 |
Công nhân lành nghề tại Công ty may Tây Đô.
|
Mấy năm nay, Tập đoàn dệt may đầu tư nhà máy ở Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), Gò Quao (Kiên Giang), Vị Thanh (Hậu Giang), Bạc Liêu, Sóc Trăng, hầu như tỉnh nào cũng có nhà máy may công nghiệp. Năm 2018, Hiệp hội dệt may Mỹ (OTEXA) nhận xét: Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 2 tại Mỹ với thị phần chiếm 13,2% tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ.
► Nghịch lý
Theo Tổng cục Hải quan, ngành sản xuất hàng may mặc của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị hàng may mặc toàn cầu chủ yếu ở công đoạn gia công chiếm 65% thị phần. Điểm nghẽn của ngành dệt may là nguồn nguyên liệu đầu vào ngành sợi là bông và xơ đều phải nhập khẩu (99% bông và 100% xơ). Trong đó, 2 loại sợi được sử dụng phổ biến là sợi polyester filament (chiếm 45,2% tổng sản lượng tiêu thụ) và sợi cotton (chiếm 24,6%). Vải nguyên liệu phải nhập khẩu trong năm qua chiếm tỷ trọng cao nhất (gần 60% giá trị nhập khẩu).
Nghịch lý trong ngành dệt may là 2/3 sản lượng sợi để xuất khẩu trong khi các doanh nghiệp phải nhập khẩu 66% vải từ xơ sợi. Trong khi đó ngành vải, từ khâu nhuộm hoàn tất, do thiếu máy móc, công nghệ và chi phí cao trong việc giải quyết ô nhiễm nguồn nước nên rất khó phát triển.
Cả nước có khoảng 6.000 doanh nghiệp, trong đó 5.101 doanh nghiệp chuyên gia công hàng may mặc, chiếm 85%; Số lượng doanh nghiệp sản xuất vải, nhuộm là 780 doanh nghiệp (chiếm 13%); Số lượng sản xuất chế biến xơ, sợi là 119 doanh nghiệp (chiếm 2%).
Năm 2017, Việt Nam phải nhập khẩu từ Trung Quốc 7,6 tỉ USD, gồm các loại nguyên liệu dệt may khác nhau, chủ yếu là vải dệt kim (Mã HS60), vải từ sợi Filament (HS 54), vải từ sợ staple (HS 55) và cotton ( HS 52). Tương tự, Việt Nam phải nhập nguyên liệu từ Đài Loan, Hàn Quốc, mỗi nơi 2 tỉ USD/năm, chủ yếu là vải dệt kim.
Trung Quốc là nhà cung cấp trên 40% hàng dệt may cho thị trường thế giới (từ năm 2000). Nếu nhìn kim ngạch xuất khẩu từ năm 2017, các mặt hàng may mặc chưa có sự khác biệt giữa sản phẩm dệt kim (202 tỉ USD) và dệt thoi (200 tỉ USD), Trung Quốc muốn tạo ra sự thay đổi trên thị trường dệt may toàn cầu với mức tăng thêm 378 tỉ USD. Tương tự Ấn Độ muốn tăng thêm 121 tỉ USD.
Các dự báo của Wazir Advisor cho thấy, sự lớn dần của nhu cầu trong nước cùng khả năng chi tiêu của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tạo ra quy mô thị trường dệt may 795 tỉ USD, lớn hơn tổng quy mô thị trường EU và Mỹ- được cho là có giá trị 775 tỉ USD. Cũng theo tổ chức này, thị trường năm 2025 sẽ tăng gấp đôi quy mô hiện nay, tốc độ tăng bình quân 5%/năm và năm 2030 sẽ lên đến 2.600 tỉ USD.
Trong cuộc thương chiến Mỹ - Trung cơ hội dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, ngành dệt may sẽ làm gì để giữ và gia tăng thị phần khi 50% nguyên phụ liệu phải nhập từ Trung Quốc?
Nếu muốn giữ và phát triển thị phần, cần có cái nhìn đầy đủ hơn về bức tranh ngành dệt may, theo chuỗi sản xuất từ thượng nguồn đến hạ nguồn, từ nguyên liệu thô, xơ, sợi, vải đến cuối cùng là hàng may mặc - theo ông Nguyễn Thái Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam.
► Ðưa nhà máy may về đồng bằng
Trong khi các nhà máy Trung Quốc chọn khu công nghiệp tập trung để hưởng lợi từ công trình phụ trợ thì ngành dệt may Việt Nam phải dịch chuyển nhà máy về nông thôn thực hiện trọng trách kinh tế- xã hội.
Khi mở một nhà máy, thông thường từ 3-5 năm mới chạy trơn tru nếu có thợ lành nghề và máy móc hoàn thiện dây chuyền. Mỗi nhà máy, tùy theo mặt hàng, quy mô, cần 750-2.500 công nhân, nhưng 2-3 năm qua, chưa nhà máy nào tuyển đủ công nhân để đào tạo thợ lành nghề cho các dây chuyền. Các nhà máy phải chịu chi phí cho công nhân mới vào nghề thực hành, tay nghề - chất lượng sản phẩm thấp, nhưng phải trả mức lương tối thiểu như công nhân lành nghề, chi phí ảnh hưởng thu nhập công nhân nên nhà máy chịu lỗ dễ bị các doanh nghiệp "từ trên trời rơi xuống", dùng lương cao kéo người lành nghề đi chỗ khác.
Nhà máy nào mở ra ở ĐBSCL cũng bị lỗ. Tập đoàn dệt may đặt ra mục tiêu thoát lỗ, hy vọng trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL trước biến đổi khí hậu, nhưng không thấy các nhà hoạch định chính sách nói gì tới lao động nông nghiệp cung cấp cho công nghiệp; nguồn lao động rất lớn tìm được việc làm trong ngành dệt may tại địa phương thay vì phải "đi Bình Dương", tại sao không?
Doanh nghiệp Trung Quốc chọn vị trí các khu công nghiệp của Việt Nam, làm nhà máy may và bằng mọi cách nâng tỷ trọng đầu tư trong ngành dệt may, khai thác tối đa thế lực của nhà đầu tư. "Họ muốn gặp lãnh đạo địa phương còn dễ hơn doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó các cơ quan bảo vệ quyền lợi người lao động, thuế vụ không kiểm tra được nhà máy của họ" - ông Nguyễn Thái Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, nói. Thực tế đã diễn ra ở Công ty Lu An , tỉnh An Giang.
Khi CPTPP có hiệu lực, Việt Nam phải có nguồn cung nguyên phụ liệu từ trong nước hoặc nội khối, ông Hùng cho rằng khi ngành dệt may dịch chuyển ra khỏi các thành phố lớn về nông thôn, tăng nguồn lực kinh tế, cùng giải quyết vấn đề xã hội với địa phương, cần có cái nhìn đúng đắn từ các nhà hoạch định chính sách. Hơn nữa, cần nhìn nhận thực trạng doanh nghiệp Trung Quốc thông qua người Việt Nam đứng tên mua rất nhiều cổ phần, cổ phiếu hoặc trực tiếp mở công ty may ở các tỉnh thâm nhập sâu vào ngành may mặc.
Xây dựng nhà máy kéo sợi ở Bạc Liêu, ngành dệt mong muốn nhà nước hỗ trợ công trình xử lý chất thải, kiểm soát mối nguy do ô nhiễm. Các nhà máy may công nghiệp cần đất xây dựng (trong khi quỹ đất được sử dụng như "Ngân hàng đất đai" quan tâm lợi ích kinh doanh bất động sản), cần chỉnh sửa cách đào tạo thợ may không đáp ứng được nhu cầu bố trí công việc trong nhà máy, cần chuyển gói kinh phí từ trung tâm dạy nghề quận huyện, tỉnh để nhà máy chuyên môn hóa việc đào tạo thợ lành nghề, cần chính sách linh hoạt trong cơ chế tiền lương - lao động học nghề... nhưng chẳng thấy các nhà hoạch định chiến lược đề cập!
► Sức mạnh của ngành dệt may
Thế mạnh của cuộc công nghiệp 4.0 ứng dụng trong ngành dệt may, gắn tự động hóa công đoạn kéo sợi, dệt; ứng dụng công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID), các thiết bị cảm biến để thu thập và lưu giữ thông tin, hệ thống điều hành MES (Manufacturing Execution Systems) và quản lý nguồn nhân lực ERP (Enterprise Resource Planning)… tạo cơ hội cho sự ra đời "Fast Fashion" và phát triển ngành dệt may sạch hơn, tinh gọn hơn.
Với công nghệ tiên tiến, ngành dệt may có thể ứng dụng 3 mảng chính: Ứng dụng số hóa kết hợp tự động hóa trong sản xuất nhằm tạo ra các dây chuyền quy trình toàn diện, sản phẩm có tính đặc thù cao, tăng sự tương tác giữa người và máy; Ứng dụng công nghệ số để sản xuất hàng mẫu dạng số, sát với thực tế để đẩy nhanh chu trình may; Kết nối dữ liệu thực tế và người mẫu ảo để tạo ra sản phẩm may mặc vừa khít với khách hàng. Công nghệ hỗ trợ việc chứng minh, truy xuất nguồn gốc, hình thành chuỗi giá trị minh bạch. Ứng dụng blockchain sẽ trở nên dễ dàng. Các ngành thâm dụng lao động sẽ có nhiều thay đổi.
Thực ra tới giờ phút này, không có nhà máy nào trong ngành dệt may Việt Nam đạt tiêu chuẩn công nghệ 4.0. Việt Nam chưa có công ty may nào đạt doanh thu tới 1 tỉ USD/ năm. Dẫn đầu là Việt Tiến chỉ có 700 triệu USD/năm, An Phước cũng chỉ 500 triệu USD là hết cỡ. Một nhà máy được đầu tư thiết bị tự động hóa ở Bến Tre, nhưng phụ thuộc vào đơn đặt hàng. Nếu đem công nghệ 4.0 về Việt Nam, chưa chắc có người sử dụng hết công suất vì hiện nay không có trường đào tạo, không có quy trình nguyên liệu đầu vô - đầu ra, liên hoàn với nhau và quan trọng ai đặt hàng hay tự động hóa để nhận hàng gia công?
"Nói ứng dụng công nghệ 4.0, có tiền là làm được thì ngành dệt may chưa thể vì phải có chính sách, phải có con người được đào tạo mới làm được" - ông Hùng nói và cho biết: Trung Quốc cũng chỉ có một nhà máy ứng dụng công nghệ 4.0 ở Quảng Châu, chủ yếu là dệt kim.
"Ngành dệt may cần chiến lược đột phá chứ không cần sự lặp lại những tờ trình cũ trước đây, những quan điểm cũ, không nắm bắt tình hình mới phát sinh trên thế giới và hễ mở miệng là nói cách mạng 4.0, công nghệ số, sản xuất thông minh, nhưng không biết những thứ đó có thể đặt vào đâu? Thay đổi cục diện và toàn cục như thế nào?" - ông Nguyễn Thái Hùng, buồn xo, nói.
Lao động trong ngành dệt may của Trung Quốc có mức lương bình quân 280 USD/người/tháng, Việt Nam có mức bình quân 220 USD; các nước ASEAN là 120 USD. Việt Nam không còn là quốc gia "lợi thế" nhân công rẻ, chỉ còn lợi thế tuổi lao động trẻ, nhưng nếu không có chính sách, chiến lược rõ ràng thì cũng khó thu hút lao động vào ngành này.
Mục tiêu đào tạo 600.000 người thành lao động kỹ thuật trong giai đoạn 2010 - 2017 thực ra chỉ đạt 8,2%, kế hoạch bồi dưỡng tay nghề 314.000 công nhân cũng chỉ đạt 14%, coi như kế hoạch bất khả thi. Nguồn nhân lực cho giai đoạn tự động hóa 3.0 còn chưa thực hiện được.
Một bản Dự thảo chiến lược ngành dệt may Việt Nam được gởi tới các thành viên Hiệp hội Dệt May Việt Nam, nhưng theo ông Hùng, thị trường nội địa chỉ được đề cập chung chung! "Không thể vì xuất khẩu mà bỏ bê thị trường nội địa cả trăm triệu dân", ông Hùng cho rằng những chủ trương phát triển chiến lược ngành dệt may phải rõ ràng, ưu đãi cụ thể khi đầu tư về vùng nông thôn: Công nghệ? Đất đai? Trọng điểm? Lao động? Tài chính? Tín dụng? Lãi suất?... để Việt Nam có nhiều nhà máy đủ sức
cạnh tranh.
Bài, ảnh: Châu Lan