28/09/2016 - 21:53

Đảm bảo lợi nhuận cho nông dân trong chuỗi giá trị nông sản

Thời gian qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt trong đó xây dựng được nhiều mô hình thành công, như: mô hình lúa – tôm; chuyển đổi 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa, 1 vụ màu; mô hình cánh đồng lớn… góp phần cải thiện đời sống nông dân… Song, nông dân vẫn chưa được hưởng ưu đãi từ chính sách cũng như lợi ích tương xứng so với thương lái hoặc doanh nghiệp. Do đó, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo cơ chế thị trường, cần xác định các yếu tố đảm bảo các mục tiêu cơ bản hài hòa lợi ích giữa các bên, nhất là đảm bảo lợi nhuận cho nông dân trong chuỗi giá trị nông sản.

Thu hoạch rau muống tại HTX rau an toàn Hòa Phát, quận Ô Môn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ nông - ngư - lâm nghiệp sang ngư - nông - lâm nghiệp, nông nghiệp, nông thôn Cà Mau đạt được nhiều thành tựu và phát triển khá toàn diện. Kinh tế nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định, năng suất, sản lượng lúa gạo hàng hóa ngày càng cao, thủy sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế ngành. Tuy nhiên, thu nhập cũng như đời sống của nông dân vẫn còn thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao do thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường; hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất trong điều kiện bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, kỹ thuật canh tác thấp các hình thức liên kết chậm phát triển nên chưa hình thành được những chuỗi giá trị nông sản có năng lực cạnh tranh cao làm ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong sản xuất nông nghiệp, cần xem xét mối quan hệ của các tác nhân trên thị trường để phân chia lại chuỗi giá trị. Theo đó, mô hình hợp tác xã được xem giải pháp tối ưu nhằm liên kết nông dân canh tác nhỏ lẻ cùng sản xuất với quy mô lớn, chất lượng cao, tránh tình trạng nông dân bị chèn ép giá, khó tìm đầu ra cho hàng hóa nông sản... Điều cốt lõi cần đẩy mạnh hợp tác giữa những người sản xuất và liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, liên kết giữa doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đầu ra... Song song đó, tăng cường nhận thức cho cả doanh nghiệp và người dân về lợi ích của việc liên kết trong chuỗi, thiếu hợp tác sẽ làm ảnh hưởng lớn đối với tác nhân khác, giảm giá thành và sức cạnh tranh của nông sản, ảnh hưởng đến lợi ích chung trong chuỗi giá trị. Điều quan trọng hơn là cần tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ gia đình với các tổ chức hợp tác và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Trong đó quan hệ liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp có hiệu quả sẽ góp phần phát triển mối quan hệ bền vững. Cà Mau đã và đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thông qua các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, như: mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tôm - rừng; mô hình trồng rừng tràm, keo lai thâm canh; mô hình sản xuất tôm – lúa cho hiệu quả khá cao… Từ đó, góp phần gia tăng quy mô hàng hoá, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, năng lực cạnh tranh cao của nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.

Trong công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp cần chú trọng đầu tư vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, có chính sách phù hợp để tập trung ruộng đất, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp; từng bước hình thành các tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao; phát triển hợp tác xã kiểu mới và các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng; hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, cần định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tập trung khai thác và tận dụng lợi thế vùng; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức tập trung, trang trại, gia trại, đạt các tiêu chuẩn phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, cũng cần gắn công nghiệp chế biến với bảo quản để tạo sản phẩm chất lượng cao cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhất là những ngành hàng có sức cạnh tranh cao và tiềm năng, như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, gạo hữu cơ; phát triển nhóm sản phẩm có nhu cầu nội địa lớn, như: lúa gạo, cua, sò huyết, cá chình… Đồng thời duy trì và nâng cao hiệu quả sản xuất phù hợp với điều kiện từng vùng đối với các sản phẩm nông sản, góp phần phát huy vai trò chủ thể của hộ nông dân trong tái cơ cấu nông nghiệp. Điểm lưu ý xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.

Bài, ảnh: Phú An

Chia sẻ bài viết