Trong 15 năm xây dựng và phát triển, TP Cần Thơ có nhiều cán bộ (CB), đảng viên (ĐV), nhất là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị đã phát huy tinh thần tiền phong, gương mẫu, luôn suy nghĩ để tìm giải pháp đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một cách hiệu quả. Sự năng động, xông xáo, dám nghĩ, dám làm của những CB, ĐV ấy đã và đang góp phần tích cực vào sự phát triển của địa phương, đơn vị…

Xã Thới Hưng đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2018.
1. Những ngày cuối năm, lịch làm việc của đồng chí Nguyễn Văn Quẹt, Bí thư Đảng ủy xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, dày kín…Vừa tổ chức xong cuộc họp dân để bàn bạc nâng cấp, mở rộng tuyến đường A8 ở ấp 3, anh Quẹt quay sang cùng CB xã đi vận động các mạnh thường quân đóng góp để làm quà tặng các đối tượng khó khăn nhân dịp Tết… Nhắc đến “núi” công việc đang chờ giải quyết, người Bí thư Đảng ủy 44 tuổi, dáng thấp đậm, vui vẻ: “Được CB, ĐV và nhân dân tin tưởng, giao nhiệm vụ là vinh dự lớn nên phải cố gắng hết mình”.
Anh Quẹt tham gia công tác tại địa phương lúc 19 tuổi, từng kinh qua nhiều vị trí: nhân viên Công an xã, Phó Trưởng Công an xã, Trưởng Công an xã, Chủ tịch UBND xã và từ năm 2015 đến nay, anh là Bí thư Đảng ủy xã. Ở vị trí công tác nào, anh Quẹt cũng gương mẫu, xông xáo, làm nhiều việc có lợi cho dân. Anh Quẹt nhớ lại: “Xã Thới Hưng với gần 7.000ha ruộng vườn, đất đai phì nhiêu, nhưng trước đây do chỉ sản xuất lúa nên nhân dân chỉ tạm no bụng. Nhiệm vụ của Đảng bộ là phải tìm giải pháp giúp dân có cuộc sống no đủ. Trước hết là tập trung vận động nhân dân phá thế độc canh cây lúa”. Sau khi bàn bạc và thống nhất, anh Quẹt cùng Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn giúp nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Giờ đây, dọc tuyến đường từ trụ sở xã về các ấp, có nhiều vườn nhãn, xoài, mãng cầu xanh tốt. Ghé thăm gia đình anh Lê Văn Suốt, ở ấp 5 đúng lúc anh đang bón phân cho vườn nhãn ido rộng 13ha, trái vàng rực, sai oằn. Anh Suốt bộc bạch: “Trước đây, gia đình tôi trồng lúa và nuôi cá, mỗi héc-ta lời tối đa 50 triệu đồng/năm. Từ năm 2015 đến nay tôi chuyển đổi dần 13ha ruộng sang trồng 5.500 gốc nhãn ido. Đầu năm 2018, có 3.600 gốc cho trái, thu hoạch được 75 tấn, trừ chi phí, gia đình thu vào hơn 1,3 tỉ đồng. Sau Tết, ước tính 4.800 gốc nhãn sẽ cho hơn 100 tấn trái, thu vào khoảng 2 tỉ đồng”.
Tương tự, vườn xoài của anh Huỳnh Hữu Lộc, ở ấp 8, trái oằn nhánh, hứa hẹn bội thu. Gia đình anh Lộc có hơn 3ha ruộng, trước đây trồng lúa, chỉ đủ ăn. Được xã hỗ trợ kỹ thuật và vay vốn, gần 10 năm nay, anh Lộc cải tạo đất ruộng lên bờ trồng gần 1.000 gốc xoài cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan. Năm 2018, có hơn 700 gốc cho thu hoạch được gần 40 tấn trái, huê lợi hơn 300 triệu đồng.
.gif)
Đồng chí Nguyễn Văn Quẹt, Bí thư Đảng ủy xã Thới Hưng (bên trái) tham quan mô hình trồng nhãn của anh Lê Văn Suốt, ấp 5.
Nghe nông dân kể chuyện “ăn nên làm ra”, mắt anh Quẹt lấp lánh niềm vui. Anh cho biết: “Đến nay, nhân dân trong xã đã chuyển đổi ruộng lên bờ được 1.777ha trồng xoài, 250ha trồng mãng cầu xiêm, 150ha trồng nhãn, 240ha trồng chuối cấy mô… Ước tính giá trị sản xuất mỗi héc-ta đất đạt 150 triệu đồng/năm và thu nhập bình quân đầu người đạt 44,2 triệu đồng; 80% hộ có mức thu nhập bình quân mỗi nhân khẩu trên 80 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,48%...”.
Kinh tế phát triển, nhân dân càng tích cực đóng góp xây dựng quê hương. Từ năm 2010 đến nay, xã đã huy động được 297 tỉ đồng đầu tư xây dựng nâng cấp, tráng bê tông 80km đường giao thông, bắc 12 cây cầu, xây mới 3 trường học và Trung tâm Văn hóa xã… Cảnh quan môi trường được chỉnh trang sạch đẹp... Đảng bộ nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh, các đoàn thể chính trị vững mạnh. Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 11-2018.
2. Lúc tôi đến trụ sở Đảng ủy xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, đồng chí Huỳnh Đương Quan, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã đã đến ấp Thới An chỉ đạo bắc cầu Lung Sen. Tại công trường, anh Quan dáng người nhỏ nhắn, cứ như con thoi ngược xuôi với công việc. Anh Quan chia sẻ: “Mỗi công trình chúng tôi đều trực tiếp kiểm tra, giám sát, chỉ đạo chặt chẽ để tiến độ và chất lượng bảo đảm”.
Cầu Lung Sen trước đây chỉ rộng 1m, lưu thông khó khăn. Cuối năm 2018, anh bàn bạc với Đảng ủy và UBND xã cho chủ trương vận động xã hội hóa xây cầu mới. Khi được tập thể thống nhất cao, anh Quan lên TP Hồ Chí Minh vận động con em là người trong xã làm ăn thành đạt đóng góp được 100 triệu đồng, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xã và ấp vận động nhân dân đóng góp được 50 triệu đồng và hàng trăm ngày công để bắc cầu. Nhìn cây cầu dài hơn 30m, rộng 2,5m đang dần hình thành, ông Nguyễn Văn Hai, người dân ấp Thới An, phấn khởi: “Tới đây, việc chở nông sản đi tiêu thụ, chở vật liệu xây dựng nhà cửa, xe cứu thương ra vào ấp sẽ tiện lợi và dễ dàng…”.
Trò chuyện với các CB, ĐV và người dân đang tham gia bắc cầu, nhiều người đều khen ngợi tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của anh Quan. 38 năm công tác, anh Quan có 15 năm giữ vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã. Nhiều CB, ĐV và người dân còn nhớ, 15 năm trước, nhiều tuyến đường giao thông chưa đổ mặt cứng, mưa thì đường lầy lội, trơn trợt, nắng thì đầy bụi bặm; cầu ván ọp ẹp… Với vai trò là người đứng đầu, anh Quan lãnh đạo khơi dậy sức dân để chăm lo cho dân. Anh chia sẻ: “Bất cứ công trình gì dù lớn hay nhỏ, tôi đều chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức họp dân bàn bạc công khai, dân chủ cách làm, mức đóng góp để tạo niềm tin và sự đồng lòng của nhân dân”. Đặc biệt, mỗi khi thực hiện công trình, anh Quan trực tiếp đi vận động mạnh thường quân là con em trong xã đang làm ăn trong và ngoài thành phố đóng góp ủng hộ. Ước tính, 15 năm qua, nhân dân trong xã đã đóng góp hơn 30 tỉ đồng, các mạnh thường quân đã đóng góp hơn 12 tỉ đồng cùng Nhà nước tráng bê tông 87km đường và bắc 65 cây cầu.
Đến Giai Xuân hôm nay, nhiều người không chỉ ngợi khen về hệ thống giao thông rộng rãi, sạch đẹp ấp liền ấp, mà còn trầm trồ trước những căn nhà tường với lối kiến trúc hiện đại ẩn hiện sau những vườn cây ăn trái. Đứng giữa khu vườn vú sữa trái lúc lỉu, anh Lê Hoàng Trung Dũng, nông dân ấp Tân Hưng, hào hứng kể: “Năm 2012, được sự hỗ trợ của địa phương, tôi cải tạo 16 công vườn trồng 180 gốc vú sữa. Vài năm nay, với 80 gốc vú sữa cho trái, tôi có thu nhập hơn 200 triệu đồng. Năm tới, tất cả 180 gốc ra trái, huê lợi sẽ tăng gấp đôi. Nhờ đó, tôi có nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt trong gia đình”.
15 năm qua, anh Quan cùng tập thể Đảng ủy, UBND xã đẩy mạnh công tác vận động, quan tâm hỗ trợ về vay vốn, tập huấn kỹ thuật giúp nhân dân cải tạo vườn tạp, chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu. Đến nay, toàn xã đã trồng được 40ha sầu riêng, 350ha vú sữa, 99ha xoài cát Hòa Lộc, 70ha chanh không hạt, 20ha dâu và 40ha rau màu. Xã có hàng chục gia đình thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng; thu nhập bình quân đầu năm 2018 của xã đạt 50 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,21%; xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015…
* * *
Không riêng Thới Hưng và Giai Xuân, tại nhiều địa phương khác, nhất là những nơi đội ngũ cán bộ gương mẫu, đoàn kết, năng động, quyết tâm đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống… đều có sự phát triển vượt trội về nhiều mặt, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, diện mạo xóm ấp ngày càng đổi mới. Trong đó, vai trò người đứng đầu rất quan trọng, như những “nhạc trưởng” để cùng CB, ĐV ở địa phương, đơn vị ra sức khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của nhân dân, tạo nên sự bứt phá ngoạn mục trên chặng đường phát triển.
Bài, ảnh: ANH DŨNG