22/05/2018 - 07:37

Dân châu Á thay gạo bằng các “siêu thực phẩm” 

Gạo từng là thành phần chính trong bữa ăn của người Đài Loan, nhưng tiêu thụ gạo tính trên đầu người tại đây đã giảm hơn 2/3 trong 50 năm qua, do sự lên ngôi của các “cây trồng thông minh” và “siêu thực phẩm”, theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO).

Giờ ăn trưa ở phố đi bộ Ximending của Đài Bắc là phép thử về ý chí và sự kiên nhẫn khi du khách và người dân địa phương chen lấn tại các nhà hàng và quầy thức ăn ven đường để chọn mua những món ngon, bao gồm há cảo chiên hoặc hấp. Nhưng tại thiên đường ẩm thực này, thứ thỉnh thoảng mới xuất hiện trên các thực đơn và phần ăn của thực khách là cơm. “Tôi đã ăn nhiều cơm khi còn trẻ, nhưng nay tiêu thụ nhiều rau củ, thịt cá hơn. Nó an toàn hơn... Gạo hiện không được xem là sự lựa chọn lành mạnh”- Guan-Po Lin, 24 tuổi, bộc bạch.

Tiêu thụ gạo tính trên đầu người tại Đài Loan sụt giảm mạnh nhất ở châu Á, nơi sản xuất và tiêu thụ khoảng 90% lượng gạo toàn cầu. Thực tế, tiêu thụ gạo trên đầu người ở Hồng Công cũng đã giảm khoảng 60% kể từ năm 1961, Nhật Bản giảm gần 50%, trong khi Hàn Quốc giảm 41% tính từ năm 1978. David Dawe, chuyên gia kinh tế của FAO, cho rằng lúa gạo vẫn sẽ là cây trồng quan trọng nhất tại khu vực, đóng vai trò chính trong các bữa ăn và là biểu tượng của văn hóa châu Á, nhưng nó sẽ không còn thống trị trong những năm tới bởi người dân quay sang các nông sản mới.

Trong đó, tình trạng đô thị hóa, thu nhập người dân tăng cao, biến đổi khí hậu, những lo ngại về sức khỏe và nguồn cung thực phẩm là những nguyên nhân thúc đẩy nỗ lực tìm kiếm những sự thay thế trong tương lai, chẳng hạn như hạt kê và các thực phẩm giàu prôtêin hơn. FAO ước tính gạo bị coi là thứ yếu khi thu nhập bình quân đầu người đạt 2.364 USD ở những quốc gia châu Á.

Tại Đài Loan, hạt kê là thành phần chính trong bữa ăn của người dân nông thôn và bản xứ, còn trong các nghi lễ, hạt này có địa vị cao hơn gạo. Riêng ở Ấn Độ, tình trạng suy dinh dưỡng là nguyên nhân khiến chính phủ nước này khuyến khích sử dụng hạt kê vốn giàu prôtêin, chất xơ, chất dinh dưỡng vi lượng hơn so với gạo hoặc lúa mì. Hạt kê cần ít nước hơn để phát triển, có thể sống ở vùng đất nhiễm mặn và chịu đựng được khí hậu ấm hơn, các yếu tố then chốt như nhiệt độ và mực nước biển dâng ở khu vực Nam Á. Trong khi đó, việc sản xuất hạt diêm mạch (quinoa) được cho đã tăng hơn 70% trong giai đoạn 2000-2014 ở những quốc gia đang phát triển hàng đầu vì nó được bán như “siêu thực phẩm”. FAO ca ngợi những thực phẩm thay thế gạo là “các cây trồng thông minh” để tăng thêm sự hấp dẫn cho chúng.

Nhà kinh tế học Dawe cho biết những thay đổi trên đã được thấy ở Trung Quốc đại lục và một số nước Đông Nam Á, nơi người dân đang áp dụng chế độ ăn giàu prôtêin hơn, gồm nhiều thịt và cá hơn. Ở Philippines, một trong những quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, chính phủ cũng đang cân nhắc những thực phẩm thay thế, chẳng hạn như bắp, chuối, khoai lang...         

THANH BÌNH (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết