14/04/2008 - 22:10

Ông Phan Thành Tiến, Giám đốc Cảng Cần Thơ:

Đảm bảo tàu biển tải trọng 20.000 tấn ra vào cảng an toàn

Mới đây, thực hiện việc lấy ý kiến đóng góp quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam từ nay đến năm 2020, Cảng Cần Thơ đã có những đề xuất nhằm đảm bảo quy mô đáp ứng tàu biển tải trọng 20.000 tấn ra vào bốc xếp hàng an toàn. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Phan Thành Tiến, Giám đốc Cảng Cần Thơ, xung quanh những giải pháp cụ thể để thực hiện quy mô này.

* Xin ông cho biết cơ sở và mục tiêu quy hoạch Cảng Cần Thơ từ nay đến năm 2010 như thế nào?

- Mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 và hướng đến năm 2020 của Cần Thơ là: “Đưa Cần Thơ xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Công; là trung tâm công nghiệp; trung tâm thương mại dịch vụ du lịch; trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ; trung tâm y tế và văn hóa, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và của cả nước”. Để thực hiện mục tiêu này, một trong những tiêu chí cần sớm triển khai thực hiện: phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường bộ, đường sông, đường biển và đường hàng không. Trong đó phải chú ý đến lợi thế của vùng sông nước ĐBSCL với hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt. Trong đầu tư phát triển giao thông vận tải thì đầu tư vào lĩnh vực vận tải thủy luôn rẻ nhất và hiệu quả nhất, vì cho dù đường bộ, đường sắt, đường hàng không có phát triển bao nhiêu thì vẫn không thể thay thế được đường thủy. Hiện tại khối lượng hàng hóa vận chuyển của ĐBSCL khoảng 10 triệu tấn/năm, trong đó 80% là gạo, nông sản xuất khẩu và phân bón vật tư nông nghiệp nhập khẩu. Với khối lượng lớn như vậy, nhưng vùng này chỉ có 12 cảng biển và mới đảm nhận được khoảng 30% nhu cầu hàng hóa của khu vực. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển của TP Cần Thơ cũng như vùng ĐBSCL giai đoạn 2010 - 2020, hệ thống cảng biển phải được nhìn nhận, đánh giá, quy hoạch một cách nghiêm túc, tạo sức bật mới cho xuất nhập khẩu phát triển và tàu biển có trọng tải 20.000 DWT ra vào trên luồng sông Hậu thật sự an toàn.

Bốc xếp hàng container ở cảng Cần Thơ. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

* Những điều kiện nào để quy mô của Cảng Cần Thơ đáp ứng được yêu cầu này, thưa ông?

- Căn cứ theo định hướng của Chính phủ và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, phương án phát triển cụm cảng Cần Thơ giai đoạn 2010 - 2020 (nhóm cảng biển số 6) thực sự còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó vấn đề luồng cửa sông Hậu phải được ưu tiên giải quyết. Gần đây, Nhà nước đã có Dự án Kênh Quan Chánh Bố với chi phí khoảng 3.200 tỉ đồng và đến khi khởi công thì phải mất 3-5 năm nữa mới đưa vào sử dụng. Mặt khác, cũng đã có nhiều nhà chuyên môn phân tích về sự cần thiết phải nạo vét một cách nghiêm túc luồng Định An trong khi đang triển khai dự án luồng qua Kênh Quan Chánh Bố. Mục tiêu của các nhà hoạch định trong chiến lược phát triển kinh tế là xây dựng luồng tàu từ biển vào sông Hậu có độ sâu ổn định, cho tàu biển có trọng tải 20.000 DWT hoạt động quanh năm an toàn. Từ đó, đánh thức tiềm năng về xuất nhập khẩu nông nghiệp, thủy hải sản, thúc đẩy phát triển công nghiệp... nhằm khai thác lợi thế kinh tế của khu vực ĐBSCL cũng như góp phần tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn tại đây. Có như vậy, những đặc sản về tôm, cá, gạo, trái cây... của vùng ĐBSCL trù phú sẽ đủ sức vươn xa hơn trên thị trường thế giới.

Theo quy hoạch đến năm 2010, trong vùng sẽ có trên 20 cảng lớn nhỏ với tổng năng lực thông quan 12-14 triệu tấn hàng hóa/năm và đến năm 2020 là 22-25 triệu tấn/năm, trong đó cụm cảng Cần Thơ được xác định là cảng trung tâm của cả vùng. Ngoài ra, khi luồng cửa sông Hậu - Định An được khai thông, sản lượng hàng hóa thông qua cảng sẽ tăng nhanh chóng, đặc biệt là hàng container. Theo số liệu thống kê hàng container qua cảng Cần Thơ năm 2007 đã tăng trên 22% so với năm 2006.

* Xin ông khái quát cụm cảng khu vực sẽ hình thành như thế nào và dịch vụ ra sao?

- Ngoài các cảng thuộc địa phương hoặc các ngành quản lý, từ năm 2010 - 2020 phải hình thành 5 cảng lớn thuộc cụm cảng Cần Thơ do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam quản lý, bao gồm: Công ty xếp dỡ Hoàng Diệu (Cảng Cần Thơ) phục vụ kinh doanh xuất nhập khẩu Khu công nghiệp Trà Nóc 1, Trà Nóc 2; Công ty xếp dỡ Cái Cui phục vụ kinh doanh xuất nhập khẩu Khu công nghiệp Hưng Phú 1, Hưng Phú 2; Công ty xếp dỡ Bình Minh: Sau khi hoàn thành công tác xây dựng cầu Cần Thơ sẽ trở thành thương cảng phục vụ kinh doanh xuất nhập khẩu Khu công nghiệp Hòa Phú, Tân Quới, Tân Lược tỉnh Vĩnh Long. Công ty xếp dỡ Hậu Giang phục vụ kinh doanh xuất nhập khẩu Khu công nghiệp Hậu Giang; Công ty xếp dỡ Ô Môn phục vụ kinh doanh xuất nhập khẩu Khu công nghiệp Ô Môn, Thốt Nốt. Cụm cảng này đồng thời phục vụ chung cho tiểu vùng Tây sông Hậu và tiểu vùng giữa sông Tiền với sông Hậu bằng nhiều nguồn vốn đầu tư với phương thức đa dạng hóa sở hữu.

* Xin cảm ơn ông!

ĐỖ CHÍ THIỆN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết