05/04/2008 - 22:20

Đọc “Nhà văn về làng” của Nguyễn Quang Sáng

Đậm tình yêu quê hương miền sông nước và bạn bè

“Nhà văn về làng” (NXB Văn Nghệ, quý I-2008) là tập bút ký của nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể cho độc giả những câu chuyện thú vị và cảm động về miền sông nước qua những chuyến đi về của bản thân ông cùng những người bạn nổi tiếng.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng vốn sinh ra và lớn lên bên bờ sông Tiền, thuộc làng Mỹ Luông, huyện Chợ Mới nay thuộc tỉnh An Giang, nên đọc “Nhà văn về làng”, độc giả có cảm giác như nhà văn Nguyễn Quang Sáng luôn mời mọc bạn bè về quê của ông bằng cả niềm tự hào. Làng của ông không có khách sạn và cũng không có cao lương mỹ vị để tiếp bạn bè văn nghệ sĩ – trong đó có những tên tuổi lớn từng đi qua nhiều vùng đất trong lẫn ngoài nước như nhà văn nhà thơ Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Hoàng Trung Thông, Đào Vũ, Nguyễn Duy, Đoàn Minh Tuấn, Mai Văn Tạo, Thu Bồn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đạo diễn Hồng Sến... Mỗi khi mời bạn bè cùng về, Nguyễn Quang Sáng và các bạn chia nhau ở nhà bà con hàng xóm của ông – những ngôi nhà sàn bên bờ sông Tiền mênh mông, chiêu đãi khách phương xa bằng những làn gió mát rượi và những sản vật được nhà văn giới thiệu đầy tự hào: “Cá lớn nhứt hơn một trăm ký trên sông Vàm Nao. Cá nhỏ nhất là con cá lòng tong. Hai con cá ấy, con nào cũng ngon hết biết” (trang 25). Sau khi dừng chân vài ngày ở làng, thể nào ông cũng đưa bạn đi một vòng từ sông Tiền qua sông Hậu – để cảm nhận hết sự mênh mông của sông nước đồng bằng, rồi từ Cần Thơ về lại Sài Gòn. Những chuyến đi như thế được nhà văn Nguyễn Tuân cảm thán: “Trong “Đất lửa” (tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Quang Sáng xuất bản năm 1962-PV) chú mày chưa tả hết sức sống cuồn cuộn của những dòng sông” (trang 131). Nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể lại câu chuyện này trong “Nhà văn về làng” mà không hề tự ái, trái lại còn thấy tự hào về sức sống mãnh liệt trên những dòng sông quê hương.

 

Từng khung cảnh, từng câu chuyện trong “Nhà văn về làng” còn khiến người đọc nhớ quê nhà tha thiết. Những khung cảnh từng gắn bó với tuổi thơ của mỗi người – nhưng nay đã chỉ còn trong kỷ niệm: “Tôi đi theo con đường đất quanh co trong xóm, xuống bến nước. Cái bến vẫn như xưa, cây cầu dừa chồm ra bờ, le đé trên mặt nước, cái gáo dừa úp trên cột cầu, một chiếc xuồng cui lơ lửng, dập dềnh theo sóng. Gió sông mát rượi. Bên kia sông, nhà cửa lẩn khuất trong rặng cây, mờ mờ xanh” (trang 22). Hay bức tranh êm đềm, thảnh thơi của những người bạn: “Anh Nguyễn Tuân, Trịnh Công Sơn và tôi, trong những ngày ở lại quê, chúng tôi ở nhà sàn bên bờ sông, ăn cơm quanh cái bàn tròn trên cái thảo bạc bằng gỗ đã lên nước đen mun. Vừa ăn cơm, vừa lai rai, vừa nhìn lục bình trôi trên sông, vừa nghe xuồng máy đuôi tôm lạch xạch xuôi ngược, vừa nói chuyện, đủ thứ chuyện trên đời, chuyện nọ xọ chuyện kia, chuyện này bắt quàng sang chuyện khác” (trang 24). Có lúc, chuyến về làng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng “rầm rộ” hơn, khi ông đưa đoàn làm phim “Mùa gió chướng” về quê quay ngoại cảnh, để rồi có những kỷ niệm không phai trong ký ức của nhiều người: “Trước khi bộ phim ra mắt khán giả thành phố, phim chiếu trước cho dân làng xem, gọi là đền ơn đáp nghĩa. Người xếp lớp lớp trên cánh đồng vừa gặt, nưng nức mùi rơm. Cảnh làng, con sông đó, lục bình trôi lên trôi xuống, nhà sàn, con đường, rặng cây... khi hiện lên màn ảnh thì đẹp lạ lùng, vừa quen vừa lạ. Đêm ấy, có nhà đã tắt đèn, nhưng chủ nhà vẫn ngồi lai rai với đoàn phim. Vui tới sáng” (trang 15).

Qua những chuyến về làng của nhà văn, người đọc còn hình dung được chân dung của nhiều văn nghệ sĩ mà ông yêu mến bằng ngòi bút gần gũi, hóm hỉnh và đầy ắp chi tiết sống động. Đó là nhà văn Sơn Nam “nghèo mà sang” luôn bình dị từ thời kháng chiến “chỉ cần ra bờ sông ngoắc một cái là nhà văn Sơn Nam đã quá giang xuồng dân đi rồi” (trang 78), đến khi hòa bình “vẫn đi bộ giữa Sài Gòn để thấy, nghe chuyện đời nhiều hơn, sâu hơn” (trang 80). Thu Bồn luôn giỏi xoay xở với “máu” phiêu lưu mạo hiểm khi kéo nhà văn Nguyễn Quang Sáng đi một mạch sang tận Bắc Kinh trong tình trạng rỗng túi. Hay những kỷ niệm trong lúc làm phim “Cánh đồng hoang” với đạo diễn Hồng Sến – lúc ông kiên quyết giữ lại cảnh cuối cùng trong bộ phim: nhân vật chính Bé Ba sau khi bắn chết viên phi công Mỹ đã chỉ nhìn tấm ảnh vợ con của viên phi công rơi ra từ đám cháy, chứ không là hình ảnh cô vươn cao súng với lớp lớp đoàn quân phía sau như gợi ý của một số người. Hoặc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những lần biểu diễn trước khán giả là những người dân quê mỗi khi được yêu cầu, dù chỉ là một người...

“Nhà văn về làng” khiến người đọc thêm yêu mến quê hương và yêu mến các văn nghệ sĩ – những người luôn sống giản dị và hết mình với đời.

Xuân Viên

Chia sẻ bài viết