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh…
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường nhấn mạnh: Dự án quan trọng này được đầu tư là điều kiện tiên quyết giúp TP Cần Thơ sớm hoàn thành nhiệm vụ đã được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 59-NQ/TW và Chính phủ giao tại Nghị quyết số 98/NQ-CP về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: với mục tiêu xây dựng TP Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, trong đó thực hiện nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; là cơ sở để TP Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm động lực phát triển vùng, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Để có thể hoàn thành dự án, TP Cần Thơ đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ; UBND các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cùng thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ và có sự đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả khai thác trên toàn tuyến cao tốc.
Theo ông Trần Việt Trường, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được phân công thường xuyên quan tâm, hỗ trợ để công trình được triển khai thuận lợi. Đối với chủ đầu tư, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát phải tập trung mọi nguồn lực để tổ chức triển khai thi công, hoàn thành công trình theo tiến độ yêu cầu, đảm bảo chất lượng và mỹ quan nhằm đưa công trình vào khai thác sử dụng đúng mục tiêu đề ra.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc đầu tư đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL. Dự án đi qua trung tâm vùng ĐBSCL với năng lực lưu thông lớn, tốc độ cao và an toàn góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo sức lan tỏa, động lực và dư địa để phát triển kinh tế - xã hội khu vực; phát huy hiệu quả khai thác các tuyến trục dọc, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng…
Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan, các ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn. Biểu dương chính quyền 4 tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện dự án và nhân dân nơi vùng dự án đi qua đã đồng lòng, ủng hộ, nhường nơi ở, nơi canh tác, sinh kế của mình cho dự án.
Để công trình được hoàn thành đảm bảo an toàn, chất lượng, đáp ứng tiến độ và hiệu quả đầu tư, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng cần tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng thi công và tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, giữ gìn vệ sinh môi trường; phải huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công; tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan đến thi công, bảo vệ môi trường, an toàn lao động, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, gây thất thoát tài sản nhà nước. Đồng thời, thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư theo các quy định hiện hành trong tổ chức thực hiện dự án thành phần được phân cấp, bảo đảm chất lượng, tiến độ, để hoàn thành trong năm 2025 và đưa vào sử dụng năm 2026.
Đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ cho ĐBSCL
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm, Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 2-4-2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bắc - Nam phía Tây, TP Hồ Chí Minh - Sóc Trăng, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hồng Ngự - Trà Vinh.
Bộ Giao thông vận tải đã rà soát, đánh giá và căn cứ các điều kiện đặc thù, lợi thế của các phương thức vận tải của từng vùng, miền trong đó có vùng ĐBSCL để triển khai lập đồng thời 5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia và đến nay đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây là điều kiện rất thuận lợi để triển khai xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics.
Về quy hoạch hệ thống đường bộ cao tốc, khu vực ĐBSCL đã hoạch định đến năm 2050 có 1.188km/9.014km của cả nước, được phân bổ đồng đều trên toàn vùng với 3 trục dọc và 3 trục ngang; trong đó đến năm 2030 có khoảng 760km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420km. Đến thời điểm hiện nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác 90km (tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận), đang triển khai thi công và đến năm 2025 cơ bản hoàn thành thêm 458km. Như vậy, đến năm 2025 vùng ĐBSCL có khoảng 548km đường bộ cao tốc, trong đó hoàn thành trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ TP Hồ Chí Minh đến Cà Mau, một số đoạn trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Tây và cơ bản hoàn thành trục ngang cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vừa mới khởi công.