25/03/2024 - 22:30

Vĩnh Thạnh

Đảm bảo sản xuất hiệu quả vụ lúa hè thu 

Vụ lúa đông xuân 2023-2024, nông dân huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) thu hoạch dứt điểm, với năng suất cao, sau khi thu hoạch lúa, nông dân tiếp tục vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị sản xuất vụ mùa kế tiếp. Ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh khuyến cáo nông dân cần tuân thủ các nguyên tắc sản xuất lúa né sâu hại, dịch bệnh, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiến bộ  nhằm đảm bảo an toàn chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất…

Lúa hè thu trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh được ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, vụ đông xuân 2023-2024, nông dân huyện Vĩnh Thạnh tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, phù hợp điều kiện sản xuất của địa phương, được thị trường chấp nhận, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Các giống lúa mà địa phương chọn gieo trồng, như Đài Thơm 8, RVT, OM 5451, OM 4218 và một số giống khác phù hợp được doanh nghiệp đặt hàng. Đến nay, Vĩnh Thạnh vừa thu hoạch xong lúa đông xuân, năng suất lúa tươi từ 8,15-8,8 tấn/ha. Hiện giá lúa tăng trở lại, cao từ 100-200 đồng/kg so với đầu tháng 3-2024. Cụ thể, giá lúa tươi Jasmine 85 và Đài thơm 8 giá từ 7.700-7.900 đồng/kg, OM 18 từ 7.400-7.600 đồng/kg, OM5451 từ 7.300-7.600 đồng/kg, OM380 từ 7.200-7.300 đồng/kg, IR 50404 giá từ 7.200-7.300 đồng/kg. Dự báo, lúa đông xuân 2023-2024 sẽ tiếp tục tăng giá khi vụ mùa được thu hoạch dứt điểm.

Mặc dù sản xuất lúa đông xuân gặp giá cả bấp bênh, không cao, thu lợi nhuận thấp, nhưng nông dân sản xuất lúa trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh vẫn tiếp tục chuẩn bị đồng ruộng để sản xuất cho vụ hè thu tiếp theo. Theo kế hoạch, dự kiến diện tích xuống giống lúa hè thu 2024 toàn huyện là 24.527ha, năng suất 6,16 tấn/ha (lúa tươi), sản lượng 151.086,32 tấn. Thời điểm xuống giống né rầy, dịch bệnh hại lúa tiếp theo từ ngày 1-4 đến ngày 7-4-2024. Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ rầy nâu tại chỗ và tình hình rầy di trú kết hợp với chế độ thủy văn, xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho địa phương…

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, vụ lúa hè thu này, địa phương xây dựng cơ cấu giống lúa sản xuất đảm bảo yêu cầu cân đối, an toàn dịch bệnh, phù hợp với thực tế sản xuất và thị trường; tập trung các nhóm giống lúa chất lượng cao, như OM 5451, OM 18, OM 34... khuyến cáo nông dân sử dụng giống cấp xác nhận trở lên. Ngành Nông nghiệp yêu cầu các địa phương vận động nông dân xuống giống tập trung đồng loạt nhưng vẫn đảm bảo thời gian cách vụ, nhằm đảm bảo chất lượng hạt lúa và hạn chế thất thoát sau thu hoạch. Ngay sau khi thu hoạch lúa đông xuân, nông dân phải thực hiện tốt vệ sinh đồng ruộng, xử lý chế phẩm sinh học giúp rơm rạ mau phân hủy để giảm ngộ độc hữu cơ, tiêu diệt các mầm bệnh trên đồng ruộng trước khi xuống giống; cần tổ chức dọn cỏ, phát quang bụi rậm, bờ bao để hạn chế các đối tượng gây hạn như ốc bươu vàng, chuột… Về chăm sóc lúa cần bón lót phân lân, phân vôi, phân hữu cơ... giúp kích thích bộ rễ cây lúa phát triển mạnh, hạn chế ngộ độc hữu cơ, hạn chế đổ ngã. Thực hiện bón phân cân đối, đặc biệt không bón thừa phân đạm, bón phân lân giai đoạn lúa đẻ nhánh hiệu quả, bón kali để hạn chế đổ ngã; chú ý bổ sung phân trung lượng, vi lượng. Ứng dụng các khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa theo hướng an toàn, thân thiện môi trường như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, công nghệ sinh thái, sử dụng chế phẩm sinh học (nấm xanh, Ometar...) trong xử lý rơm rạ, quản lý sâu rầy…

Cũng theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, trong vụ hè thu năm 2024, nông dân cần lưu ý một số dịch hại như ốc bươu vàng phá hại, vì thời vụ gieo trồng lúa liên tục 3 vụ/năm, tạo điều kiện thuận lợi cho ốc bươu vàng tích lũy mật số và có khả năng phát tán từ ao mương, kênh dẫn nước vào ruộng... Bù lạch thường gây hại nặng từ khi mới gieo sạ đến hết giai đoạn mạ, đặc biệt là trong giai đoạn thiếu nước đầu vụ, cần có kế hoạch quản lý thật tốt, sử dụng biện pháp quản lý nước phòng trừ đối tượng này, không sử dụng thuốc trừ sâu phổ tác dụng rộng để phòng trừ ở giai đoạn đầu của cây lúa (phải bảo vệ thiên địch trên đồng ruộng). Chuột thường tập trung gây hại cho các ruộng lúa cặp đầu bờ kênh, cặp vườn cây ăn trái, cặp đường cao tốc... Đối với rầy nâu cần thăm đồng thật kỹ, kiểm tra thường xuyên, bám sát đồng ruộng, quan sát kỹ mật số rầy di trú ngay từ khi xuống giống nhằm phát hiện số trứng rầy/ổ, số ổ trứng trên chồi, tỷ lệ chồi mang ổ trứng... làm cơ sở dự tính, dự báo khả năng phát sinh, phát triển và gây hại của rầy nâu, đồng thời hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ kịp thời, tránh để lây lan sang diện rộng. Đặc biệt, trong điều kiện nền nhiệt tương đối cao như hiện nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho rầy phấn trắng phát triển và gây hại lúa, cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật tập trung hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ kịp thời, tránh để lây lan trên diện rộng…

Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhấn mạnh: "Vụ lúa hè thu 2024, huyện Vĩnh Thạnh tổ chức sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa chất lượng cao, số lượng lớn, an toàn sản xuất, an toàn thực phẩm trên nền tảng tiết kiệm nước, sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, cánh đồng lớn, hợp tác xã gắn với thị trường thông qua liên kết với công ty, doanh nghiệp. Các địa phương (xã, thị trấn) cần bố trí mùa vụ trên cơ sở khung thời vụ kết hợp với biện pháp "Xuống giống né rầy, đồng loạt, tập trung cho từng vùng, từng cánh đồng", chỉ đạo không xuống giống kéo dài, không để trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa đan xen; áp dụng đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kỹ thuật, nhất là kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm; tích cực chăm sóc, bảo vệ tốt ruộng lúa, góp phần thắng lợi vụ lúa hè thu 2024".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết