11/04/2013 - 16:19

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TP CẦN THƠ

Đáp ứng nhu cầu lọc thận cho bệnh nhân suy thận mạn

Bệnh nhân đang lọc thận tại BV Đa khoa
TP Cần Thơ.

Đơn vị thận nhân tạo thuộc khoa Hồi sức tích cực - chống độc của Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ hiện có 25 máy lọc thận, hoạt động hết công suất, mỗi ngày phục vụ khoảng 95 trường hợp lọc thận định kỳ (trung bình 1 máy chạy 4 ca/1 ngày), chưa kể những ca cấp cứu. Có thể nói, BV Đa khoa TP Cần Thơ là một trong những cơ sở chạy thận nhân tạo lớn nhất, phục vụ số lượng lớn bệnh nhân mắc bệnh thận của thành phố và các tỉnh lân cận.

Sau khi chia tách, từ năm 2007 đến nay, BV Đa khoa TP Cần Thơ tiếp tục thực hiện lọc thận nhân tạo cho bệnh nhân suy thận. Thời gian đầu, đơn vị lọc thận chỉ có 5 máy lọc thận phục vụ cho bệnh nhân, khoảng 4 năm trở lại đây, số máy được đầu tư ngày càng nhiều, hiện nay có 25 máy. BV là một trong những cơ sở lọc thận lớn nhất của TP Cần Thơ, với hệ thống máy móc hiện đại, hoạt động hết công suất. Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc, đơn vị thận nhân tạo, TP Cần Thơ cũng có một số BV lọc thận nhân tạo cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối nhưng số lượng máy và công suất hoạt động ít hơn BV Đa khoa TP Cần Thơ. Chẳng hạn, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng có 25 máy nhưng chỉ 15 máy hoạt động (3 ca/1 ngày). Trong khi đó, ở BV Đa khoa TP Cần Thơ, máy lọc thận hoạt động 4 ca/1 ngày. Ngoài ra, khi có những trường hợp bệnh cấp cứu cần phải lọc thận, máy lọc thận phải tăng công suất hoạt động. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày, BV có khoảng 95 bệnh nhân ngoại trú lọc thận định kỳ (khoảng 4 giờ/1 lần, chưa kể nhiều trường hợp lọc thận cấp cứu).

Đơn vị thận nhân tạo đáp ứng nhu cầu lọc thận cho người dân TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như: Đồng Tháp, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang. Bệnh nhân điều trị lọc thận tại BV Đa khoa TP Cần Thơ được hưởng nhiều lợi ích hơn so với điều trị ở các cơ sở tuyến trên. Khoảng 2 năm nay, bệnh nhân lọc thận tại BV không phải chi trả tiền dịch vụ máy, chỉ phải đóng mức giá chênh lệch từ thanh toán của bảo hiểm y tế. Nhờ đó, chi phí lọc thận tại BV Đa khoa TP Cần Thơ thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước. Bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện chi trả từ 60.000 đồng - 120.000 đồng/lần lọc thận.

Chị Nguyễn Thanh Thủy (43 tuổi, ở quận Bình Thủy) lọc thận định kỳ từ năm 2006 đến nay. Chị cho biết, mặc dù mỗi tuần phải vào BV 3 lần nhưng chị vẫn cố gắng duy trì việc làm, không muốn trở thành gánh nặng cho người thân. Còn chị Khoa (ở tỉnh Sóc Trăng) nuôi chồng điều trị bệnh thận tại BV Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết:  “Chồng tôi lọc thận nhân tạo tại BV này đã nhiều năm nay. Nhờ lọc thận tại Cần Thơ nên vợ chồng tôi tiết kiệm chi phí điều trị và công sức đi lại. Ngoài ra, BV còn có Tổ từ thiện, phục vụ cơm và nước sôi miễn phí cho phần lớn bệnh nhân nghèo lọc thận”. Đơn vị thận nhân tạo hiện có 3 bác sĩ điều trị và 16 điều dưỡng. Cán bộ, nhân viên của khoa được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện nhiều kỹ thuật khác như: đặt catheter thông tĩnh mạch, chọc dò màng bụng, màng phổi, màng tim, (khi bệnh nhân tràn dịch đa màng).

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc, để duy trì sức khỏe và cuộc sống lâu dài, người mắc bệnh thận cần thực hiện đúng nguyên tắc kiêng khem uống nước, chế độ ăn uống hợp lý, đủ đạm, không dùng thức ăn có chứa chất làm tăng kali máu (có nhiều trong các loại trái cây như nho, chuối), tăng phốt pho (như trứng, bơ, sữa). Đồng thời, bệnh nhân nên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thận và cần giữ chênh lệch trọng lượng cân nặng dưới 2kg giữa hai lần lọc thận, nhằm tránh những biến chứng như: tràn dịch, suy tim, ảnh hưởng sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Phương pháp lọc thận nhân tạo chỉ là 1 trong 3 phương pháp (ghép thận, thẩm phân phúc mạc, chạy thận), kéo dài cuộc sống người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối. Tùy vào nhu cầu, điều kiện sống, bệnh nhân chọn 1 trong 3 phương pháp trên. Tại TP Cần Thơ, phương pháp lọc thận nhân tạo là phương pháp duy nhất đối với bệnh nhân suy thận. Ngoài điều trị suy thận mạn, lọc thận còn được chỉ định trong nhiều trường hợp như suy thận cấp và ngộ độc thuốc (trong trường hợp dùng thuốc chống động kinh phenobarbital). Bác sĩ Bảo Ngọc cho biết, bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc thận mới duy trì được cuộc sống, do đó người bệnh phải gắn bó phần đời còn lại ở BV. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn như: biến chứng đái tháo đường, tăng huyết áp và các bệnh lý tại thận (thận đa nang, sỏi thận, sỏi niệu, hội chứng thận hư, viêm cầu thận. Do đó, khi có triệu chứng về sức khỏe thận, người bệnh phải kịp thời đến thăm khám tại cơ sở y tế, thực hiện các xét nghiệm cần thiết, … để được điều trị kịp thời.

Mới đây, BV Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cử cán bộ đến BV Đa khoa TP Cần Thơ khảo sát để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho BV, trong đó chú trọng hai kỹ thuật chuyên sâu là tim mạch can thiệp và ghép thận khi về cơ sở mới (dự kiến cuối năm 2013) BV sẽ thành lập khoa thận nhân tạo, phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn. Trước mắt, sắp tới thành phố trang bị thêm cho BV 5 máy lọc thận hiện đại, bệnh nhân sẽ không phải chờ đợi.

Bài, ảnh: T. SƯƠNG

Chia sẻ bài viết