28/06/2019 - 07:32

Dân Singapore có nguy cơ mất thính giác sớm 

Lão hóa là nguyên nhân gây mất thính giác phổ biến nhất, nhưng những âm thanh mà chúng ta đang tiếp xúc hằng ngày có thể đẩy nhanh quá trình này.

Ảnh: CNA

Tiếng ồn từ đồng hồ báo thức, từ các phương tiện giao thông trên đường đi làm mỗi ngày rót vào tai chúng ta. Việc sống cạnh tuyến xe điện ngầm hoặc công trình xây dựng còn phát ra những âm thanh đinh tai nhức óc. Theo trang web dangerousdecibels.org và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiếp xúc với âm thanh có cường độ vượt quá 85 decibel (dB) trong 8 tiếng hoặc 100dB trong 15 phút sẽ ảnh hưởng đến thính lực. Cuộc sống thường nhật của chúng ta chẳng thể yên tĩnh bởi những “thủ phạm” sau đây. Tiếng mưa rơi có cường độ 50dB, giọng nói bình thường 60dB, máy giặt 75dB, đồng hồ báo thức 80dB, giao thông trong nội ô đông đúc 85dB, máy sấy tóc 90dB, tiếng còi xe hơi 110dB, máy khoan bê tông 120dB, tiếng xe cứu thương 120dB và pháo hoa 140dB.

Theo nghiên cứu hồi năm 2017 của Đại học Quốc gia Singapore, cường độ âm thanh ngoài trời trung bình ở quốc đảo Sư tử là 69,4dB, gần giống như tiếng máy hút bụi hoạt động suốt ngày. Con số này đã vượt qua mức khuyến cáo của Cơ quan Môi trường Quốc gia (67dB/giờ) và gần chạm mức khuyến cáo của WHO (70dB/ngày). Nơi được ghi nhận ồn ào nhất là Serangoon, Orchard, Outram và Bukit Timah đều có cường độ âm thanh vượt 70dB, trong đó Serangoon cao nhất với 73,1dB.

Chỉ mỗi cường độ tiếng ồn trung bình ngoài trời không thể đe dọa thính giác chúng ta, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thưởng thức nhạc bằng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc với âm lượng cao trong thời gian dài có thể gây tổn hại đến tai. Chuyên gia Kelvin Lee cho rằng người dân quốc gia Đông Nam Á này có thể bị mất thính giác ở độ tuổi khá trẻ, tầm khoảng 45 tuổi, vì các yếu tố trên. Theo ông, một số máy nghe nhạc có thể tạo ra âm thanh cường độ lên tới 120dB, tương đương tiếng ồn của máy bay dân dụng khi cất cánh. Tiếp xúc tiếng ồn này trong 30 phút cũng có thể để lại tổn thương lâu dài cho tai người nghe. Mất thính giác nặng là khi tai không thể nghe được âm thanh dưới 40dB, chẳng hạn như tiếng chim hót hoặc tiếng động nhỏ trong thư viện.

Đối với con người, tai trong là bộ phận hình ốc, có chứa lưu chất và các dải tế bào “lông” độ nhạy cao. Các tế bào lông này có chức năng truyền dẫn thông tin âm thanh đến não. Khi lớn tuổi một số tế bào biến mất hoặc bị tổn thương, dẫn đến suy yếu khả năng nghe. Hiện vẫn chưa có phương pháp đảo ngược tình trạng mất thính giác do tiếng ồn và tuổi tác. Do vậy, ông Lee khuyến cáo để bảo vệ tai khi sử dụng điện thoại di động thì cách tốt nhất là áp dụng quy luật 60/60. Điều chỉnh âm lượng ở mức 60% và không sử dụng thiết bị quá 60 phút. Nếu âm lượng là 80% thì phải rút ngắn thời gian sử dụng liên tục xuống dưới 60 phút. Khi ra đường cố gắng tránh tiếp xúc âm thanh cường độ cao. Nếu đến hộp đêm, nên đứng cách xa loa nhạc ít nhất 3m.

► Mối đe dọa đối với thanh thiếu niên

Mất thính giác không chỉ là vấn đề nghiêm trọng đối với người trưởng thành mà còn cả thanh thiếu niên. Bệnh viện thứ ba của Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân bị mất thính giác do tiếp xúc với tiếng ồn có cường độ lớn. Những ca bệnh này tăng cao trong những năm gần đây, thậm chí có cả một số thanh thiếu niên. Nhiều trường hợp có thói quen không tốt như nghe điện thoại hoặc nghe nhạc quá lâu với âm lượng cao.

Trong báo cáo gần đây, WHO cảnh báo khoảng 1,1 tỉ người trong độ tuổi 12-35 có nguy cơ mất thính giác do sử dụng các thiết bị âm thanh cá nhân một cách không an toàn. Qua phân tích dữ liệu thu thập tại những nước có thu nhập trung bình và cao, cơ quan này nhận thấy trong số các thanh thiếu niên, gần phân nửa trường hợp có tiếp xúc với âm thanh cường độ quá cao từ các thiết bị cá nhân và khoảng 40% tiếp xúc với tiếng ồn nguy hại tại các điểm vui chơi giải trí.l

HẠNH NGUYÊN (Theo CNA, Asia One)

Chia sẻ bài viết