11/02/2011 - 14:13

Giải quyết bài toán giá cả nông sản:

Đảm bảo nông dân có lợi

Năm 2010, giá nông sản ở mức cao, nông dân vùng ĐBSCL lại dốc sức và hy vọng cho năm mới 2011- thắng về giá cả, sản lượng. Bởi nông dân luôn là người chịu thiệt hại “kép” trong sản xuất nông nghiệp (rủi ro thiên tai và thị trường), đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời, đồng bộ của nhà nước, doanh nghiệp và các nhà khoa học.

Giá nông sản ở mức cao: Nông dân vẫn lo!

Năm 2010, con cá tra đã đưa kim ngạch xuất khẩu cá nước ngọt vào câu lạc bộ tỉ đô-la nhưng người nuôi cá vẫn còn sợ vòng lẩn quẩn của những năm trước. Nhất là năm 2008- 2009, giá cá tra nguyên liệu “tuột áp” liên tục, lượng cá tồn đọng lớn, nhiều hộ nuôi cá nhỏ lẻ trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần. Ông Lê Văn Long, người dân nuôi cá ở Cồn Tiên trên sông Châu Đốc (tỉnh An Giang) cho biết: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quy hoạch vùng nuôi và khống chế diện tích nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời, thực hiện các tiêu chí về an toàn vùng nuôi đảm bảo tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu. Nông dân không ngại thực hiện theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, nhưng phải đảm bảo quyền lợi cho người nuôi có ứng dụng các tiêu chuẩn, kỹ thuật so với người nuôi bình thường”. Năm 2011, đã có quy định giá sàn xuất khẩu đối với con cá tra, nhưng giá này phải thay đổi theo giá thị trường, chứ không thể áp dụng hết năm này đến năm khác để người nuôi cứ chạy theo giá, nhu cầu thị trường!

Hiện nay giá lúa đang ở mức cao, có lợi cho nông dân. Ảnh: T.NGUYỄN.

ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước, năm 2010, sản lượng lúa hàng hóa toàn vùng đạt gần 21,7 triệu tấn và luôn đạt mức tăng năm sau cao hơn năm trước suốt 20 năm qua. “Giữ vai trò đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhưng người trồng lúa ở ĐBSCL vẫn nghèo”- đó là nhận xét của Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL. “Giá lúa hiện đang ở mức có lợi cho nông dân nhưng cần phải ổn định, tránh trường hợp vào mùa thu hoạch rộ, giá giảm mạnh”- ông Nguyễn Văn Út, ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, cho biết. Hiện giá lúa hàng hóa ở vùng ĐBSCL ở mức trên 5.000 đồng/kg, thương lái, doanh nghiệp đã ra quân thu mua lúa đông xuân 2010- 2011 đang thu hoạch cho người dân.

Vụ mía năm 2010-2011, giá mía ở ĐBSCL tăng đột biến đầu vụ do tình trạng tranh mua của các nhà máy đường. Đó là hệ lụy của nhiều năm giá mía bấp bênh, người trồng mía cải tạo đất chuyển sang cây trồng khác, gây thiếu hụt mía nguyên liệu cho nhà máy đường năm 2011. Ông Trần Tấn Thành ở huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang), nói: “Các nhà máy đường cần xây dựng vùng nguyên liệu và có đầu tư cho nông dân nâng cao chất lượng, năng suất. Có thể ký giá sàn và thực hiện mua bán theo giá thị trường khi đã thu hoạch để nông dân an tâm sản xuất. Giá mía vụ này phấn khởi lắm nhưng nông dân không khỏi lo lắng cho vụ sau. Bởi vì, giá tăng sẽ kéo nhiều người quay lại với cây mía rồi sẽ gây thừa nguyên liệu, giá rớt thê thảm cho vụ sau!”...

Những nỗi lo của nông dân về “được mùa mất giá, được giá mất mùa” hoàn toàn có cơ sở. Cốt lõi của vấn đề là do sản xuất manh mún, phương thức quản lý sản xuất nông nghiệp vận hành theo cơ chế thị trường còn nhiều bất cập, đầu tư thiếu đồng bộ cho sản xuất, quy hoạch...

Chuyển rủi ro cho thị trường!

Các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp cho rằng, đảm bảo công bằng cho nông dân, cần tính toán giá thành sản xuất trên từng loại cây trồng, vật nuôi một cách đầy đủ và chính xác. Nhiều năm qua, việc tính giá thành sản xuất cho cây lúa, con cá, con tôm... chưa đầy đủ, chưa tính đến công sức của nông dân trên đồng ruộng, tiền thuê đất, lãi suất ngân hàng... “Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp mua lúa phải đảm bảo cho nông dân có lời 30%, nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, thực tế giá không được như vậy. Nông dân không bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp mà phải thông qua hàng xáo. Cả đời gắn với cây lúa thì nông dân cần phải sống được với cây lúa, để trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học thì nông dân mới phấn khởi”- ông Nguyễn Văn Út, ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, nói.

Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, khái niệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế cần nhìn ở quy mô nền kinh tế quốc gia, chứ không phải ranh giới hành chính từng tỉnh. Vùng ĐBSCL có tiềm năng lớn về nông nghiệp, cần xây dựng các tiểu vùng sản xuất phù hợp với lợi thế tự nhiên, mà không tùy thuộc “cơ cấu kinh tế tỉnh” thì mới phát huy hết tiềm năng.

Theo tính toán của người trồng lúa, giá lúa hàng hóa vụ đông xuân 2010- 2011 phải từ 5.000 đồng/kg trở lên nông dân mới có lời, vì giá thành sản xuất đã tăng gần gấp đôi so với vụ đông xuân trước. Còn nhớ vụ đông xuân 2009- 2010, nhiều địa phương tính toán giá thành sản xuất ở mức 2.500- 3.200 đồng/kg, nhưng có nơi đến 3.500 đồng/kg. Đó chỉ là giá giống, phân thuốc, công thu hoạch, mà chưa kể tiền lãi suất ngân hàng, tiền thuê đất, tiền công của chủ ruộng... Vụ đông xuân này, nếu tính một cách đầy đủ thì giá thành sản xuất sẽ dao động ở mức 3.500- 4.000 đồng/kg. Còn đối với giá thành nuôi cá tra, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, tính toán: “Năm 2010, giá thành nuôi cá tra ở Cần Thơ cao nhất là 18.000 đồng/kg. Còn năm 2011, tính đầy đủ gồm: giá thức ăn cho cá, tiền con giống, thuốc hóa chất, chi phí bơm nước, công nuôi và lãi suất ngân hàng thì giá thành nuôi dao động 21.000- 22.000 đồng/kg”. Theo ông Hải, giá cá tra nguyên liệu phải ổn định ở ngưỡng 23.000- 24.000 đồng/kg trở lên người nuôi cá mới có cơ may không bỏ ao.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nhận xét: “Một nền nông nghiệp chỉ mang lại sự giàu có khi được gắn với ngành công nghiệp chế biến nâng cao giá trị gia tăng. Hiện nay, chúng ta thường nói đến liên kết “4 nhà”, nhưng nếu không gắn lợi ích của nhà nông và doanh nghiệp một cách hữu cơ, thì dù có đến 4 nhà cũng không giải quyết được cái gốc của vấn đề”. Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, nông dân luôn chịu rủi ro kép do thiên tai (hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh...) và rủi ro thị trường (biến động giá cả, tỷ giá hối đoái, mất cân đối cung- cầu...). Ở các quốc gia nông nghiệp phát triển, ngoài ứng dụng công nghệ, khoa học vào sản xuất để giảm rủi ro thiên tai, còn sử dụng công cụ thị trường để chuyển rủi ro do thị trường gây ra từ người sản xuất sang người kinh doanh. Do đó, tại Việt Nam, phát triển nông nghiệp bền vững, vấn đề đầu tiên là “phương thức tổ chức sản xuất nền nông nghiệp” chứ không phải là quy hoạch vùng sản xuất, nếu chỉ dựa vào “quy hoạch” thì “rủi ro thị trường” luôn ập đến. Cần chuyển rủi ro từ thị trường cho thị trường để giảm rủi ro cho nông dân thông qua 3 hệ thống công cụ hỗ trợ, gồm: nhà nước (chính sách tín dụng, dự trữ), doanh nghiệp (mua- bán theo hợp đồng) và vai trò các hiệp hội sản xuất nông sản. Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong giải quyết bài toán “tam nông”.

GIA BẢO- THỤY DU

Chia sẻ bài viết